Một người đàn ông 53 tuổi ở Quảng Ninh bị rắn cắn vào vùng cổ chân. Thay vì đến bệnh viện, ông chọn cách tự điều trị tại nhà bằng cách đắp thuốc nam. Vài ngày sau, vết thương bắt đầu sưng tấy, nóng rát, có dấu hiệu nhiễm trùng nặng. Khi đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), ông được chỉ định cắt lọc tổ chức hoại tử và dùng kháng sinh tích cực để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.
Tại đây, các bác sĩ ghi nhận vùng tổn thương có dấu hiệu hoại tử, nhiễm trùng lan rộng. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt lọc mô hoại tử và điều trị kháng sinh tích cực để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Việc xử trí muộn khiến quá trình điều trị trở nên phức tạp, thời gian phục hồi kéo dài và làm tăng nguy cơ để lại di chứng về sau, theo VTV.

Các bác sĩ cảnh báo, nhiều người dân có thói quen tự xử lý vết thương do rắn cắn hoặc côn trùng đốt bằng các bài thuốc dân gian, thuốc lá, thuốc nam chưa được kiểm chứng. Điều này rất nguy hiểm, nhất là khi áp dụng với vết thương hở, bởi có thể gây nhiễm trùng nặng, hoại tử mô, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng tính mạng nếu không được điều trị đúng cách.
Thực tế cho thấy, không ít trường hợp chỉ đến bệnh viện khi vết thương chuyển nặng, chảy dịch, sưng tấy, lúc này việc điều trị đã gặp nhiều khó khăn hơn, kéo theo chi phí tốn kém và nguy cơ tổn thương lâu dài. Việc chậm trễ trong xử trí cũng đồng nghĩa với việc người bệnh phải đối mặt với đau đớn nhiều hơn và nguy cơ biến chứng cao hơn.
Ngành Y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan trước các vết thương do rắn hoặc côn trùng cắn, dù ban đầu có thể nhỏ hoặc chưa biểu hiện rõ ràng. Thay vì tự ý đắp thuốc hoặc nghe theo các phương pháp truyền miệng, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, xử trí kịp thời và điều trị theo hướng dẫn chuyên môn.
Trường hợp trên không hiếm. Nhiều người vẫn nghĩ vết thương do côn trùng hoặc rắn cắn chỉ là vấn đề nhỏ, có thể xử lý bằng các mẹo dân gian tại nhà. Tuy nhiên, khi điều trị sai cách, đặc biệt với vết thương hở, nguy cơ nhiễm trùng sẽ tăng cao, có thể dẫn đến hoại tử hoặc nhiễm trùng huyết.
Chỉ đến khi vết thương có biểu hiện nặng hơn như sưng đỏ, chảy dịch... lúc này người bện mới đến bệnh viện để điều trị. Việc kéo dài thời gian như vậy sẽ khiến việc điều trị phức tạp hơn, người bệnh phải chịu nhiều đau đớn và kéo theo rất nhiều hệ lụy.
Theo Znews, điển hình là trường hợp người đàn ông 50 tuổi ở Lào Cai. Trước đó, nam bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn. Thay vì đến cơ sở y tế, ông tới nhà thầy lang đắp thuốc rồi trở về nhà. Khoảng 2 giờ sau, người bệnh có biểu hiện nói khó và được đưa đi cấp cứu. Trên đường đến bệnh viện, bệnh nhân đột ngột tím tái, gồng cứng, hôn mê, ngừng tim.
Tại bệnh viện tuyến huyện, bác sĩ kịp thời cấp cứu giúp tim đập lại, đặt ống thở và chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Khi đến Bệnh viện Bạch Mai, ông được chẩn đoán hôn mê sau ngừng tuần hoàn do rắn hổ mang chúa cắn, tổn thương tim, tụt huyết áp, não thiếu oxy và đang được hồi sức tích cực. Tiên lượng rất nặng.
- Khi nghi bị rắn độc cắn, người dân cần:
- Bình tĩnh, hạn chế vận động.
- Nếu rắn thuộc nhóm có độc tố thần kinh (hổ mang, cạp nong, rắn biển…), cần băng ép vùng bị cắn bằng khăn mềm, dây vải bản rộng, buộc nẹp cố định chi.
- Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, giữ vị trí vết cắn thấp hơn tim khi vận chuyển.
- Tuyệt đối không rạch vết thương, không đắp lá, không dùng mẹo dân gian.
- Nếu bệnh nhân khó thở, cần hỗ trợ hô hấp tại chỗ trong khả năng có thể.Suýt mất chân vì đắp thuốc nam trị rắn cắn.
Trúc Chi (t/h)