Sáng ngày 3/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tổ chức Họp báo thường kỳ do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì.
Vụ C.P Việt Nam đã xử lý cán bộ, chuyển nhiệm vụ khác
Tại họp báo, vụ việc liên quan đến Công ty C.P Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm. Đại diện Cục Chăn nuôi và Thú y đã có phản hồi chính thức về quá trình xử lý.
Ông Phạm Kim Đăng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, đơn vị đã nhận được văn bản báo cáo về việc xử lý cán bộ kiểm soát giết mổ vi phạm liên quan vụ việc tại C.P Việt Nam.
"Chúng tôi đã xử lý cán bộ vi phạm và chuyển sang nhiệm vụ khác, đồng thời điều động nhân sự thay thế, phụ trách tại trạm thú y giết mổ", ông Đăng thông tin.
Đồng thời, ông cho biết thêm, trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi và Thú y sẽ phối hợp với Bộ Công an để tăng cường công tác giám sát, kiểm soát vệ sinh an toàn giết mổ trên cả nước. Cục cũng đã có chỉ đạo yêu cầu các địa phương siết chặt quản lý hoạt động kiểm soát giết mổ, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông Phạm Kim Đăng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y.
Trước đó, Cục Chăn nuôi và Thú y nhận được báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh Hậu Giang, cùng các tài liệu liên quan đến vụ việc tại cơ sở giết mổ gia súc Dững Nga (xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp).
Người trực tiếp thực hiện kiểm soát giết mổ là viên chức Trạm Chăn nuôi Thú y huyện Phụng Hiệp, chẩn đoán viên hạng III, đã được đào tạo và có chứng chỉ nghiệp vụ.
Theo báo cáo, rạng sáng ngày 26/3/2022, vị này đã đóng dấu kiểm soát giết mổ (KSGM) lên một bên thân thịt heo. Sau đó, phát hiện phần còn lại có nhiều nốt viêm không đảm bảo vệ sinh thú y nên không đóng dấu KSGM và yêu cầu tiêu hủy.
Tiếp đó, chủ cơ sở giết mổ cùng nhân viên Công ty C.P thống nhất xử lý thân thịt không đạt tiêu chuẩn bằng cách luộc và chuyển đổi mục đích sử dụng làm thức ăn cho thủy sản tại ao cá ngay trong khuôn viên cơ sở giết mổ.
Sản xuất trong nước và xuất khẩu đạt kết quả tích cực
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết bối cảnh thế giới hiện nay đang có nhiều biến động, xung đột và bất ổn về chính trị - kinh tế, trong đó có căng thẳng tại Nga - Ukraine, Trung Đông, các biện pháp áp thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa một số quốc gia… ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Dù vậy, ngành nông nghiệp vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) tháng 6 năm 2025 ước đạt 5,93 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng 6 năm 2024; đưa tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 6 tháng đầu năm 2025 đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2024.
"Cơ cấu thị trường có sự thay đổi rõ rệt. Năm nay, thị trường Mỹ tăng mạnh so với những năm trước, lấn át thị phần của Trung Quốc tạo nên thế cân bằng giữa thị trường Mỹ và Trung Quốc", Thứ trưởng chia sẻ.

Toàn cảnh buổi Họp báo thường kỳ của Bộ NN&MT.
Trong khi đó, nhập khẩu đạt 24,01 tỷ USD, tăng 15,1%. Như vậy, toàn ngành nông nghiệp ghi nhận thặng dư thương mại gần 9,83 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ.
Trong nhóm nông sản chủ lực, cà phê tiếp tục là điểm sáng. Khối lượng xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm đạt 953,9 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ, nhưng giá trị tăng vọt tới 67,5%, đạt 5,45 tỷ USD.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 5.708 USD/tấn, tăng gần 60%. Đức, Italia và Tây Ban Nha là ba thị trường tiêu thụ lớn nhất, lần lượt chiếm 16,3%, 7,9% và 7,4% thị phần.
Ngược lại, mặt hàng gạo tuy đạt khối lượng xuất khẩu cao với 4,9 triệu tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ, nhưng giá trị chỉ đạt 2,54 tỷ USD, giảm 12,2%.
Nguyên nhân chính là do giá xuất khẩu bình quân giảm 18,4%, chỉ còn 517,5 USD/tấn. Philippines vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm 43,4% thị phần, song giá trị xuất khẩu sang nước này giảm 17,4%.

Xuất khẩu thủy sản đạt 5,16 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2025.
Thủy sản là một trong những nhóm hàng có tăng trưởng ấn tượng nhất. Xuất khẩu thủy sản đạt 5,16 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là ba thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm tổng cộng hơn 50% giá trị xuất khẩu.
Gỗ và sản phẩm gỗ đạt giá trị xuất khẩu 8,21 tỷ USD, tăng 8,9%. Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ lớn nhất với thị phần lên tới 55,6%, tiếp theo là Nhật Bản và Trung Quốc. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 20,2%, trong khi xuất sang Nhật Bản tăng mạnh 26,7%.
Ở chiều ngược lại, rau quả và chè tiếp tục suy giảm. Xuất khẩu rau quả đạt 3,05 tỷ USD, giảm 8,4%. Trong đó, thị trường Trung Quốc – nơi chiếm gần một nửa giá trị xuất khẩu – sụt giảm mạnh tới 35,1%.
Với mặt hàng chè, cả khối lượng và giá trị đều giảm 7,5%, chỉ đạt 58,5 nghìn tấn và 97,9 triệu USD. Pakixtan, Đài Loan và Trung Quốc là ba thị trường lớn nhất cho mặt hàng này.
Về sản xuất trong nước, toàn ngành tiếp tục ghi nhận nhiều chỉ số khả quan. Tính đến cuối tháng 6, cả nước đã gieo cấy khoảng 5,2 triệu ha lúa, diện tích thu hoạch đạt 3,33 triệu ha, sản lượng ước đạt trên 22,7 triệu tấn – tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Chăn nuôi phục hồi rõ nét. Đàn lợn tăng 3,8%, đàn gia cầm tăng 4% nhờ giá bán tốt và dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, đàn trâu và bò lần lượt giảm 3,4% và 0,6%.
Lâm nghiệp tăng trưởng mạnh với 153,5 nghìn ha rừng trồng mới, tăng 18,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 11,2 triệu m³, tăng 9%.
Sản lượng thủy sản đạt hơn 4,55 triệu tấn, tăng 3,1%, trong đó cá chiếm hơn 3,28 triệu tấn (tăng 2,9%) và tôm đạt 605,5 nghìn tấn (tăng 5,6%).
Thứ trưởng khẳng định Bộ NN&PTNT đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất gắn với kiểm soát chất lượng, mở rộng thị trường, đáp ứng yêu cầu của các đối tác quốc tế.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi chính sách đất đai, quy trình sản xuất và tiêu chuẩn môi trường theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.