Ám ảnh những cuộc gọi khủng bố từ các đối tượng đòi nợ thuê

Admin
Nhiều người không liên quan đến khoản vay vẫn bị khủng bố tinh thần, bị bôi nhọ danh dự trên mạng xã hội bởi các đối tượng tự xưng là nhân viên đòi nợ.

Hoảng loạn vì những món nợ “trên trời rơi vào đầu”

Chia sẻ với Người Đưa Tin, gia đình ông H.K. (sống tại Bình Định) cho biết, gần đây gia đình ông liên tục nhận những cuộc gọi nhắc nợ từ số điện thoại lạ: “03261065xx”, “09022482xx”, “03866102xx”,...(toàn bộ là sim rác) tự xưng là nhân viên thu hồi nợ cho ngân hàng T..

Không chỉ ông H.K., một nạn nhân khác là chị T.K. cùng gia đình ở Bình Định cũng nhận được cuộc gọi với nội dung tương tự từ những số này.

Chị K. cho biết, mặc dù giải thích bản thân không không liên quan đến người vay tiền, bên kia đầu dây vẫn quát tháo, lăng mạ, tạo sức ép yêu cầu chị K. phải có nghĩa vụ với khoản nợ. 

Sau đó, chị K. nhận được tin nhắn từ một người lạ (qua Zalo) hăm dọa sẽ tiếp tục lan truyền thông tin đến nơi làm việc.

Ám ảnh những cuộc gọi khủng bố từ các đối tượng đòi nợ thuê- Ảnh 1.

Các tài khoản ảo liên tục làm phiền, bôi nhọ người bị hại trên khắp các trang mạng xã hội.

Tài khoản này cũng gửi nhiều hình ảnh cắt ghép bôi nhọ các thành viên trong gia đình nhằm củng cố cho hành động khủng bố, đe dọa. 

Chưa dừng lại ở đó, trên trang Facebook cá nhân của gia đình chị K. liên tục xuất hiện các bình luận từ một số tài khoản Facebook (cùng ảnh đại diện nhưng khác tên) phát tán những hình ảnh này.

Nhiều đồng nghiệp của chị K. cũng nhận được các cuộc gọi quấy rối với nội dung tương tự.

Liên tiếp nhiều đối tượng tự xưng là đòi nợ thuê, dùng thái độ, cách nói chuyện đe dọa nạn nhân.

Liên hệ số điện thoại do nạn nhân cung cấp (03261065xx), PV được một người tên Huy (sử dụng máy biến đổi giọng nói) xưng là người của công ty mua bán nợ Đ.B. yêu cầu chờ “sẽ có ngân hàng gọi trao đổi”. 

Sau đó, một số điện thoại khác là “09360175xx” gọi đến, giới thiệu tên Linh, nhân viên ngân hàng T.. 

Khi được hỏi từ đâu có thông tin liên lạc này, Linh cho biết “ngân hàng đưa cho bộ phận nghiệp vụ để tìm kiếm thông tin và cập nhật lên hệ thống”, rồi yêu cầu người vay trả tiền vào số tài khoản của ngân hàng.

“Khi thanh toán, chị thanh toán cho ngân hàng vào số tài khoản thẻ của chị, không thanh toán cho bất kỳ ai hết. Giờ chị làm việc với bất kỳ ai thì lúc xử lý nợ, chị vẫn phải xử lý cho bên phía ngân hàng”, Linh nhấn mạnh với PV.

Ám ảnh những cuộc gọi khủng bố từ các đối tượng đòi nợ thuê- Ảnh 2.

Tin nhắn đe dọa liên tục được gửi đến. (Ảnh: NVCC).

Đến ngày 3/10, một đối tượng khác xưng tên Trần Kiên, nhân viên Công ty Hưng Thịnh cũng đưa ra yêu cầu tương tự Huy và Linh.

Điều này làm dấy lên lo ngại về hành vi quấy nhiễu với cách thức liên tục thay đổi danh tính và công ty đại diện nhưng thực chất là cùng một nhóm.

Dư luận tự hỏi, “bộ phận nghiệp vụ” mà nhân viên Linh, người xưng nhân viên của ngân hàng trên đề cập là gì, liệu có phải là các đơn vị thu hồi nợ như Công ty mua bán nợ Đ.B. và Công ty Hưng Thịnh?

Ám ảnh những cuộc gọi khủng bố từ các đối tượng đòi nợ thuê- Ảnh 3.

Những tin nhắn, cuộc gọi "làm phiền" không ngừng nghỉ.

Không chỉ gia đình chị T.K, nhiều người cũng đã từng trải qua cơn khủng hoảng tinh thần với các cuộc gọi “khủng bố” đòi nợ và cả những văn bản, bình luận ác ý trên mạng xã hội. Phần lớn, đều đến từ việc đòi nợ, trả nợ cho các ngân hàng khác nhau. 

Các đối tượng này sử dụng tài khoản mạng xã hội ảo, dùng những lời lẽ, hình ảnh nhằm bôi nhọ, xúc phạm đến cá nhân người bị hại. Nhiều người đặt nghi vấn, nhóm đối tượng này có thực sự là “giang hồ đòi nợ” thuê hay không? Hay chỉ là cách đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác? 

Việc các đối tượng này có được thông tin cá nhân, địa chỉ và cả số điện thoại của các cá nhân, khiến người bị hại “thấp thỏm” lo âu thêm việc rò rỉ thông tin cá nhân do một bên, hoặc đơn vị uy tín nào đó cung cấp.

Đòi nợ thuê bằng hình thức khủng bố đe dọa là vi phạm pháp luật

Theo luật sư Nguyễn Vũ Tuấn Tú, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Viện Nghiên cứu Pháp luật phía Nam (Đoàn luật sư Tp.HCM), từ ngày 01/01/2021, Luật Đầu tư 2020 của Việt Nam đã cấm “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. 

Việc sử dụng công ty đòi nợ thuê có thể vi phạm pháp luật, với mức phạt lên đến 160 triệu đồng và yêu cầu nộp lại lợi ích thu được từ hành vi vi phạm. Nếu tổ chức thực hiện, mức phạt có thể tăng gấp đôi. Phương thức đòi nợ mang tính chất khủng bố, đe dọa tinh thần, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và đời sống của nhiều người không liên quan.

Đòi nợ “quá tay”, nhóm nhân viên công ty tài chính lãnh ánLý do trả hồ sơ vụ đòi nợ thuê bằng chiêu giả giọng người đã chếtĐà Nẵng: Triệt phá đường dây cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu khủng bố

Trong khi đó, pháp luật hiện hành nghiêm cấm hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần người khác để đòi nợ, cũng như kinh doanh dịch vụ đòi nợ trái phép. 

Việc dùng vũ lực hoặc đe dọa sẽ bị xử lý hình sự về tội Cướp tài sản hoặc Cưỡng đoạt tài sản theo Bộ luật Hình sự năm 2015, với hình phạt tù từ 1 - 20 năm tù tùy thuộc vào mức độ vi phạm.

Thông tư số 18/2019/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành (sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN) cũng quy định, không được phép nhắc nợ, đòi nợ hoặc gửi thông tin về việc thu hồi nợ đến các cá nhân, tổ chức không có nghĩa vụ trả nợ.

Theo luật sư Tú, căn cứ vào Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi gọi điện, nhắn tin hoặc khủng bố tinh thần, xúc phạm danh dự, bôi nhọ nhân phẩm của người khác có thể bị truy tố về tội Vu khống, với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù. 

Đồng thời, hành vi đe dọa, khủng bố tinh thần để ép trả nợ có thể cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản với mức phạt cao nhất lên tới 20 năm tù và phạt tiền đến 100.000.000 đồng.

Cũng theo luật sư Tú, trong trường hợp nhóm đối tượng mạo danh, tự xưng là nhân viên ngân hàng, để lừa đảo hoặc quấy rối không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các tổ chức tài chính.

Trao đổi với PV, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an Tp.HCM cho biết, liên quan tình trạng số điện thoại gọi điện mời chào quảng cáo, làm phiền trong thời qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường các hoạt động quản lý nhằm hạn chế tình trạng gọi điện quảng cáo trái quy định pháp luật và làm phiền người dân tuy nhiên, tình trạng sim “rác” vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng dùng nhiều phương thức, thủ đoạn để tiếp tục thực hiện các hành vi vi phạm pháp.

Cụ thể: Các đối tượng thường tiến hành việc đầu cơ SIM số dưới dạng chủ sở hữu là doanh nghiệp để đăng ký số lượng lớn thuê bao với nhà mạng, sau đó bán “lẻ” lại cho các cá nhân có nhu cầu sử dụng; Lợi dụng sự thiếu quản lý đối với cửa hàng, đại lý, điểm hợp tác dịch vụ viễn thông, các đối tượng có thể đăng ký thuê bao di động rác thông qua giấy tờ giả, giấy tờ tùy thân của người khác bị lộ, lọt… Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng dịch vụ quảng cáo, phát tán nội dung trái quy định pháp luật thông qua thiết bị giả trạm thu phát sóng, dịch vụ tổng đài ảo, dịch vụ quảng cáo của Facebook, Google để quảng cáo nội dung trái quy định pháp luật Việt Nam.

Mi Hou