Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Tỷ phú tự thân giàu nhất Hàn Quốc bị bắt

Admin
Thương vụ thâu tóm công ty giải trí SM Entertainment vào năm ngoái là lý do khiến ông Kim Beom-su, nhà sáng lập Kakao bị nhà chức trách bắt giữ.

Án Nước ngoài:

Tỷ phú bị bắt vì thao túng cổ phiếu

Yonhap News đưa tin ông Kim Beom-su, người sáng lập tập đoàn công nghệ Kakao Corp bị bắt vào sáng 23/7 với cáo buộc thao túng cổ phiếu. Các công tố viên cho biết vụ việc liên quan đến thương vụ tiếp quản công ty giải trí hàng đầu Kpop, SM Entertainment vào năm 2023.

Tòa án quận Nam Seoul đã ban hành lệnh bắt giữ Kim Beom-su sau khi tổ chức phiên điều trần cách đó vài tuần. Các công tố viên đã thẩm vấn "ông trùm công nghệ" về cáo buộc liên quan đến hành vi thao túng cổ phiếu SM. Tòa án viện dẫn những rủi ro về việc doanh nhân này có thể bỏ trốn và tiêu hủy bằng chứng.

Vụ án tập trung vào nghi vấn tập đoàn công nghệ và các giám đốc cấp cao đã thao túng giá cổ phiếu SM trong cuộc chiến đấu thầu vào tháng 2/2023. Đối thủ của Kakao trong thương vụ đó là Hybe, công ty mẹ của BigHit, đơn vị quản lý nhóm nhạc toàn cầu BTS.

Theo cáo trạng, cổ phiếu SM đã bị "bơm thổi" để tăng lên mức 120.000 won (86 USD) thông qua hành vi thao túng. Công tố viên nghi ngờ Kakao chi 240 tỷ won để thâu tóm cổ phiếu SM cao hơn giá chào mua từ Hype. Điều này nhằm phá hoại nỗ lực tiếp quản SM của đối thủ.

Hype đã mua 14,8% quyền sở hữu SM từ người sáng lập Lee Soo-man. Đồng thời, tập đoàn mong muốn thâu tóm cổ phần từ nhóm nhà đầu tư nhỏ ở mức 120.000 won/cổ phiếu. Tuy nhiên ngay sau khi đề nghị được đưa ra, giá cổ phiếu SM giao dịch trên thị trường tăng mạnh. Hype buộc phải hủy đề xuất mua lại.

Một tháng sau, Kakao và Kakao Entertainment trở thành cổ đông kiểm soát SM Entertainment nhờ việc mua lại 39,87% quyền sở hữu doanh nghiệp.

Án Nước ngoài-Luật Việt Nam:
Tỷ phú tự thân giàu nhất Hàn Quốc bị bắt
- Ảnh 1.

Ông Kim Beom-su bị bắt vì nghi vấn thao túng cổ phiếu.

Người sáng lập Kakaotalk phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc. "Tôi tin rằng sự thật cuối cùng cũng sẽ sáng tỏ. Tôi chưa bao giờ chỉ thị hoặc dung túng cho bất kỳ hành vi bất hợp pháp nào", Kim nói trong cuộc họp vào thứ 5 tuần trước.

Theo Yonhap News, trong đợt thẩm vấn trước đó, Kim Beom-su được cho đã thừa nhận mình biết về kế hoạch mua cổ phiếu SM, nhưng không nắm thủ tục cụ thể. Các công tố viên trước đó đã truy tố Bae Jae-hyun, Giám đốc Đầu tư của Kakao với tội danh tương tự.

Kim nổi tiếng là một tỷ phú tự thân. Doanh nhân 58 tuổi này đã thành lập Kakao và phát triển của công ty thành doanh nghiệp lớn thứ 15 của Hàn Quốc. Tập đoàn có 128 công ty liên kết với tổng tài sản trị giá 35,1 nghìn tỷ won (25,3 tỷ USD).

Luật Việt Nam:

Vi phạm mức độ nào, xử lý chế tài đó

Trong vụ án trên, cảnh sát nghi vấn tập đoàn công nghệ và các giám đốc cấp cao của Kakao đã thao túng giá cổ phiếu SM trong cuộc chiến đấu thầu vào tháng 2/2023. Theo cáo trạng, cổ phiếu SM đã bị "bơm thổi" để tăng lên mức 120.000 won (86 USD) thông qua hành vi thao túng.

Thao túng thị trường chứng khoán là hành vi của người vi phạm quy định về quản lý thị trường chứng khoán nhằm mục đích thu lợi bất chính.

Theo pháp luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam, tùy theo mức độ vi phạm, nếu bị kết luận là đã có hành vi thao túng thị trường chứng khoán, tỷ phú Kim Beom-su sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Ở mức độ nhẹ, người có hành vi thao túng thị trường chứng khoán sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP. Cụ thể, xử phạt bằng 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn 1.500.000.000 đồng (đối với cá nhân) và 3.000.000 đồng (đối với tổ chức).

Nếu không có khoản thu nhập trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa được quy định trên thì áp dụng mức phạt tối đa là 3.000.000.000 đồng (đối với tổ chức) và 1.500.000.000 đồng (đối với cá nhân).

Nếu thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng; vị tỷ phú trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Về hình phạt, cá nhân phạm tội Thao túng thị trường chứng khoán có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với các trường hợp: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo; Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán; Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó; Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán (khoản 1 Điều 211).

Nếu phạm tội có tổ chức; Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm, người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Pháp nhân phạm tội Thao túng thị trường chứng khoán có thể bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng. Nếu phạm tội có tổ chức; Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm, pháp nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng.

Ngoài hình phạt chính, pháp nhân vi phạm có thể bị xử phạt bổ sung là bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; Pháp nhân thương mại có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đồng thời là mối đe dọa đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán. Do đó, mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Ánh Dương (T/h)