Hà Nội ‘đặt hàng’ chuyên gia, nhà khoa học các ý tưởng đột phá, giải pháp sáng tạo

Admin
(Chinhphu.vn) - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học... tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đề xuất nhiều ý tưởng đột phá, giải pháp sáng tạo, cùng đồng hành xây dựng Thủ đô: 'Xanh - Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại' và thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Ngày 14/5, TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp mặt chuyên gia, nhà khoa học nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh biểu dương những đóng góp đặc biệt quan trọng của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô.

Đồng thời khẳng định, trong những năm qua, Hà Nội luôn dành nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), với mục tiêu xuyên suốt là: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hoà Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học.

Chủ tịch TP. Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội là địa phương tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia), với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc; lãnh đạo thành phố Hà Nội xác định đây là lợi thế đặc biệt quan trọng để Thủ đô tập trung đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Từ năm 2021 đến nay, Thành phố đã và đang triển khai thực hiện gần 300 nhiệm vụ thuộc 09 Chương trình khoa học - công nghệ cấp thành phố và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn với tỷ lệ cao, các dự án sản xuất thử nghiệm được áp dụng 100%, các đề tài, đề án được áp dụng khoảng 90%.

Mức đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của TP.Hà Nội tăng dần hằng năm (năm 2023 là 62,86%). Số lượng đơn đăng ký, bằng chứng nhận sở hữu công nghiệp, số công bố quốc tế trên địa bàn Hà Nội luôn ở vị trí dẫn đầu toàn quốc. Hai năm liên tục (2022, 2023), Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII).

Thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước; số lượng vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh lần lượt chiếm hơn 38% và 40% xét trên quy mô cả nước. 

Trên địa bàn Thành phố có gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng,… mang lại hiệu quả kinh tế cao và khẳng định được vai trò tiên phong ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, thời gian qua, Thành phố đã và đang triển khai 3 nhiệm vụ rất quan trọng là: Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. 

Trong quá trình triển khai, Thành phố đã nhận được sự đồng hành, ủng hộ, tham gia góp ý, tư vấn, phản biện rất tâm huyết và trách nhiệm của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Đến nay 02 Quy hoạch của Thủ đô đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua, đã báo cáo Lãnh đạo Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Bộ Chính trị và đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để trình, xin ý kiến Quốc hội khoá 15 tại Kỳ họp 7; dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng sẽ được trình Quốc hội khoá 15 xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 này.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, Luật Thủ đô sửa đổi và 2 quy hoạch được thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý và tiền đề đặc biệt quan trọng, góp phần kiến tạo và phân bố không gian phát triển cho Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn tới; tạo lập thể chế phát triển đồng bộ, vượt trội, đặc thù và là cơ sở để thực hiện các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm khai thác, huy động và sử dụng các nguồn lực, động lực để xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai.

"Với tinh thần cầu thị và lắng nghe, Lãnh đạo Thành phố mong muốn được đón nhận những ý kiến trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học", ông Trần Sĩ Thanh nói.

Đồng thời trân trọng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đề xuất nhiều ý tưởng đột phá, giải pháp sáng tạo, cùng đồng hành xây dựng Thủ đô Hà Nội – Xanh - Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại; có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Thủ đô có tiềm lực, hạ tầng KH&CN mạnh nhất

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang đánh giá Thủ đô Hà Nội đứng đầu cả nước về những yếu tố thuận lợi để phát triển KH&CN. Thủ đô có tiềm lực, hạ tầng KH&CN mạnh nhất; nguồn lực đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo của Hà Nội cũng cao nhất cả nước...

Thời gian qua, đội ngũ trí thức, nhà khoa học Thủ đô ngày càng lớn mạnh, hoạt động ngày càng tích cực, đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển Thủ đô. 

Bằng hoạt động của mình, đội ngũ trí thức, nhà khoa học đã làm gia tăng chất lượng nguồn nhân lực; tham mưu, tư vấn, phản biện, cung cấp nhiều luận cứ khoa học, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đạt được nhiều thành tựu trong những lĩnh vực chuyên ngành, chuyên sâu; góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, cải thiện năng suất lao động, hiệu quả sản xuất-kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, phát triển kinh tế-xã hội.

Đề cập đến Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/12/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, việc tiếp tục xây dựng, phát triển và phát huy vai trò to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong phát triển Thủ đô là một việc rất quan trọng và rất cần thiết cả trước mắt và lâu dài.

Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về trí thức, KH&CN. Đồng thời phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, tạo môi trường thuận lợi để phát huy tốt nhất vai trò, sự đóng góp của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang tin tưởng với sự chung sức đồng lòng của các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác KH&CN chắc chắn sẽ tạo lập nên những bước tiến mới, thành công mới và vị thế mới, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội thành trung tâm KH&CN của cả nước và khu vực.

Thay mặt đội ngũ trí thức KHCN Thủ đô, TS. Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội trân trọng cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Thành ủy, UBND, UB MTTQ thành phố Hà Nội đã tạo điều kiện để đội ngũ trí thức KHCN có một ngày trong năm được gặp gỡ, lắng nghe tâm tư tình cảm và được nghe thông tin, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, được nghe những định hướng cho nghiên cứu khoa học để đội ngũ trí thức KHCN Thủ đô có thể hiến kế, bám sát vào các định hướng và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Thủ đô.

Để đội ngũ trí thức KHCN tiếp tục cống hiến và đóng góp nhiều hơn nữa cho Thủ đô, ông Lê Xuân Rao đề nghị Thành phố giao Liên hiệp Hội tập hợp đội ngũ trí thức cả trong nước và nước ngoài tham gia vào các hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, cơ chế chính sách, các nghị quyết của Thành phố và đề xuất các ý kiến, giải pháp xử lý những lĩnh vực nóng, cấp thiết. 

Đơn cử như ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị gia tăng, lĩnh vực giao thông đô thị, chống ùn tắc, xử lý ô nhiễm môi trường, vấn đề về quy hoạch phát triển đô thị, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, nghiên cứu đề xuất khai thác những cơ chế đặc thù vượt trội của Luật Thủ đô sửa đổi…

Hoàng Giang