Trong số các trận động đất xảy ra sáng nay, 6 trận động đất có độ lớn dưới 3.0, không gây tác động trên bề mặt; 3 trận động đất có độ lớn từ 3.0 trở lên khiến khu vực gần tâm chấn có thể cảm nhận được rung chấn nhẹ.
Như vậy, trong 4 ngày qua, 59 trận động đất đã xảy ra ở khu vực huyện Kon Plông, tần suất nhiều nhất từ khi khu vực này bắt đầu ghi nhận động đất kích thích xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thuỷ điện.
Trong đó, ngày 28/7 xảy ra 21 trận động đất, ngày 29/7 xảy ra 25 trận, ngày 30/7 xảy ra 4 trận. Đáng chú ý, trận động đất xảy ra lúc 11h35' ngày 28/7 với độ lớn 5.0, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 ở khu vực tâm chấn và lân cận, là trận động đất có cường độ lớn nhất quan trắc được từ năm 1903 tới nay tại khu vực, khiến nhiều tỉnh, thành phố lân cận rung chuyển, nhiều nhà cửa tại Kon Plông bị rạn nứt.
Theo TS.Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, từ năm 1903-2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9 độ.
Từ tháng 4/2021 đến nay, tại khu vực huyện Kon Plông liên tục xảy ra động đất kích thích, tình trạng trong một ngày có nhiều trận động đất diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, một ngày trên 20 trận động đất như trong 2 ngày 28 - 29/7 vừa qua là chưa từng xảy ra trước đây.
TS. Nguyễn Xuân Anh cho biết, hoạt động động đất thường xảy ra theo chuỗi. Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ thưa hơn. Trước và sau một trận động đất lớn thường có tiền chấn, dư chấn, tức là có các trận động đất nhỏ. Động đất càng lớn thì tiền chấn, dư chấn càng nhiều. Với những trận động đất rất lớn có thể có hàng trăm trận động đất nhỏ xảy ra trước và sau đó.
Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Anh, động đất kích thích liên quan đến các yếu tố mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa. Tuy nhiên cần có nghiên cứu làm rõ cơ chế tác động, mối quan hệ giữa hoạt động tích nước và động đất kích thích.
"Có thể hôm nay hồ chứa tích nước, mực nước rất cao, nhưng việc ảnh hưởng có thể sau đó vài tháng, thậm chí vài năm sau nước ngấm xuống sâu bên dưới mới gây ra động đất", TS. Xuân Anh cho hay.
Dự báo động đất kích thích tại Kon Plông khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ và sẽ kéo dài trong nhiều năm, có thể là 10 năm sau đó mới ổn định, tương tự như động đất kích thích xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam do hai khu vực này cùng đặc điểm địa chất.
Tại khu vực thủy điện sông Tranh 2, động đất bắt đầu từ năm 2012, kéo dài hơn 10 năm qua với cả nghìn trận động đất, gần đây mới có dấu hiệu chấm dứt.
Cũng theo Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, đến nay, rất khó để dự báo được chính xác thời điểm xảy ra động đất. Các nhà khoa học chỉ có thể dự báo được độ lớn của động đất. Ngay cả Nhật Bản là một nước thường xuyên xảy ra động đất, các nhà khoa học cũng không dự báo được thời điểm chính xác xảy ra động đất.
Động đất ở Kon Tum sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến ở khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm, nhất là vùng tâm chấn.
Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu đã hoàn thiện hệ thống quan trắc động đất với 11 trạm ở tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận. Đề tài nghiên cứu về động đất kích thích trong khu vực cũng đã được phê duyệt và đang triển khai. Đây sẽ là cơ sở để làm rõ hơn các vấn đề liên quan động đất kích thích ở khu vực này trong thời gian tới.
*Trước việc liên tiếp xảy ra nhiều trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, ngày 29/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký ban hành Công điện số 73/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã có công văn yêu cầu các cơ quan liên quan, UBND huyện Kon Plông và các Công ty cổ phần: Thủy điện Thượng Kon Tum, Thủy điện Đăk Đrinh, Thủy điện Thiên Tân theo dõi, ứng phó động đất trên địa bàn huyện Kon Plông.
Trong đó, UBND huyện Kon Plông theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất; tiếp tục thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác ứng phó động đất trên địa bàn huyện Kon Plông; rà soát, xây dựng và ban hành Kế hoạch, Phương án ứng phó động đất...
Các công ty cổ phần thủy điện liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất, kịp thời thông tin đến các cơ quan, chính quyền địa phương và Nhân dân trên địa bàn để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả; tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình động đất (trận động độ lớn 5.0) tương ứng đến mực nước dâng hồ thủy điện do đơn vị quản lý, báo cáo về các Sở liên quan để tham mưu UBND tỉnh; tổ chức kiểm tính ứng với các trường hợp giả định các cấp động đất khác nhau và các mực nước hồ từ ngưỡng tràn đến mực nước dâng bình thường tại công trình thủy điện trên cơ sở đó, rà soát, bổ sung quy trình vận hành, ứng phó động đất để bảo vệ an toàn đập khi có xảy ra tình huống khẩn cấp hoặc sự cố gây mất an toàn đập.
Ngày 30/7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng có văn bản yêu cầu các sở ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động ứng phó với động đất ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh, thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi động đất, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với người dân tại các huyện miền núi và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số...
Hoàng Giang