Biển Ba Động - Trà Vinh-dulichgiaitri.vn
Ảnh. Nguyễn Phú Nhuận)

Vùng biển Đông ven bờ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là vùng biển phù sa do nhiều cửa sông lớn nhỏ đổ ra nên phần lớn là bãi bùn, nước không trong. Trong đó, biển Ba Động là khu vực hiếm hoi ở miền Tây Nam bộ được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho một bãi cát dài hơn 10 km từ ấp Nhà Mát tới ấp Cồn Trứng. Do độ dốc thoai thoải, khi nước thủy triều xuống, bãi cát phơi ra hàng trăm mét, từ bờ xuống tới mép nước.

Cũng do nằm trong khu vực biển phù sa nên bãi cát Ba Động không trắng muốt hay vàng óng ả, nước biển Ba Động cũng không thể trong xanh như với các bãi biển Nha Trang hay Vũng Tàu. Tuy nhiên, dọc bờ biển Đông, từ Gò Công tới Cà Mau, Ba Động có bãi cát đẹp, nước biển khá trong, nhất là vào những tháng sau Tết Nguyên đán, sóng yên biển lặng, hình thành khu du lịch biển được nhiều người ưa chuộng.

Sớm nhận ra giá trị của bãi biển Ba Động, từ đầu thế kỷ XX, nhà cầm quyền thực dân Pháp đã xây dựng ở đây khu nghỉ mát và gần đó là một sân golf mini (lúc đó sân golf gọi là sân cù, đánh golf gọi là đánh cù) dành cho các quan chức, giới thượng lưu trong tỉnh và các tỉnh lận cận về nghỉ dưỡng dịp cuối tuần. Qua giai đoạn chiến tranh ác liệt, khu nghỉ mát và sân golf ấy không còn nhưng đã để lại địa danh ấp Nhà Mát (thuộc xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải) và ấp Cồn Cù (thuộc xã Đông Hải, huyện Duyên Hải). Sau khi tỉnh Trà Vinh được tái lập (1992), Nhà nước tập trung nguồn kinh phí đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng như giao thông, điện lưới quốc gia, viễn thông, rừng phòng hộ phi lao, bờ kè chống sạt lở… tạo điều kiện đánh thức tiềm năng du lịch biển Ba Động.

Biển Ba Động - Trà Vinh-dulichgiaitri.vn

Ngày nay, một số doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch tiện ích như khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, bờ kè chống sạt lở, quy hoạch và cắm phao an toàn bãi tắm, quầy vật phẩm lưu niệm… Từ đó, khách du lịch và các đoàn tham quan từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, khách nước ngoài đến khu du lịch Biển Ba Động ngày càng đông hơn.

Đến với khu du lịch Biển Ba Động, du khách nên nghỉ lại qua đêm để có điều kiện ngắm ánh bình minh hoặc ánh hoàng hôn trên biển. Sau đó, hòa vào đoàn người đang thỏa thích vẫy vùng trong làn nước biển mát lạnh hay cưỡi mô tô nước lướt trên ngọn sóng một cách an toàn, không lo bị sóng biển cuốn đi như nhiều bãi biển khác. Khi thấm mệt, bạn cùng gia đình có thể lựa chọn góc thuận tiện trong nhà hàng hoặc dãy ghế bố dọc theo bờ kè nhìn ra mặt biển khơi xa tít tắp, nơi có những đoàn thuyền đánh cá như những chấm đen nho nhỏ di động phía chân trời và tận hưởng những làn gió biển thổi vào mát rượi. Có thời gian, du khách thả bộ dọc theo những lối mòn quanh co, khúc khuỷu theo chân các động cát, xuyên qua và hòa vào những hàng phi lao uốn lượn theo chiều gió mà quên đi những mệt mỏi, lo toan của cuộc sống bộn bề thường nhật.

Đến với Biển Ba Động, dù là mùa nam hay mùa chướng, dù tại nhà hàng hay đi dạo quanh các xóm hạ bạc, du khách có thể tự tay lựa chọn nhiều mặt hàng thủy hải sản tươi sống từ những chiếc ghe đánh cá vừa quay mũi vào bờ cho bữa ăn của mình. Cao cấp hơn một chút, du khách có thể đặt sẵn hay nhờ nhân viên nhà hàng hướng dẫn để tự tay chế biến những món đặc sản nổi tiếng của làng ven biển địa phương, mà mỗi món ăn đều gắn một giai thoại, truyền thuyết hấp dẫn. Đó là món cá kèo kho gợt chấm nước mắm rươi, loại nước chấm mà những năm bôn tẩu được người dân địa phương cung tiến, chúa Nguyễn Ánh nếm thử một lần không thể quên được suốt đời nên ban cho mỹ danh là “nước mắm ngự”; Đó là món đuôn chà là béo ngậy hay tôm thẻ, cua biển hấp bia chấm muối tiêu chanh; Đó là còn món chù ụ rang me tuy có phần dân dã nhưng ngon không lẫn vào đâu được, vừa ăn vừa thương cho chàng trai biển hiền lành, tốt bụng mà thật thà nên thua thiệt đành hóa kiếp thành con chù ụ quanh năm bám chặt gốc dừa nước…

Dừng chân tại khu du lịch Biển Ba Động, du khách sẽ có dịp tìm hiểu bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa của vùng đất ven biển Trường Long Hòa, Duyên Hải, Trà Vinh. Gần 3 thế kỷ trước, những ngư dân vùng Bình Thuận vào định cư tại đây đã mở ra nghề đi biển tạo cơm ăn áo mặc và cũng chính họ đã mang theo địa danh Ba Động, tín ngưỡng thờ Bà Cố Hỷ cho vùng đất mới. Những năm tháng quân tướng chúa Nguyễn Ánh trốn chạy sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII đã để lại các tên làng có từ tố “Long” như Trường Long Hòa, Long Vĩnh, Long Hữu, Long Toàn… và để lại luôn ngôi mộ Quận chúa như một bí ẩn lịch sử mấy trăm năm. Cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp nổ súng xâm chiếm Nam bộ, tuyến rừng ven biển Duyên Hải là căn cứ của nghĩa binh Đề Triệu, Phan Tôn – Phan Liêm, Lê Tấn Kế – Trần Bình…

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trường kỳ của dân tộc, Trường Long Hòa nói riêng, Duyên Hải nói chung là căn cứ vững chắc của các cơ quan lãnh đạo, lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Trà Vinh, Khu Tây Nam bộ và cả Đặc khu Sài Gòn – Gia Định. Chính địa bàn này là một trong những mắc xích quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại vận chuyển vũ khí từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào chi viện cho chiến trường Tây Nam bộ, với những kình ngư lẫy lừng tên tuổi là những người con ưu tú của vùng đất này như Lê Thanh Lòng, Hồ Đức Thắng… Truyền thống vẻ vang đó đã tạo nên một “Trường Long Hòa sắt thép”, một “Duyên Hải anh hùng” mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ cư dân địa phương.

Cũng chính từ vùng biển này, du khách có thể đến tham quan, tìm hiểu, thưởng thức các sản phẩm đặc trưng của các làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời như Làng Đáy biển Động Cao, Làng Muối Cồn Cù, Làng Dưa hấu Ba Động…

Ngày nay, với những tiềm năng và thế mạnh đặc thù không đâu có được, vùng ven biển Trường Long Hòa, Duyên Hải trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Trà Vinh, với nhiều công trình trọng điểm quốc gia ra đời, đi vào hoạt động như Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, Luồng tàu biển trọng tải lớn ra vào sông Hậu…

Khu du lịch Biển Ba Động là trọng tâm của một chuỗi các địa chỉ du lịch tiềm năng ven biển Trà Vinh như Trúc Lâm Thiền viện, khu Di tích Bến Tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu, Đình miếu Cồn Trứng, Hải đăng Vàm Láng Nước, Lầu Bà Thượng động Cố hỷ nương nương, mộ cổ Ba Động… rất thuận tiện cho việc tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu hoặc đáp ứng nhu cầu tâm linh của du khách. Nếu dừng chân lâu hơn, du khách cũng có thể lên thuyền làm chuyến du ngoạn dọc theo chiều dài Luồng Tàu biển trọng tải lớn ra vào sông Hậu, ngắm nhìn những chiếc tàu viễn dương mang nhiều quốc tịch trên thế giới đến với các cảng khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngắm nhìn Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải và những chiếc tàu vận tải than nguyên liệu neo đậu chờ bốc dở. Có thời gian hơn nữa, du khách làm chuyến du lịch mạo hiểm vượt sóng biển ra tận những thon đáy hàng khơi, nơi có những chàng ngư dân dũng cảm, ngày đêm đối đầu cùng gió to sóng cả trên những chiếc chòi canh bé xíu, góp phần làm giàu đẹp quê hương./

Nguồn: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Trà Vinh

Theo vietnamtourism.gov.vn