Đến dự lễ ra mắt có sự hiện diện của đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; các đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; cùng các đồng chí đại biểu thuộc lực lượng vũ trang, các cơ quan, ban, ngành Trung ương, Hội Cựu Chiến binh, Hội Cựu Thanh niên xung phong và chính quyền địa phương.
Chương trình còn có sự tham dự của các vị khách mời là nhân chứng lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975.
Triển khai đợt truyền thông đặc biệt Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước đánh giá cao Báo Nhân Dân đã chuẩn bị cẩn trọng, kỹ lưỡng, tổ chức Đợt thông tin tuyên truyền đặc biệt trên các ấn phẩm, các nền tảng như Báo Nhân Dân hằng ngày, Nhân Dân cuối tuần, Nhân Dân hằng tháng, Thời nay; phát hành ấn phẩm đặc biệt dày hơn 100 trang “Từ dấu mốc lịch sử đến khát vọng hùng cường”; xây dựng chuyên trang điện tử “Đại thắng mùa Xuân 1975”...
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, hoạt động này của Báo Nhân Dân rất hiệu quả, tiếp nối hoạt động đặc sắc, ấn tượng của năm trước là xây dựng phụ san panorama và Triển lãm tương tác Chiến dịch Điện Biên Phủ của Báo Nhân Dân đã gây tiếng vang, tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng. Năm nay, Báo Nhân Dân tiếp tục phát hành phụ san đặc biệt Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết hợp báo in truyền thống và công nghệ hiện đại để mang đến cho bạn đọc những trải nghiệm mới.
"Đây là lần đầu tiên một triển lãm quy mô sẽ được tổ chức tại tòa soạn Báo Nhân Dân hướng quay ra Hồ Hoàn Kiếm, nhằm tạo sự thu hút để đông đảo người dân và du khách. Đây cũng là kết quả của sự nỗ lực đổi mới sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao của Báo Nhân Dân trong công tác tuyên truyền các sự kiện trọng đại của đất nước, tiếp nối truyền thống vẻ vang của tờ báo được xem là anh cả của nền báo chí cách mạng Việt Nam", Phó Chủ tịch nước nói.

Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước đánh giá cao Báo Nhân Dân đã chuẩn bị cẩn trọng, kỹ lưỡng, tổ chức Đợt thông tin tuyên truyền đặc biệt trên các ấn phẩm.
Phó Chủ tịch nước cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, với sự chuẩn bị công phu, bài bản, chuyên nghiệp của các nhà báo, Đợt thông tin đặc biệt của Báo Nhân Dân nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước sẽ là hoạt động có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc của mọi thế hệ người Việt Nam, góp phần tạo động lực mạnh mẽ để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển phồn vinh, thịnh vượng.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, năm 2025 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng với đất nước: Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2025); 135 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu (19/5/1890-19/5/2025); 80 năm ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945-19/8/2025); Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025); 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2025).

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu.
Trong các sự kiện quan trọng này, Báo Nhân Dân xác định sự kiện Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là sự kiện có tầm vóc vô cùng quan trọng.
Tổng Biên tập Lê Quốc Minh cho biết, chiến dịch truyền thông của Báo Nhân Dân được chuẩn bị và xây dựng kỹ lưỡng từ cách đây 6 tháng, triển khai trên mọi ấn phẩm, bao gồm các ấn bản Nhân Dân hằng ngày, Nhân Dân Cuối tuần, Nhân Dân Hằng tháng, Thời nay cũng như trên các nền tảng số của Báo Nhân Dân, thể hiện truyền thống hào hùng của tờ báo được xem là anh cả của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Hàng trăm phóng viên, biên tập viên cùng các cán bộ nhân viên đã vào cuộc, với nhiều chuyến “vào nam ra bắc” nhằm chuyển tải những bài học lịch sử, câu chuyện xúc động, những tư liệu quý giá nhằm khắc họa sự hy sinh-cống hiến, nỗi khát khao hòa bình-sum họp. Đó là cách để thế hệ hôm nay tri ân những con người đã không tiếc máu xương, tuổi xuân để đem lại nền hòa bình vĩnh viễn cho dân tộc.
Mỗi ấn phẩm đều tổ chức nhiều tuyến chuyên đề công phu, có sự phối hợp qua lại, tạo ra nhiều tầng lớp nội dung đồ sộ, phong phú và sâu sắc. Các chuyên đề có sự tham gia của nhiều chuyên gia lịch sử-quân sự hàng đầu, các nhân chứng sống, từ các anh hùng lực lượng vũ trang, tướng lĩnh, chiến sĩ trên chiến trường cũng như biệt động thành, đến những con người bình dị đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Cũng không thể không nhắc tới ấn phẩm đặc biệt của Ban Chuyên đề, với sự tham gia của những nhân vật cũng đặc biệt, điểm lại những cột mốc đáng tự hào của đất nước sau 50 năm thống nhất.

Tổng Biên tập Lê Quốc Minh giới thiệu về ấn phẩm đặc biệt.
Nhằm tăng cường trải nghiệm cho độc giả, từ ngày 14/4, Báo Nhân Dân cũng đã “lên sóng” trang thông tin đặc biệt tại địa chỉ https://thongnhatdatnuoc.nhandan.vn . Chuyên trang gồm nhiều chuyên mục như "Những trận đánh quyết định", "Ký ức xuân thống nhất", "Việt Nam hôm nay", "Báo Nhân Dân truyền tin chiến thắng"… thực sự đã làm sống lại một giai đoạn lịch sử hào hùng, với cách kể chuyện đặc biệt bằng hình ảnh, âm thanh sống động.
Đặc biệt, chuyên trang có tích hợp phần sa bàn 3D tương tác, đưa bạn đọc đến với không gian của chiến trường xưa, với khí thế xung trận của 50 năm về trước. Phần ứng dụng “StoryMap” đặc biệt này có tính kết nối giữa quá khứ với hiện tại bằng công nghệ thực tế ảo tăng cường (VR), mở “cánh cổng” đưa người xem đến đúng những địa danh từng ghi dấu những chiến công của thế hệ cha anh năm xưa.
Công nghệ nói trên cũng nối tiếp những “điểm chạm” được khởi nguồn từ dự án "Yêu lắm Việt Nam" , triển khai tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Dự án cũng được triển khai từ năm 2024, chính thức ra mắt hôm 17/3, tạo hiệu ứng truyền thông đặc biệt, vừa có ý nghĩa góp phần quảng bá các địa danh lịch sử, văn hóa, điểm đến trên mọi miền đất nước, vừa có ý nghĩa hướng giới trẻ ngày nay tới giá trị của “non sông liền một dải”.

Đặc biệt, hôm nay Báo Nhân Dân cũng ra mắt triển lãm bao gồm 11 tấm hình phóng to trang nhất của Báo Nhân Dân xuất bản vào các ngày 30/4 của các năm 1975, 1980, 1985, 1990, 1995, 2000, 2005, 2010, 2015, 2020.
Triển lãm cũng tái hiện các trận đánh lịch sử, bắt đầu từ Chiến dịch Tây Nguyên với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, mà nói như vị Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì “Ngày toàn thắng 30 tháng 4 năm 1975 đi vào lịch sử như một sự kết thúc chiến lược vô song. Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập, thống nhất”. Người xem cũng có thể tương tác bằng cách quét mã QR để xem thông tin các trận đánh qua website với phần đồ họa tương tác mới lạ.
“Với vai trò là cơ quan báo chí hàng đầu của Đảng, Nhà nước, của hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi luôn tâm niệm phải có những cống hiến xứng đáng với sự kiện quan trọng của đất nước. Điều quan trọng hơn nữa, phải có những sáng tạo, tạo sự thu hút với người dùng”, Tổng Biên tập Lê Quốc Minh chia sẻ.
Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự bày tỏ sự tự hào khi Báo Nhân Dân chọn Viện làm đối tác tuyên truyền trong các dịp kỷ niệm lớn của lịch sử dân tộc.
Ông chia sẻ, nếu những đợt hợp tác đầu tiên, hai bên mới hình thành cách đưa kiến thức lịch sử đến bạn đọc nhanh, hiệu quả nhất thì càng ngày chúng ta càng làm hiệu quả cao hơn.

Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài phát biểu.
“Trong đợt hợp tác này, chúng ta hoàn toàn đột phá trong việc đưa kiến thức lịch sử bằng công nghệ đến bạn đọc, công chúng. Với người làm lịch sử, chúng ta cần phát huy vấn đề này vì lịch sử cần phải đến với công chúng nhiều hơn”, Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài nói.
Trong quá trình đồng hành, Viện Lịch sử Quân sự đã đưa ra nghiên cứu mới và hai bên đã có sự trao đổi để cùng triển khai truyền tải đến bạn đọc. Đại tá Lê Thanh Bài đánh giá, cách thức này sẽ làm sống lại lịch sử, nêu cao tinh thần yêu nước; phát huy tinh thần ý chí tự chủ, tự cường; phát huy giá trị dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình và cũng là mục tiêu tuyên truyền của Báo Nhân Dân đợt này.
Nhiều cảm xúc đặc biệt về ngày 30/4/1975 lịch sử
Một trong những nhân chứng lịch sử có mặt tại buổi lễ ra mắt, Đại tá Nguyễn Văn Lục, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chỉ huy Phi đội Quyết thắng tập kích đường không - Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975 kể lại những trận đánh lịch sử trên không của ông và đồng đội vào thời điểm đó.
Đại tá Nguyễn Văn Lục cho biết: "Trận không kích ngày 28/4/1975 là thời cơ chúng tôi đền đáp công ơn của Đảng, của nhân dân đã cho chúng tôi cơ hội được học tập, rèn luyện có kỹ năng chiến đấu. Trận đánh vào Sân bay Tân Sơn Nhất với 18 quả bom làm rung chuyển Sài Gòn là một phần, nhưng quan trọng nhất là rung chuyển ý chí tử thủ bảo vệ Sài Gòn của kẻ địch, làm địch nhanh chóng tan rã, chúng ta tấn công cũng nhanh hơn".

Đại tá Nguyễn Văn Lục, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Chia sẻ về ngày đặc biệt 30/4/1975, hạ sĩ Lữ Văn Hỏa, lái xe tăng T54B mang số hiệu 843, đã húc vào cổng phụ Dinh Độc lập tâm sự: Thời khắc xe tăng 843 húc tung cánh cổng phụ phía bên tay trái, tiếp sau đó, xe tăng 390 húc tung cánh cổng chính và khoảnh khắc đồng chí Bùi Quang Thận cắm cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc Dinh Độc lập mang lại cho các chiến sĩ những cảm xúc vô cùng mãnh liệt.
“Đó là thời khắc vô cùng sung sướng, tự hào vì khi cờ giải phóng được kéo lên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu chế độ Ngụy quyền Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ, miền Nam hoàn toàn giải phóng, nam-bắc sum họp một nhà. Chúng tôi nhảy ra khỏi xe, ôm nhau, cười ra nước mắt. Tôi suy nghĩ, đây là điều may mắn với chúng tôi có cơ hội chứng kiến khoảnh khắc lịch sử dân tộc. Chúng tôi nghĩ đất nước thống nhất là sẽ sớm được trở về thăm quê hương gia đình. Nhưng sâu thẳm trong đáy lòng các anh em đều nhớ tới các Anh hùng liệt sĩ, các đồng đội đã kề vai sát cánh chiến đấu trong chiến trường, đã vĩnh viễn cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do, dân tộc không được hưởng hạnh phúc niềm vui giải phóng. Trong niềm sung sướng đó có những cái đau thương, nhớ nhung, luyến tiếc”, ông nói.

Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam trong đội hình quân đoàn 2 có mặt tại Dinh Độc lập vào trưa ngày 30/4/1975 chia sẻ, dịp đặc biệt này, nhiều cơ quan báo chí đã tổ chức tuyên truyền, nhưng cách làm của Báo Nhân Dân rất đặc biệt, có màu sắc riêng. Trước đó, nhiều hoạt động do Báo Nhân Dân tổ chức lan tỏa về các sự kiện lịch sử cũng rất hiệu quả.
“Với tư cách là một nhà báo chiến trường, tôi có mặt tại nhiều mặt trận khốc liệt như ở Quảng Trị, rồi sau đó sang chiến trường Campuchia. Ngày ấy, mặc dù còn rất trẻ, nhưng những kỷ niệm trong quá trình tác nghiệp đã để tại nhiều ấn tượng sâu đậm trong tôi, rồi dần trở thành hành trang tinh thần cho quá trình làm nghề báo”, nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ.

Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.
Nhà báo Trần Mai Hưởng cũng là tác giả của bức ảnh lịch sử “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập - trưa ngày 30/4/1975”. Theo ông, những người lính xe tăng trong bức ảnh tôi chụp, sau này, khi đất nước hòa bình, họ trở về với cuộc sống bình dị, người thì quê trồng rau, nuôi cá, người thì làm vườn, trồng na… Nhưng trong cuộc chiến vĩ đại của dân tộc, họ là những người lính vô cùng dũng cảm, vô cùng lạc quan. Họ quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ được giao vì Tổ quốc, vì độc lập dân tộc. Họ là những người vô cùng cao quý.
Nhà báo Trần Mai Hưởng gọi những người lính trong chiến trường là “những người chép sử bằng máu mình trong lửa đạn”. Những gì họ để lại là những điều vô giá cho các thế hệ sau.
Khai mạc triển lãm tương tác đặc biệt, quy mô
Chiến dịch truyền thông chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Báo Nhân Dân được nối tiếp bằng sự kiện triển lãm tại khuôn viên Báo.
Đây là lần đầu tiên một triển lãm quy mô được tổ chức tại địa điểm “check-in” quay ra mặt Hồ Hoàn Kiếm, tạo điều kiện để người dân và du khách dễ dàng tiếp cận những sản phẩm đặc biệt của Báo Nhân Dân.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.
Triển lãm bao gồm 11 tấm hình phóng to trang nhất của Báo Nhân Dân xuất bản vào các ngày 30/4 của các năm 1975, 1980, 1985, 1990, 1995, 2000, 2005, 2010, 2015, 2020. Trong đó, người xem hẳn sẽ bồi hồi với dòng tít màu đỏ báo tin chiến thắng bên cạnh bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, được đăng trên trang nhất của số báo ngày 1/5/1975.
Triển lãm cũng tái hiện các trận đánh lịch sử, bắt đầu từ Chiến dịch Tây Nguyên với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, mà nói như vị Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì “Ngày toàn thắng 30 tháng 4 năm 1975 đi vào lịch sử như một sự kết thúc chiến lược vô song. Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập, thống nhất”. Người xem cũng có thể tương tác bằng cách quét mã QR để xem thông tin các trận đánh qua website với phần đồ họa tương tác mới lạ.
Không những thế, trong không gian triển lãm, lần đầu tiên, Báo Nhân Dân phối hợp với đối tác công nghệ ứng dụng công nghệ 3D mapping để chiếu hình chiến dịch theo chiều thẳng đứng trên tờ báo Nhân Dân.
Triển lãm tương tác kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra từ 9h đến 17h hàng ngày, bắt đầu từ ngày 23/4/2025 đến hết ngày 4/5/2025 tại khuôn viên Báo Nhân Dân.
Mô hình di động này dự kiến cũng sẽ được đưa tới các trường học để học sinh được trải nghiệm các bài học lịch sử. Điều đặc biệt là độc giả cũng có thể trình chiếu 3D Mapping ngay tại nhà theo hướng dẫn, để mỗi người có thể sống lại những thời khắc lịch sử của 50 năm về trước bằng công nghệ trình chiếu hiện đại.
Tổng Biên tập Lê Quốc Minh bày tỏ: "Những câu chuyện lịch sử tưởng như đã thuộc lòng cũng đòi hỏi có sự trải nghiệm khác; với thế hệ trẻ cũng đòi hỏi phải có cách thức tiếp cận khác. Vì thế, sau chiến dịch truyền thông, Báo Nhân Dân tiếp tục đưa triển lãm di động không gian 3 chiều đến nhiều trường học, lan tỏa tình yêu quê hương đất nước cũng như những bài học lịch sử cho thế hệ trẻ".

Triển lãm thu hút sự quan tâm của các vị lãnh đạo, các nhân chứng lịch sử và hàng trăm các em nhỏ.
Chiến dịch truyền thông đặc biệt của Báo Nhân Dân nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là hoạt động có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc của mọi thế hệ. Chiến dịch cũng nhằm khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm gìn giữ hòa bình, xây dựng đất nước cho thế hệ trẻ, những người chủ tương lai của đất nước.
Theo báo Nhân Dân