Những con số “biết nói”
Theo UNICEF, cứ 4 phút lại có một trẻ em trên thế giới trở thành nạn nhân của bạo lực - một sự thật tàn khốc đòi hỏi can thiệp khẩn cấp. Báo cáo của UNICEF cũng cho thấy phạm vi ảnh hưởng của bạo lực trẻ em là vô cùng rộng lớn, lên đến gần 90 triệu trẻ đang phải sống với di chứng của bạo lực tình dục; 650 triệu trẻ em gái và phụ nữ từng phải chịu đựng hình thức bạo lực này; hơn 370 triệu trẻ em đã từng bị cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục và gần 50 triệu trẻ em gái từng bị bạo hành bởi chồng hoặc bạn tình chỉ trong năm qua.
Không dừng lại ở đó, bạo lực thể xác và tinh thần cũng hoành hành ở mức độ đáng báo động với 1,6 tỷ trẻ em thường xuyên phải chịu hình phạt bạo lực tại nhà. Trung bình mỗi năm, bạo lực cướp đi sinh mạng của 130.000 trẻ em và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi. Trẻ em trai bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, chiếm tới 75% số trẻ bị sát hại do bạo lực. Nguy cơ tử vong do bạo lực còn tăng cao ở giai đoạn cuối tuổi vị thành niên, với 7/10 trẻ tử vong thuộc độ tuổi 15-19. Ngăn chặn bạo lực là nhiệm vụ cấp thiết của thế kỷ 21, bởi sự tồn tại của bạo lực sẽ làm suy yếu sự thịnh vượng và ổn định xã hội, làm xói mòn mọi nỗ lực đầu tư vào giáo dục, sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ.
Bạo lực, dù thể chất, tinh thần hay tình dục đều để lại những vết thương sâu sắc, dẫn đến chấn thương thể xác, nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là những vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng như lo âu, trầm cảm... Việc tiếp xúc với bạo lực từ sớm có thể gây căng thẳng, ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, dẫn tới hành vi hung hãn, nghiện ma túy và phạm tội ở tuổi trưởng thành. Trẻ em trải qua bạo lực cũng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi vòng tròn bạo lực và sang chấn tâm lý khi trưởng thành, ảnh hưởng đến cả cộng đồng nơi các em sinh sống.
Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em cần phải được thực hiện ngay
Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu đầu tiên về chấm dứt bạo lực đối với trẻ em được tổ chức tại Bogota (Colombia) vào ngày 7-8/11/2024, với sự tham gia của 119 quốc gia và hơn 80 bộ trưởng, cùng với các nhà lãnh đạo trẻ, trẻ em, thanh thiếu niên. Hội nghị này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tất cả trẻ em được sống không có bạo lực trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Giám đốc Bảo vệ Trẻ em của UNICEF, bà Sheema SenGupta khẳng định: “Bằng cách đầu tư vào các dịch vụ phòng ngừa, giáo dục và hỗ trợ, chúng ta có thể phá vỡ chu kỳ bạo lực và xây dựng một thế giới, nơi trẻ em được an toàn".
Cũng với mục tiêu này, UNICEF kêu gọi sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ, các chính sách và can thiệp dựa trên bằng chứng, cùng ngân sách đầy đủ. Theo UNICEF, các nỗ lực cần tập trung vào ba lĩnh vực chính: phổ cập tiếp cận các chương trình làm cha mẹ, kiến tạo môi trường học tập an toàn và hỗ trợ cho tất cả trẻ em, đồng thời cung cấp các dịch vụ ứng phó và hỗ trợ cho trẻ em cần được trợ giúp. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhấn mạnh vai trò của pháp luật trong thay đổi các chuẩn mực xã hội liên quan đến bạo lực trẻ em, hỗ trợ các bậc phụ huynh chăm sóc con cái tốt hơn.
Gói kỹ thuật "INSPIRE" của WHO cung cấp một "bản thiết kế" có thể điều chỉnh phù hợp với bối cảnh từng quốc gia, giúp các bên liên quan thúc đẩy hiệu quả của pháp luật, xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em tại nhà, trường học và cộng đồng, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân.
Tuy nhiên, việc thực hiện những giải pháp này đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ từ các chính phủ, sự hợp tác của các tổ chức xã hội, và nhất là sự tham gia tích cực của mỗi cá nhân trong việc ngăn chặn bạo lực trẻ em. Bạo lực trẻ em là một "thảm họa" cần được chấm dứt và hành động của chúng ta ngày hôm nay sẽ định hình tương lai của thế hệ mai sau.