Bảo hiểm ABIC đồng hành cùng nhà nông

Admin
(Chinhphu.vn)- Bảo hiểm Agribank (ABIC) đã và đang đóng vai trò tiên phong trong việc triển khai các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, góp phần bảo vệ người nông dân trước rủi ro thiên tai, dịch bệnh và tổn thất trong sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua để bảo hiểm nông nghiệp thực sự phát huy hiệu quả bền vững.
Bảo hiểm ABIC đồng hành cùng nhà nông- Ảnh 1.

Bảo hiểm nông nghiệp đóng vai trò cốt lõi trong việc bảo vệ người nông dân trước thiên tai và rủi ro sản xuất

3 triệu hộ nông dân tham gia bảo hiểm

Bảo hiểm Agribank (ABIC), thành viên của Agribank, từ năm 2006 đến nay đã triển khai trên 100 sản phẩm bảo hiểm trong khu vực nông nghiệp, nông thôn với doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng/năm. Các gói bảo hiểm bao gồm bảo vệ tính mạng, sức khỏe người nông dân vay vốn, tài sản thế chấp và đối tượng sản xuất nông nghiệp như cây trồng, vật nuôi. Hiện, 95% khách hàng của ABIC là hộ nông dân, với khoảng 3 triệu hộ tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia bảo hiểm nông nghiệp theo Nghị định 58/2018/NĐ-CP vẫn còn rất thấp, chỉ chiếm 0,05% doanh thu phí hàng năm. Khi thiên tai xảy ra, như cơn bão Yagi, hơn 40.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, nhưng chỉ 0,65% trong số đó được bồi thường. Điều này làm tăng nguy cơ nợ xấu và áp lực lên ngân sách Nhà nước.

Những nguyên nhân chính là : Chính sách bảo hiểm chưa hấp dẫn, hỗ trợ phí bảo hiểm hạn chế, chỉ tập trung vào hộ nghèo và cận nghèo, trong khi các mô hình sản xuất quy mô lớn chưa được ưu tiên.

Đối tượng bảo hiểm hạn chế: Chỉ giới hạn trong một số cây trồng (lúa, cà phê, cao su…) và vật nuôi (trâu, bò, tôm cá).

Quy trình xác minh, xét duyệt hồ sơ hỗ trợ phức tạp và tốn thời gian, thiếu liên kết trong chuỗi sản xuất: Nông dân, doanh nghiệp, nhà phân phối chưa phối hợp chặt chẽ.

Nhận thức thấp về bảo hiểm: Nhiều hộ nông dân chưa hiểu rõ lợi ích hoặc còn e ngại chi phí bảo hiểm.

Sản phẩm bảo hiểm chưa linh hoạt: Phí cao, thủ tục bồi thường phức tạp, ít sản phẩm phù hợp với nông dân.

Tìm giải pháp và đề xuất phát triển bền vững

Để bảo hiểm nông nghiệp thực sự đồng hành cùng người nông dân và phát triển bền vững, cần có sự vào cuộc đồng bộ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm và các bên liên quan.

Cơ quan quản lý cần cải tiến chính sách bảo hiểm, tăng mức hỗ trợ phí cho mô hình sản xuất quy mô lớn và liên kết chuỗi giá trị. Mở rộng đối tượng bảo hiểm, không chỉ bảo vệ cây trồng, vật nuôi mà cần bảo vệ cả con người, tài sản, máy móc sản xuất.

Cần đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt giấy tờ, xét duyệt nhanh chóng, minh bạch; xây dựng Quỹ dự phòng rủi ro: Hỗ trợ chi trả trong trường hợp thiên tai vượt mức chi trả của doanh nghiệp bảo hiểm.

Cần tăng cường phối hợp, tạo liên kết giữa ngân hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà nông để hình thành chuỗi sản xuất khép kín.

Từ phía doanh nghiệp bảo hiểm (ABIC) cần đa dạng hóa sản phẩm: Mở rộng các gói bảo hiểm linh hoạt theo từng loại cây trồng, vật nuôi và vùng địa lý; cải tiến sản phẩm, đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí, tăng tính linh hoạt khi bồi thường. DN cần tăng cường ứng dụng công nghệ: Áp dụng dữ liệu lớn (Big Data), AI trong đánh giá rủi ro, tự động hóa giám định thiệt hại; phát triển mạng lưới phân phối; mở rộng kênh phân phối đến tận thôn, bản; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức người dân qua các chương trình tư vấn, hội thảo.

Agribank đẩy mạnh đổi mới sáng tạo về khoa học công nghệAgribank có kết quả toàn diện, ấn tượng, đóng góp tích cực vào hoạt động của ngành ngân hàng

Từ phía nhà nông và các đối tác chuỗi giá trị cũng cần thay đổi nhận thức, chủ động tham gia bảo hiểm để tự bảo vệ mình trước rủi ro. Liên kết sản xuất, cần đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, ngân hàng, hợp tác xã trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường ứng dụng công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến để giảm thiểu rủi ro và tổn thất.

Theo lãnh đạo ABIC: Bảo hiểm nông nghiệp đóng vai trò cốt lõi trong việc bảo vệ người nông dân trước thiên tai và rủi ro sản xuất. Với vai trò tiên phong, ABIC cam kết tiếp tục mở rộng các sản phẩm bảo hiểm, đồng hành cùng nhà nông trên hành trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, để bảo hiểm nông nghiệp thực sự phát triển, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm và người nông dân, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và bền vững.

Anh Minh