Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai: Đầu tư nguồn lực xây dựng hệ thống thủy lợi, giải bài toán nước tưới cho sản xuất

Admin
Giải bài toán nước tưới cho sản xuất nông nghiệp bền vững là một trong những vấn đề cấp bách được đưa ra tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất diễn ra vào ngày 7/7.

Thực trạng đáng lo ngại

Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (mới) diễn ra ngày 7/7, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đã đặt ra một câu hỏi: Làm thế nào để giải quyết bài toán nước tưới - khó khăn lớn nhất của vùng đất Gia Lai cũ?

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai: Đầu tư nguồn lực xây dựng hệ thống thủy lợi, giải bài toán nước tưới cho sản xuất- Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nêu thực trạng đáng lo ngại về hệ thống thủy lợi của tỉnh Gia Lai hiện không đáp ứng được nhu cầu tưới cho sản xuất.

Sau sáp nhập, tỉnh Gia Lai đang phải đối mặt với một nghịch lý đáng lo ngại trong lĩnh vực thủy lợi. Dù có nguồn nước dồi dào nhưng hiệu quả khai thác cực kỳ thấp. Vùng Bình Định (cũ) có hệ thống thủy lợi và tưới tiêu khá đồng bộ (164 hồ chứa nước với dung tích từ 50.000m3 trở lên), dung tích là 650 triệu m3 nước và hệ thống kênh mương được đầu tư nâng cấp thường xuyên có thể chủ động tưới 95% diện tích đất canh tác.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai: Đầu tư nguồn lực xây dựng hệ thống thủy lợi, giải bài toán nước tưới cho sản xuất- Ảnh 2.

Hiện vùng Bình Định (cũ) đảm bảo tưới tới 95% diện tích đất canh tác, trong khi đó Gia Lai (cũ) dù dung tích trữ nước tương đương song chỉ mới tưới được 14% diện tích đất canh tác. Trong ảnh: Hệ thống đập dâng và kênh tưới Văn phong ở vùng Bình Định cũ.

Trong khi đó, vùng Gia Lai (cũ) là vùng đất có lợi thế lớn về sản xuất nông, lâm nghiệp hơn 98.700 ha cà phê, 10.040 ha hồ tiêu, 30.000 ha cây ăn quả. Toàn vùng có trên 600 triệu m3 nước nhưng chỉ tưới được 68.000ha, tương đương với 14% diện tích đất canh tác.

Sự chênh lệch giữa diện tích sản xuất và nhu cầu nước tưới cho vùng Gia Lai cũ đang đặt ra một thách thức rất lớn. "Khó khăn nhất của Gia Lai (cũ) không phải là sản xuất phân tán mà là thiếu nước", ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai nói.

Tại hội nghị, Bí thư Hồ Quốc Dũng nêu rõ, không chỉ thiếu đồng bộ về hạ tầng thủy lợi mà một thực trạng đáng lo ngại hơn nữa đó là tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về chuyên gia thủy lợi. "Hiện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh có tới 9 phó giám đốc, song không có ai chuyên ngành thủy lợi. Chuyên gia giỏi nhất về thủy lợi thì đã nghỉ hưu, tới đây rất khó để sở tham mưu tốt giải quyết vấn đề này. Tôi yêu cầu lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh phải tính toán lại vấn đề này", ông Dũng nói.

Kế hoạch đầu tư hệ thống thủy lợi 17.000 tỷ đồng

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho hay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh rất là quan trọng. Theo đó, đầu tư hệ thống tưới tiêu phục vụ nông nghiệp đã được xác định là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2025, thể hiện sự ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo tỉnh trong việc giải quyết bài toán thủy lợi.

Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai phải đề xuất ngay việc xây dựng hệ thống tưới cho hồ chứa ở vùng Gia Lai (cũ) để đảm bảo nhu cầu tưới trước mắt. Để giải quyết căn cơ bài toán nước tưới, tỉnh Gia Lai đặt vấn đề cần đầu tư hệ thống tưới tiêu cơ bản cho vùng Gia Lai cũ với tổng kinh phí ước tính 17.000 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai: Đầu tư nguồn lực xây dựng hệ thống thủy lợi, giải bài toán nước tưới cho sản xuất- Ảnh 3.

Tiềm năng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai rất lớn, song vấn đề đặt ra là bài toán nước tưới.

"Đây là số tiền khá lớn, nên cần phải chia ra từng bước, từng thời gian cụ thể. Tranh thủ tận dụng nguồn vốn trung ương, vốn tỉnh hoặc hình thành dự án mới để vay ODA. Bởi việc giải quyết nguồn nước là vấn đề hết sức quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp bền vững ở khu vực Gia Lai (cũ). Nếu trong 5 năm tới mà không giải quyết được chuyện này thì chính chúng ta có lỗi với dân", ông Dũng nói.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, đất đỏ bazan màu mỡ, nhiều địa phương mơ ước nhưng ở đây lại thiếu nước. Người đứng đầu tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, việc giải quyết nguồn nước là vấn đề hết sức quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững. Tỉnh Gia Lai hội tụ đầy đủ tiềm năng để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các vùng nguyên liệu lớn…

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai: Đầu tư nguồn lực xây dựng hệ thống thủy lợi, giải bài toán nước tưới cho sản xuất- Ảnh 4.

Hệ thống thủy lợi của Gia Lai cũ đang là một thách thức đối với sản xuất nông nghiệp ở khu vực này.

"Tỉnh có đầy đủ tiềm năng thế mạnh, đứng thứ 2 của cả nước về diện tích nên chỉ tiêu này không có lý gì không thể làm được. Tỉnh sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, tạo áp lực để phát triển", Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng khẳng định.

9 công trình thủy lợi cạn kiệt, người dân khoét đá tìm nước 'cứu' cây trồng9 công trình thủy lợi cạn kiệt, người dân khoét đá tìm nước "cứu" cây trồng

Trước tình trạng nhiều công trình thủy lợi cạn trơ đáy, người dân trên địa bàn huyện Đắk Mil phải vét từng vũng nước mạch, mua nước, thậm chí khoét đá tìm nước để "cứu" cây trồng.