Những vụ bỏ quên học sinh thương tâm trên xe đưa đón
Những năm gần đây, do nhu cầu của phụ huynh, nên dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô rất phát triển, số lượng xe đưa đón học sinh cũng tăng lên hằng năm.
Dù rất thuận tiện trong việc đưa đón học sinh tới trường, nhưng dịch vụ này còn không ít bất cập, đặc biệt là thiếu sót trong quy định pháp luật và giám sát thực hiện. Chính vì thế, với những gia đình có con nhỏ sử dụng dịch vụ xe đưa đón, phụ huynh không khỏi lo lắng khi thỉnh thoảng lại xuất hiện vụ việc trẻ bị quên trên xe, nhiều trường hợp để lại những hệ quả đau lòng.
Năm 2019, cả xã hội bàng hoàng trước thông tin một em nhỏ tử vong trên xe đưa đón của Trường Tiểu học Gateway (Hà Nội) do bị bỏ quên nhiều giờ và không biết cách nào để thoát ra.
Tưởng rằng sau vụ việc này thì việc đưa đón học sinh sẽ được cẩn trọng, an toàn hơn, nhưng 5 năm sau đó, tháng 5/2024, dư luận lại một lần nữa đón nhận thông tin bé trai 5 tuổi, học sinh Trường Mầm non Hồng Nhung 2 (Thái Bình) tử vong vì bị bỏ quên trên ô tô đưa đón của nhà trường.
Ngoài ra, còn có những vụ việc bỏ quên trẻ ô tô, tuy không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ: Cháu bé 3 tuổi ở Bắc Ninh đã bị bỏ quên trên ô tô đưa đón suốt từ 8h đến 15h ngày 13/9/2019. May mắn thay, do tài xế mở cửa kính ở ghế lái và đỗ xe dưới bóng cây nên cháu bé thoát nạn. Cháu được chuyển đi cấp cứu tại địa phương, sau đó đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốc nhiệt, hoảng loạn, sốt, hạ đường huyết, mất nước.
Tháng 6/2020, một nam sinh lớp 4 trường tiểu học Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng bị bỏ quên trên ô tô đưa đón học sinh. May mắn, cháu bé tỉnh dậy, đập cửa, nhờ người dân trợ giúp đưa ra ngoài.
Tháng 9/2020, do cô giáo phụ trách xe và tài xế chủ quan, bỏ qua việc đi xuống cuối xe để kiểm tra nên đã bỏ quên một học sinh lớp 3 của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) trên xe đưa đón. Học sinh này đã tự mở cửa xe để đi vào trường (do đã được nhà trường hướng dẫn cách thoát hiểm trên ô tô từ bên trong).
Những hậu quả đáng tiếc vừa nêu đặt ra yêu cầu cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với nhà trường, giáo viên, học sinh, nhất là trách nhiệm của người lớn.
Tăng cường quản lý
Chỉ còn vài ngày nữa là đến năm học mới 2024-2025. Để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trong quá trình vận chuyển, đưa đón học sinh, các cơ quan liên ngành của nhiều địa phương đã và đang vào cuộc, tăng cường rà soát, kiểm tra hoạt động của xe đưa đón học sinh, nhất là ô tô.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, đơn vị đề nghị Sở GD&ĐT và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường học sử dụng xe đưa đón học sinh không ký hợp đồng vận chuyển đối với các đơn vị vận tải không đủ điều kiện, chấm dứt hợp đồng vận chuyển đối với phương tiện, người lái xe không đủ điều kiện quy định.
Các nhà xe, lái xe tuyệt đối không chở quá tải cho phép, không sử dụng xe hết hạn đăng kiểm, không có phù hiệu "xe hợp đồng" hoặc phù hiệu hết hạn, lái xe không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển…
Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị Sở GD&ĐT chỉ đạo Thanh tra Sở GD&ĐT phối hợp với Thanh tra Sở GTVT rà soát các trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô hợp đồng đưa, đón học sinh.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các lái xe, chủ xe không tuân thủ các quy định pháp luật về ATGT và trách nhiệm đã được xác định trong hợp đồng đưa đón học sinh bằng ô tô.
Thanh tra Sở GTVT có trách nhiệm tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định trong tổ chức và quản lý hoạt động vận tải đặc biệt đối với hoạt động đưa đón học sinh bằng ô tô.
Mới đây, Văn phòng UBND TPHCM có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường về việc tăng cường bảo đảm ATGT đối với ô tô đưa đón học sinh.
Để hạn chế những vụ việc thương tâm như trên, Luật Trật tự ATGT đường bộ vừa được Quốc hội thông qua đã dành 1 điều với 6 khoản quy định về bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đối với ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh.
Cụ thể, tại Điều 46 Luật TTATGT quy định: Ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh; phải trang bị thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe. Xe phải có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.
Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi.
Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi ô tô. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.
Bên cạnh đó, luật cũng tăng cường trách nhiệm đảm bảo ATGT của cơ sở tổ chức đưa đón trẻ.
Lãnh đạo TPHCM giao Sở GTVT, Sở GD&ĐT phối hợp đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu của Bộ GTVT, bảo đảm an toàn và tuân thủ quy định trong hoạt động đưa đón học sinh đến trường.
Công an Thành phố sẽ chủ trì, phối hợp Sở GTVTP, UBND TP. Thủ Đức, các quận, huyện chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách; quan tâm kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) với ô tô đưa đón học sinh.
Công an TPHCM và Ban An toàn giao thông Thành phố thường xuyên theo dõi, đôn đốc, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT theo chỉ đạo của UBND Thành phố, báo cáo kết quả định kỳ.
Còn UBND TP. Đà Nẵng giao Sở GTVT chủ trì rà soát các trường học có sử dụng ô tô hợp đồng đưa đón học sinh; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đúng quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Đặc biệt, các đơn vị phải có phương án kiểm soát, bảo đảm không còn hành khách trên xe sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc.
Sở GD&ĐT được giao yêu cầu tất cả cơ sở giáo dục có sử dụng ô tô đưa đón học sinh thực hiện quy trình, kiểm tra số lượng học sinh khi lên xe và rời xe.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục phối hợp với hội phụ huynh làm việc với các đơn vị kinh doanh vận tải, yêu cầu thực hiện đầy đủ quy định về ATGT đối với phương tiện, người lái xe. Cơ sở giáo dục tuyệt đối không hợp đồng ô tô đưa đón học sinh đối với đơn vị vận tải không bảo đảm các điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải cần ghi rõ những yêu cầu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan về ATGT, bảo vệ sức khoẻ học sinh khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe.
Trên xe cần có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, duy trì trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định, kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe.
Công an Đà Nẵng được giao chủ trì tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt, quan tâm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện ô tô đưa đón học sinh.
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu giám đốc các sở, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng liên quan, Ban ATGT tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực được phân công có trách nhiệm khẩn trương tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
Giao Sở GTVT, Sở GD&ĐT, Công an tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý được phân công chủ động phối hợp với cơ quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung tại mục 1, 2, 3 Công văn số 6022/BGTVT-VT ngày 6/6/2024 của Bộ GTVT; kịp thời báo cáo tham mưu các nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh…
Trước đó, Bộ GTVT có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm ATGT đối với ô tô đưa đón học sinh.
Theo đó, sở GTVT các tỉnh, thành phố phải có phương án kiểm soát bảo đảm không còn hành khách trên xe.
Người lái xe sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn ai ở trên xe.
Sở GD&ĐT sẽ yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục (từ bậc mầm non đến THPT) trên địa bàn có sử dụng ô tô đưa đón học sinh đến trường thực hiện quy trình, kiểm tra số lượng của học sinh khi lên xe và rời xe.
Trên xe phải có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, duy trì trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định, kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe.
HA