Bố trí hàng trăm chỗ ngồi phục vụ xét xử "đại án đăng kiểm"

Admin
Do số lượng bị cáo và người tham gia phiên tòa đông, TAND thành phố Hồ Chí Minh bố trí 2 địa điểm xét xử, gồm: trụ sở TAND TP.HCM và hội trường Trại tạm giam T30 Củ Chi.

2 cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam và 252 bị cáo liên quan hầu tòa

Ngày 18/7 tới đây, TAND thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở phiên tòa xét xử đối với 254 bị can liên quan các sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Bố trí hàng trăm chỗ ngồi phục vụ xét xử "đại án đăng kiểm"- Ảnh 1.

Cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà lúc mới bị bắt.

Vụ án có 2 cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam và 252 bị cáo liên quan, bị xét xử về các tội: Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tham ô tài sản.

Trong đó, bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 1/2014 - 7/2021) bị xét xử về tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) bị xét xử về tội Nhận hối lộ.

Theo truy tố, các bị cáo là cựu lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, buông lỏng quản lý, đưa ra nhiều chủ trương trái quy định để nhận hối lộ, chia tiền hối lộ từ các đơn vị trực thuộc cục, các chi cục, trung tâm đăng kiểm và doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn cả nước với số tiền lớn trong quá trình duyệt, cấp mã số thành lập các trung tâm đăng kiểm tư nhân; thẩm định thiết kế cải tạo phương tiện xe cơ giới; đăng kiểm định kỳ phương tiện cơ giới đường bộ và thủy nội địa…

Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR) là tổ chức trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện chức năng tham mưu giúp Cục trưởng quản lý công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới, kiểm tra xe máy chuyên dùng đang lưu hành trong phạm vi cả nước.

Trong các nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, VAR có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện thẩm định thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe cơ giới và xe máy chuyên dùng đang lưu hành.

Các đăng kiểm viên phòng VAR đã lợi dụng vị trí công tác không thực hiện đúng quy trình thẩm định, bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế, cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế trái quy định để nhận tiền hối lộ của các công ty từ 1,5 - 3 triệu đồng/hồ sơ.

Từ tháng 3/2019, bị cáo Trần Anh Quân, cựu Quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới được các đăng kiểm viên báo cáo về việc có nhận tiền hối lộ của các công ty thiết kế trong quá trình thẩm định hồ sơ.

Lợi dụng điều này, Quân thống nhất với các đăng kiểm viên việc sẽ chia cho Quân 700.000 đồng/hồ sơ. Quân sẽ dùng một phần chia lại cho bị cáo Trần Kỳ Hình. Các phó phòng VAR mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ; nhân viên văn phòng mỗi người 50.000 đồng/hồ sơ.

Đến tháng 8/2021, ông Trần Kỳ Hình nghỉ hưu. Ông Đặng Việt Hà được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Trong cuộc họp với lãnh đạo phòng VAR, bị cáo Hà yêu cầu phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ đã thẩm định thiết kế, phải bảo đảm lợi ích của Hà là cao nhất.

Sau khi thống nhất, lãnh đạo phòng VAR và các đăng kiểm viên đưa cho bị cáo Đặng Việt Hà 400.000 đồng/hồ sơ. Đến tháng 10/2022, khi cơ quan công an phát hiện xử lý các sai phạm của các đơn vị đăng kiểm nên các bị cáo không nhận tiền hối lộ trong hoạt động thẩm định hồ sơ thiết kế nữa.

Quá trình cơ quan điều tra làm rõ các sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, bị cáo Đặng Việt Hà sợ liên lụy nên trả lại 5 tỷ đồng đã nhận trước đó cho Trần Anh Quân. Sau đó, Hà lấy lại số tiền này đưa cho Lại Thái Phong (nguyên Phó Chánh văn phòng Cục đăng kiểm Việt Nam) và Nguyễn Văn Chung để "nghe ngóng thông tin từ cơ quan điều tra" và bị lừa đảo.

Theo các cơ quan tố tụng, bị cáo Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ là hơn 40 tỷ đồng; trong đó có 31 tỷ đồng nhận của phòng kiểm định xe cơ giới và hơn 9 tỷ đồng từ các trung tâm đăng kiểm và các giám đốc trung tâm đăng kiểm khác.

Bị cáo Trần Kỳ Hình ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền đã nhận từ phòng VAR và các trung tâm đăng kiểm, còn phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD là tiền nhận hối lộ từ 63 cơ sở đóng tàu để bỏ qua các sai phạm trong quá trình kiểm định, duyệt cấp đủ năng lực hoạt động.

TAND thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho phiên xử

Theo thông tin từ TAND thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan này đã nhận 65 thùng hồ sơ liên quan đến vụ án. Do số lượng bị cáo đông nên phiên tòa sẽ được xét xử tại 2 địa điểm, gồm: trụ sở TAND thành phố Hồ Chí Minh và hội trường Trại tạm giam T30 Củ Chi. Trong số 254 bị cáo liên quan, có 2 cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam; có 1 bị cáo bị truy tố nhưng hiện đang bỏ trốn và sẽ bị xét xử vắng mặt.

Bố trí hàng trăm chỗ ngồi phục vụ xét xử "đại án đăng kiểm"- Ảnh 2.

Khu vực ngồi làm việc của hội đồng xét xử.

Do tính chất, đặc điểm của vụ án nên HĐXX sẽ tiến hành xét hỏi, thẩm tra đối với từng nhóm tội danh, nhóm hành vi. Khi đến lịch thẩm tra, xét hỏi đối với nhóm các bị cáo nào thì sẽ được trích xuất, dẫn giải đến toà để thẩm vấn trực tiếp; các bị cáo thuộc nhóm còn lại sẽ được theo dõi phiên xử qua màn hình tại hội trường Trại tạm giam T30 Củ Chi.

Đối với luật sư bào chữa cho các bị cáo, tòa đã có thông báo, các luật sư có thể tham dự phiên tòa tại 2 nơi, là ở trụ sở TAND hoặc Trại tạm giam T30. Tuy nhiên, đến nay tòa chưa nhận được văn bản của luật sư nào yêu cầu tham gia tại Trại tạm giam T30.

Theo quan sát của PV, tính đến chiều 16/7, công tác chuẩn bị cho phiên xét xử "đại án đăng kiểm" diễn ra tại trụ sở TAND thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất. Khu vực sảnh chính được bố trí một màn hình lớn để người tham gia phiên tòa theo dõi; khu vực hành lang thông hai phòng xử án lớn cũng được bố trí ghế ngồi và màn hình, kèm nhiều quạt hơi nước công suất lớn được đặt ở nhiều ví trí trong khu vực xét xử.

Đối với báo chí, người phát ngôn của tòa lưu ý các cơ quan báo chí, nhà báo tham gia tác nghiệp tại phiên toà phải đăng ký trước để cấp thẻ tác nghiệp. Chỉ những phóng viên, nhà báo được cấp thẻ mới được tham gia tác nghiệp tại phiên xử này, nhưng sẽ được bố trí khu vực tác nghiệp riêng và theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi.

Phiên tòa xét xử 254 bị cáo trong "đại án đăng kiểm" do Thẩm phán Huỳnh Văn Trực làm chủ tọa; HĐXX còn có thẩm phán Trần Minh Châu cùng 3 hội thẩm nhân dân.

Đại diện Viện KSND tham gia phiên tòa là các kiểm sát viên Trần Thị Liên, Nguyễn Vũ Mai Diễm, Lê Trương Hà Linh, Phạm Văn Hiền.

Bên cạnh đó, có hơn 200 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 3 tháng, tính từ ngày 18/7.