Tin liên quan
Bộ Tài chính quy định mức thu lệ phí cấp chứng nhận đăng ký, biển số xe
Hội nghị Chính phủ đầu tiên sau cuộc cách mạng có tính lịch sử “sắp xếp lại giang sơn“
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đây là nội dung liên quan đến tháng cao điểm mà chúng ta triển khai để đấu tranh, xử lý sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng thời gian qua. Trong tháng thực hiện cao điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Công an các đơn vị, địa phương đã khởi tố 124 vụ/297 bị can; xử lý hành chính 944 vụ/968 đối tượng, xử phạt gần 15 tỷ đồng, thu giữ hàng hóa vi phạm giá trị gần 64 tỷ đồng về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi khác.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, qua thực tế các vụ việc bị phát hiện ngày càng nhiều; phương thức thủ đoạn thường xuyên thay đổi và ngày càng tinh vi hơn. Từ khâu chuẩn bị, thành lập những công ty bình phong, đến hoạt động nhập nguồn nguyên liệu, rồi tổ chức sản xuất hàng giả, quảng cáo, tiêu thụ sản phẩm rất tinh vi.
Về vụ án liên quan sản xuất, buôn bán sữa giả Hiup, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản cho biết, sau khi tiến hành điều tra, xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ làm rõ dấu hiệu phạm tội của các đối tượng có liên quan tại Công ty Cổ phần Z Holding (trụ sở tại Hà Nội) và các cơ quan, tổ chức có liên quan, ngày 17/6/2025, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, các quyết định khởi tố bị can.
Ngày 19/6, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với 10 đối tượng về 2 nhóm tội chính. Đó là vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và sản xuất, buôn bán hàng giả là thực. Thông tin cụ thể về các đối tượng này đã được các cơ quan báo chí đưa tin những ngày qua.
Người phát ngôn Bộ Công an cho biết về đường dây buôn lậu, sản xuất dầu thực vật giả quy mô lớn liên quan nhãn hiệu thực phẩm Ofood của Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu Nhật Minh Food. Đây là vụ án buôn lậu, sản xuất dầu mỡ bẩn quy mô lớn, trong đó đối tượng đã biến dầu mỡ bẩn thành dầu ăn cho người và đến nay chưa lường được hết những hệ lụy của nó đối với sức khỏe của người tiêu dùng.
Qua công tác nắm tình hình, Công an tỉnh Hưng Yên phát hiện Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu Nhật Minh Food (trụ sở tại Khu Công nghiệp Phố Nối A, tỉnh Hưng Yên) - do Đặng Thị Phương (sinh năm 1987, ở tỉnh Hưng Yên) làm Giám đốc có dấu hiệu sản xuất dầu thực vật giả.
Đến nay Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng. Cụ thể là Đặng Thị Phương về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Đối tượng thứ 2 là Nguyễn Trọng Năng, sinh năm 1974, ở Hà Nội (điều hành, đại diện theo pháp luật Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Minh Phú và Công ty TNHH sản xuất và thương mại An Dương). Đối tượng thứ 3 là Đỗ Thị Ngọc Mai (người đại diện pháp luật Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu An Hưng Phước và Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Phước Thành) đã bán cho Đặng Thị Phương khoảng 1.000 tấn dầu thực vật dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng không xuất hoá đơn.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và một số người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm này như thế nào. Hiện nay cả hai vụ án này đều đang trong quá trình điều tra trên tinh thần tập trung khẩn trương, nhưng hết sức chặt chẽ, thận trọng, khách quan, đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ những sơ hở, lỗ hổng trong các quy định pháp luật để có kiến nghị liên quan trong công tác quản lý nhà nước. Theo Người phát ngôn Bộ Công an, toàn bộ vụ án này đang trong quá trình điều tra và khi có thông tin mới Bộ Công an sẽ chủ động cung cấp cho các cơ quan báo chí.