Quý I/2025 ghi nhận kết quả tích cực về thu ngân sách nhà nước (NSNN). Tổng thu đạt 721,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% dự toán năm và tăng tới 29,3% so với cùng kỳ năm trước
Tăng trưởng thu ngân sách - nền tảng tài khóa vững chắc
Theo báo cáo của Bộ Tài chính: Quý I/2025 ghi nhận kết quả tích cực về thu ngân sách nhà nước (NSNN). Tổng thu đạt 721,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% dự toán năm và tăng tới 29,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thu nội địa - nguồn thu chủ lực - tăng mạnh 34,5%, đạt 646,3 nghìn tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân, Bộ Tài chính cho biết, tăng trưởng GDP cuối năm 2024 đạt 7,55%, tạo đà cho các tháng đầu năm 2025. Đồng thời, ngành Thuế đã đẩy mạnh quản lý thu, chuyển đổi số, chống thất thu và xử lý nợ đọng.
Đáng chú ý, thu từ khu vực ngoài quốc doanh tăng 36%, vượt xa các khu vực khác. Tuy nhiên, thu từ doanh nghiệp (DN) nhà nước lại giảm 7,6%, cho thấy cần tiếp tục cải cách DN và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, thu từ dầu thô đạt 13,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 25% dự toán nhưng giảm 15,3% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu bình quân quý I chỉ ở mức 81 USD/thùng, giảm gần 15% so với cùng kỳ năm trước.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tương đương cùng kỳ với hơn 61,6 nghìn tỷ đồng, trong đó thuế giá trị gia tăng hoàn đạt hơn 33 nghìn tỷ đồng.
Đáng lưu ý, tính đến 15/4/2025, tổng thu NSNN đã đạt 801,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 40,77% dự toán cả năm, cho thấy xu hướng tích cực vẫn đang tiếp diễn.
Giải ngân đầu tư công còn chậm
Không chỉ tập trung vào thu, công tác chi ngân sách cũng được Bộ Tài chính đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả. Trong quý I/2025, tổng chi cân đối đạt 428,2 nghìn tỷ đồng, bằng 16,8% dự toán và tăng 11,6% so với cùng kỳ. Chi đầu tư phát triển đạt 78,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 10% dự toán.
Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp, chỉ đạt 9,53%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ (12,27%). Bộ Tài chính đang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ, nhất là các dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia.
Riêng về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đầu tư phát triển phân bổ đạt 95,9% kế hoạch, tuy nhiên giải ngân mới đạt khoảng 15,2%, cho thấy cần thúc đẩy quyết liệt hơn nữa.
Song song đó, công tác điều hành giá cả được kiểm soát chặt chẽ. Giá xăng dầu và gạo tẻ thường giảm nhưng giá thịt lợn tăng do thiếu cung. Giá thép, xi măng giữ ổn định. Với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng dự thảo Chỉ thị tăng cường chấp hành pháp luật về giá, đồng thời cập nhật kịch bản điều hành giá phù hợp biến động thị trường.
Ngoài ra, hàng loạt chính sách hỗ trợ đã được triển khai như giảm 2% thuế GTGT, giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, kéo dài ưu đãi lệ phí trước bạ với ô tô điện. Tổng hỗ trợ cho DN, người dân trong năm nay ước đạt 204 nghìn tỷ đồng, cao hơn năm 2024.
Hoàn thiện thể chế, quản lý tài sản công và mở rộng thị trường tài chínhVề xây dựng chính sách, trong quý I, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng 22 Nghị định, 2 Quyết định, gửi Bộ Tư pháp để trình Quốc hội 08 đề án luật, nghị quyết. Đặc biệt, đang hoàn thiện 3 dự án luật quan trọng về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập DN và quản lý vốn nhà nước tại DN.
Bộ cũng đã ban hành 18 thông tư trong lĩnh vực tài chính, đồng thời khẩn trương thực hiện các Kế hoạch hành động để cụ thể hóa chủ trương lớn như Nghị quyết 57/NQ-TW, 01/NQ-CP…
Về quản lý tài sản công, công tác sắp xếp nhà đất, thu tiền thuê đất, miễn giảm phí, lệ phí tiếp tục được đẩy mạnh. Về dự trữ quốc gia, Bộ đã xuất cấp hơn 42.000 tấn gạo, hỗ trợ Tết, giáp hạt, học sinh vùng khó khăn.
Trên thị trường tài chính, chứng khoán tăng trưởng nhẹ, chỉ số VN-Index đạt 1.306 điểm, vốn hóa tương đương 64% GDP. Giá trị giao dịch bình quân tháng 3 đạt 22.741 tỷ đồng/phiên, tăng 27,3%. Tuy nhiên, quý I vẫn giảm so với cùng kỳ.
Thị trường trái phiếu có cải thiện, với giá trị giao dịch bình quân tăng 15,7% so với năm trước. Thị trường bảo hiểm tăng trưởng ổn định, tổng doanh thu quý I đạt 56.575 tỷ đồng.
Ngoài ra, công tác cổ phần hóa và thoái vốn DN nhà nước vẫn trì trệ, khi chưa có DN nào thực hiện trong quý I. Bộ Tài chính sẽ phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa 30 DN trong 9 tháng còn lại của năm.
Cùng với đó, Bộ đã tiếp nhận 18 Tập đoàn, Tổng công ty để thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu và yêu cầu các DN xây dựng kịch bản kinh doanh đảm bảo tăng trưởng tối thiểu 8% so với năm trước.
Trong lĩnh vực đăng ký DN, số DN mới và tái gia nhập thị trường tăng mạnh với hơn 72.943 DN, tuy nhiên, số DN rút lui khỏi thị trường vẫn lên đến 78.813 DN.
Về quản lý nợ công, Chính phủ đã vay trong và ngoài nước khoảng 105.007 tỷ đồng, đồng thời trả nợ khoảng 118.170 tỷ đồng trong quý I. Phát hành trái phiếu Chính phủ đạt gần 98.500 tỷ đồng, đạt gần 20% kế hoạch năm.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, với 993 thủ tục hành chính đang quản lý, trong đó đã tiếp nhận hơn 28,2 triệu hồ sơ trong quý I. Về công tác thanh tra, đã triển khai hơn 20.000 cuộc kiểm tra, phát hiện vi phạm với tổng số tiền kiến nghị xử lý trên 31.846 tỷ đồng, thu nộp NSNN hơn 4.700 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực quy hoạch, 98,2% quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh đã được phê duyệt. Việc triển khai đang dần phát huy hiệu quả, mở ra không gian phát triển mới.
Theo Bộ Tài chính, vốn đầu tư toàn xã hội quý I đạt 666,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3%. Vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 11 tỷ USD, tăng mạnh 34,7% so với cùng kỳ. Việt Nam cũng đầu tư ra nước ngoài gần 239 triệu USD, gấp 8,3 lần so với quý I/2024, chủ yếu trong lĩnh vực điện, chế biến và khai khoáng.
Anh Minh