Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, các đơn vị liên quan như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao cùng với cơ quan chức năng sở tại đã hoàn tất thủ tục cần thiết để đảm bảo công dân Việt Nam được hồi hương trong điều kiện an toàn. Các công dân còn lại đang bị tạm giữ tại Myanmar cũng sẽ được phối hợp đưa về nước trong thời gian tới.

Việc đưa công dân về nước diễn ra trong bối cảnh Myanmar mở rộng đợt truy quét các cơ sở lừa đảo trực tuyến tại khu vực biên giới Thái Lan - Myanmar. Vào cuối tháng 2, giới chức Myanmar cho biết đã giải cứu khoảng 7.000 người, trong đó có công dân Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã xác nhận có người Việt trong nhóm bị giải cứu và phối hợp với các bên liên quan để xử lý.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng ngày 27/2 từng khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ những công dân là nạn nhân của các đường dây lừa đảo xuyên quốc gia. Tuy nhiên, bà Hằng cũng nhấn mạnh Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước để điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam tại nước ngoài theo đúng quy định pháp luật của nước sở tại.
Trước tình hình công dân Việt Nam bị lừa đảo đưa ra nước ngoài với những lời mời "việc nhẹ lương cao", Bộ Ngoại giao khuyến cáo người dân cần cảnh giác. Người dân cần chủ động tìm hiểu rõ về nội dung công việc, điều kiện làm việc, địa điểm, quyền lợi được hưởng và cơ sở pháp lý của đơn vị tuyển dụng. Đặc biệt, người lao động cần tránh tin theo các lời chào mời không rõ ràng, không yêu cầu bằng cấp hay hợp đồng lao động.
Để tránh rơi vào tình trạng cư trú, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài và bị lợi dụng vào các hoạt động phi pháp, Bộ Ngoại giao khuyến nghị người dân liên hệ trước với các cơ quan chức năng để xác minh thông tin và được tư vấn rõ ràng.