Ngày 15/1, Hội nghị triển khai công tác văn học năm 2025 và trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra tại Hà Nội.
Tại hội nghị, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đã điểm lại một số hoạt động nổi bật công tác văn học năm 2024. Ông khẳng định, hội nghị là hoạt động quan trọng cuối cùng trong năm âm lịch, trước thềm tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23, các sự kiện hướng về Quảng Trị để truyền tải thông điệp về hòa bình.
"Chúng ta sẽ để lại sau lưng những phiền muộn, những lo âu của năm 2024 để bước vào một giai đoạn mới nhiều ước mơ hơn, nhiều dự định hơn. Xin cảm ơn các hội viên, các đơn vị đồng hành đã cảm thông, nhắc nhở, gợi mở cho Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Xin chúc các nhà văn, nhà thơ luôn mạnh khỏe, có nhiều cảm hứng sáng tạo trong năm 2025", ông Thiều phát biểu.
Năm nay, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục tìm kiếm, phát hiện, vinh danh những tác phẩm/tác giả nổi bật. Ban tổ chức nhận được 208 bài dự thi, trong đó có 7 tác phẩm đoạt giải.
Ở hạng mục văn xuôi, truyện ngắn "Trên đỉnh giời" của nhà văn Y Ban và tiểu thuyết "Gia đình có 4 chị em gái" của Phạm Thị Bích Thủy được xướng tên.
Trong hạng mục Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao 3 giải thưởng gồm: tác phẩm "Phục sinh", tập thơ của nhà thơ Đào Quốc Minh - Nhà xuất bản Hội Nhà văn; tác phẩm "Đồng", tập thơ của nhà thơ Trần Lê Khánh - Nhà xuất bản Văn học và tác phẩm "Viễn ca", tập thơ của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh.
Ở nội dung lý luận phê bình, nhà phê bình Trần Hoài Anh thắng giải với công trình lý luận "Lý luận phê bình văn học miền Nam 1954 - 1975: Tiếp nhận và ứng dụng".
Văn học dịch không có tác phẩm đoạt giải. Mục văn học thiếu nhi, tác phẩm "Chiếc xe buýt bay" của Mai Chi và Huỳnh Long thắng giải.
Giải thưởng Tác giả trẻ gọi tên Võ Đăng Khoa với tác phẩm "Lạc đà bay" và Phùng Hương Ly - tác giả cuốn "Dưới vòm hoa đại khải".
Giải Nhà văn nữ ấn tượng năm 2024 - một hạng mục mới của giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam - thuộc về nhà thơ Đỗ Thị Tấc và nhà văn Đoàn Phương Huyền.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh cho biết: "Viễn ca hướng tới cuộc sống đương đại, nơi mỗi người đều trải qua những hành trình xa xôi trong đời sống nhân sinh. Tuy nhiên, dù đi xa đến đâu, con người vẫn phải quay về bản thể của mình, nơi tinh thần nhân văn hòa quyện với cảm hứng và cảm xúc. Đây là một thông điệp mạnh mẽ về sự tìm kiếm bản ngã và sự kết nối với những giá trị cốt lõi trong cuộc sống".
Viễn ca không những là một tập thơ trữ tình mà còn là sự phản ánh những thay đổi sâu sắc trong công nghệ, tri thức, cảm xúc và quan điểm sống.
Nhà thơ đã thử nghiệm nhiều cách thể hiện mới, từ nhịp điệu đến hình ảnh, thậm chí có những bài thơ không vần, một phong cách táo bạo nhưng đầy cá tính, thể hiện sự đổi mới trong tư duy sáng tác của ông.
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh (thứ hai từ bên phải qua) cùng các nhà thơ nhận giải thưởng tại Lễ trao Giải thưởng Văn học 2024 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhận xét về "Viễn ca", nhà phê bình Phùng Gia Thế bày tỏ: “Viễn ca là sự tiếp nối mạch thơ đã định hình của Nguyễn Tiến Thanh, đồng thời là bước tiến mới với những dấu ấn đậm nét của tuổi trung niên. Tập thơ chứa đựng chất trữ tình lãng mạn, suy niệm thế nhân, và cả sự trữ tình thế sự công dân, điều mà những người yêu thơ luôn mong đợi”.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cũng đánh giá cao tác phẩm này: “Viễn ca giống như cây trầm hương, bên ngoài có vẻ quen thuộc nhưng bên trong là những tích lũy quý giá qua năm tháng. Thơ của Nguyễn Tiến Thanh vẫn giữ nét truyền thống, nhưng mỗi bài thơ đều mang theo sự lãng mạn, phiêu lưu, và thông điệp tư tưởng sâu sắc, như một dòng chảy không ngừng”.
Một số bài thơ tiêu biểu trong Viễn thể hiện sự hòa quyện giữa cái tôi cá nhân và những cảm xúc chung của xã hội, mang đến cho người đọc những trải nghiệm cảm xúc sâu sắc, chân thật.
Nguyễn Tiến Thanh, một cây bút thơ sinh viên nổi tiếng vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, đã giữ được chất lãng mạn, hào hoa trong thơ ca của mình, nhưng ở tập thơ tuổi trung niên này, ông cũng không thiếu những suy tư, triết lý mà chính bản thân ông đã chiêm nghiệm và thẩm thấu từ những chặng đời đã qua.