Quy mô vượt mốc 25 tỷ USD
Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử (TMĐT) năm 2024 vẫn tiếp tục được dự đoán giữ tốc độ tăng trưởng gần gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của thương mại truyền thống trên toàn cầu, đóng góp khoảng 20% vào tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán lẻ vào năm 2024. Đông Nam Á tiếp tục là khu vực có tốc độ tăng trưởng TMĐT và kinh tế số cao nhất thế giới.
TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỉ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tỉ trọng về thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 2 con số vững chắc, thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, TS. Trần Duy Thanh - Trưởng bộ môn Thương mại điện tử, Trường Đại học Kinh Tế - Luật, Đại học Quốc Gia TP.HCM cho rằng hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong năm 2024 cũng thay đổi, họ ưu tiên sự tiện lợi và sự đa dạng của sản phẩm, điều này này cũng đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử.
Một số ngành hàng đạt giá trị cao và mang tính chủ lực là thời trang và phụ kiện, chăm sóc sắc đẹp, điện gia dụng và công nghệ, và hàng tiêu dùng nhanh. Theo thống kê thì nhóm hàng tiêu dùng trong cuối năm 2024 là bứt phá ấn tượng với đà tăng trưởng hơn 60% đạt vị trí thứ 2 trong giao dịch đơn hàng.
"Có thể thấy năm 2024 đã đánh dấu được bước phát triển mạnh mẽ của nền thương mại điện tử Việt Nam. Tuy có một số chính sách thay đổi về thuế khi giao dịch trên hệ thống thương mại điện tử có thể ban đầu ảnh hưởng tới hành vi tiêu dùng", ông Thanh nói.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của một số nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu và Shein cũng đã có thách thức không nhỏ cho thị trường Việt Nam.
“Nhưng đây cũng là động lực để các nền tảng cải tiến, đổi mới hệ thống, đa dạng hóa, sự thay đổi này là cần thiết, giúp cho các thị trường ngày càng công bằng hơn”, TS. Trần Duy Thanh nói.
6 nhóm xu hướng chính 2025
Dựa trên tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử, TS. Trần Duy Thanh cho biết mức đỉnh tổng giao dịch tại Việt Nam là năm 2023 với khoảng 15,8 tỷ USD. Năm 2024, tổng giá trị bị giảm xuống có thể chỉ là tạm thời.
Ông Thanh giải thích có nhiều nguyên nhân như sự bất ổn tình hình chính trị thế giới cũng làm ảnh hưởng tới nhu cầu mua sắm, người tiêu dùng có tâm lý thắt lưng buộc bụng, quan sát tình hình. Hay do sự phục hồi kinh tế của người dân sau đại dịch chưa ổn nên có tâm lý tiết kiệm chi tiêu.
Theo đó, dựa theo thống kê ở trên thì từ 2021 - 2024 có vẻ như bão hòa, nếu dựa theo các dữ liệu này thì tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2025 nằm ở khoảng 14,5 tỷ USD.
“Giả sử chúng ta kỳ vọng về hạ tầng giao thông phát triển, nền kinh tế tăng trưởng đột phá, cơ sở pháp lý tốt, các nền tảng cải tiến phát triển đúng với xu thế dẫn dắt thị trường thương mại điện tử, giúp cho người tiêu dùng tin tưởng và chi tiêu mạnh mẽ thì tối đa tổng giá trị giao dịch là gấp đôi năm 2024, tức là đạt khoảng 26 tỷ USD, nhưng con số này là quá lý tưởng, phải thật sự nỗ lực mới đạt được”, ông Thanh đặt kỳ vọng.
Năm 2025, TS. Trần Duy Thanh đánh giá thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục bùng nổ với sự dẫn dắt của 6 nhóm xu hướng chính sau: Live Commerce & Social Commerce (thương mại trực tiếp và thương mại qua mạng xã hội), Cross-border eCommerce (thương mại điện tử xuyên biên giới), AI personalizes consumers (AI cá nhân hóa người tiêu dùng), Buy Now Pay Later (mua trước trả sau), logistics-fast delivery (vận chuyển - giao hàng nhanh), Sustainable shopping & Eco-friendly products (mua sắm bền vững & sản phẩm thân thiện môi trường).
“Các doanh nghiệp, nền tảng TMĐT, thậm chí cả người tiêu dùng cũng cần nhanh chóng cập nhật, thích nghi để không bị lạ lẫm, không bị bỏ lại phía sau”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Với “Live Commerce & Social Commerce” có thể thấy TikTok Shop, Facebook Shops, và YouTube Shopping ngày càng phát triển mạnh, thúc đẩy xu hướng mua sắm trực tuyến kết hợp với nội dung video, tạo ra rất nhiều nhà sáng tạo nội dung.
Chính điều này cũng làm thay đổi hành vi trải nghiệm của người tiêu dùng, như chúng ta có thể dễ dàng thấy người tiêu dùng ngày càng thích các trải nghiệm tương tác trực tiếp với người bán trước khi mua hàng. Và doanh số từ live commerce ở Đông Nam Á các năm qua cũng tăng nhanh, Việt Nam chúng ta cũng là một trong những thị trường tiềm năng nhất.
Thương mại điện tử xuyên biên giới (Cross-border eCommerce): gần đây có sự tham gia của các nền tảng quốc tế như Temu, Shein, hay trước đó đã có Alibaba, Amazon… điều này đang mở ra cơ hội cho người tiêu dùng mua sắm trực tiếp từ nước ngoài. Và doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội xuất khẩu sản phẩm ra các thị trường quốc tế thông qua các nền tảng này.
“Ở đây chúng ta cần môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn, công bằng hơn, cũng như cần phải cập nhật, cải tiến nền tảng để có thể cạnh tranh tốt được với các nền tảng nước ngoài”, ông Thanh nhấn mạnh.
Cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm bằng AI (AI personalizes consumers) giúp các nền tảng hiểu rõ nhu cầu người dùng, đề xuất sản phẩm phù hợp hơn với từng nhu cầu cụ thể.
Với nhiều hãng công nghệ cung cấp dịch vụ trí tuệ nhân tạo, họ đã phổ thông hóa trí tuệ nhân tạo, các nền tảng dễ dàng tạo ra AI chatbot và trợ lý ảo giúp nâng cao dịch vụ khách hàng và hỗ trợ mua sắm nhanh hơn. Thực tế, các nền tảng như Shopee, Lazada, TikTok Shop đều đang tích hợp AI vào quy trình bán hàng và tiếp thị.
Với xu hướng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt và Buy Now Pay Later (BNPL) chắc chắn là xu hướng thanh toán điện tử tiếp tục bùng nổ với sự hỗ trợ từ các ví điện tử như MoMo, ZaloPay, VNPay, Apple Pay... Dịch vụ mua trước, trả sau (BNPL) sẽ tiếp tục giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng hóa hơn.
Do đó, ông Thanh cũng đề xuất các ngân hàng và công ty tài chính cũng đã và cần tăng cường thúc đẩy thêm các phương thức thanh toán, điều này giúp họ tăng doanh thu cũng như giúp tăng doanh số thương mại điện tử nói chung.
Với xu hướng Phát triển logistics và giao hàng nhanh (Logistics-Fast delivery), các công ty đã và đang tận dụng công nghệ AI để phát triển các kho hàng thông minh nhằm tối ưu hóa vận hành và chi phí.
Theo xu hướng cuộc sống mới, thì dịch vụ giao hàng trong 2-4h hoặc trong ngày sẽ trở thành chuẩn mực, nhất là ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... Nhận thấy các công ty logistics như GHN, Viettel Post, Shopee Express họ đang đầu tư mạnh vào công nghệ nhằm rút ngắn thời gian giao hàng, giúp tiết kiệm chi phí, tăng doanh thu, tăng trải nghiệm mua hàng của người dùng.
Cuối cùng là xu hướng Mua sắm bền vững và sản phẩm thân thiện với môi trường (Sustainable shopping & Eco-friendly products), người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn, họ quan tâm tới các sản phẩm xanh, sạch, hữu cơ, và bền vững.
"Các nền tảng thương mại điện tử đã và đang thúc đẩy xu hướng này bằng cách cung cấp danh mục sản phẩm thân thiện với môi trường. Và đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tạo sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường để cạnh tranh tốt hơn với các sản phẩm nhập khẩu", TS. Trần Duy Thanh nhấn mạnh.