Các nước châu Á đang “giàu có” lên

Admin
Trong khi Ấn Độ đang trên đà trở thành nền kinh tế 10.000 tỷ USD, thì Trung Quốc được dự báo sẽ chưa vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 15 năm tới.

Nền kinh tế toàn cầu đang trên đà tăng gấp đôi quy mô lên 221.000 tỷ USD theo giá trị danh nghĩa trong 15 năm tới. Điều này, theo các nhà dự báo, có được là nhờ sự tăng trưởng khi các quốc gia nghèo hơn bắt kịp các quốc gia giàu có hơn.

Tăng trưởng nhanh chóng ở các quốc gia châu Á như Indonesia – được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ mười thế giới vào năm 2039, vượt qua Italy và Tây Ban Nha – sẽ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) cho biết, Bangladesh đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ 21 trong 15 năm tới, tăng từ vị trí thứ 37, trong khi Philippines và Việt Nam sẽ lần lượt vươn lên vị trí thứ 23 và 25.

Các nước châu Á đang “giàu có” lên- Ảnh 1.

Mumbai giành được danh hiệu "thủ đô tỷ phú" của Ấn Độ và châu Á. Ấn Độ đang trên đà trở thành nền kinh tế 10.000 tỷ USD. Ảnh: Housing.com

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh đang trên đà lớn hơn 25,2% so với Pháp vào năm 2039, tăng từ mức 13,7% trong năm 2024. Mặc dù nền kinh tế Anh vẫn sẽ nhỏ hơn 19,8% so với Đức vào năm 2039, nhưng con số này nghĩa là khoảng cách đã được thu hẹp đáng kể từ mức 30,7% vào năm 2024.

Về mặt GDP danh nghĩa, Anh sẽ vẫn là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới cho đến năm 2039, CEBR cho biết, nhưng nói thêm rằng, trên cơ sở GDP bình quân đầu người – một thước đo mức sống, Anh sẽ xếp thứ 21 trong số 189 quốc gia, tụt hậu so với Mỹ, Đức, Ireland, Na Uy và Luxembourg.

Sức nóng chính trị “phả” vào kinh tế thế giới năm 2025ĐỌC NGAY

Thủ tướng Anh Keir Starmer đã nói với cử tri "xứ sở sương mù" rằng hãy đánh giá hiệu quả hoạt động của chính phủ ông trong suốt nhiệm kỳ quốc hội 5 năm dựa trên những cải thiện về mức sống và tăng trưởng kinh tế hàng đầu.

CEBR dự báo, triển vọng cho nền kinh tế Nga, không khác gì triển vọng cho cuộc chiến tranh Ukraine, là rất không chắc chắn.

"Cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ có lẽ yếu hơn bình thường, với rất nhiều chi tiêu liên quan đến chiến sự, nghĩa là lạm phát có thể sẽ vẫn ở mức cao trong ít nhất là năm tới, công ty tư vấn kinh tế có trụ sở tại London (Vương quốc Anh) cho biết.

"Khi giao tranh kết thúc, vẫn còn phải xem chính phủ Nga hỗ trợ nền kinh tế thích nghi với thời bình trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kinh tế hiện tại như thế nào", CEBR cho biết.

Những phát hiện từ ấn bản thứ 16 của báo cáo kinh tế thế giới World Economic League Table 2024 do CEBR thực hiện cho thấy rằng, Ấn Độ sẽ tiếp tục vươn lên trở thành một trong những siêu cường kinh tế của thế giới, vượt qua các thành viên G7 là Nhật Bản và Đức trong những năm tới.

"Ấn Độ đang trên đà trở thành nền kinh tế thứ 3 trên thế giới đạt 10.000 tỷ USD vào năm 2036. Sự trỗi dậy của nước này được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu đang phát triển, các cải cách cơ cấu và các khoản đầu tư có mục tiêu vào cơ sở hạ tầng và năng lượng xanh", ông Pushpin Singh, chuyên gia kinh tế cấp cao tại CEBR, cho biết.

Về nền kinh tế số 1 châu Á, các biện pháp kích thích do chính quyền ở Bắc Kinh đưa ra, bao gồm cắt giảm lãi suất chủ chốt và hỗ trợ thị trường chứng khoán Trung Quốc, sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn, CEBR cho biết.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của công ty tư vấn này cũng lưu ý rằng, "những thách thức đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc và nhu cầu trong nước yếu" sẽ khiến nước này chưa thể vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 15 năm tới.

"Nền kinh tế Trung Quốc đang phải vật lộn với những thách thức đáng kể, bao gồm sự chậm lại trong hoạt động trong nước, áp lực giảm phát dai dẳng và gánh nặng của những thay đổi về nhân khẩu học", ông Sam Miley, chuyên gia kinh tế quản lý và là người đứng đầu bộ phận dự báo tại CEBR, cho biết.

"Mặc dù các biện pháp kích thích gần đây nhằm tăng cường khả năng phục hồi dài hạn đã được triển khai, nhưng tác động trong ngắn hạn của chúng có vẻ hạn chế nếu không có sự can thiệp tài chính mạnh mẽ hơn", vị chuyên gia nói.

Trong khi các nước châu Á thăng hạng về kinh tế, do các vấn đề về tài chính và siêu lạm phát, thứ hạng toàn cầu của Argentina sẽ giảm xuống vị trí thứ 27 vào năm 2039, từ vị trí thứ 23 vào năm 2024.

Tổng thống Argentina Javier Milei đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu của chính phủ ở Buenos Aires và quy mô của khu vực nhà nước kể từ khi ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở quốc gia Nam Mỹ này năm 2023.

Tuvalu, một đảo quốc nhỏ ở Nam Thái Bình Dương, sẽ là nền kinh tế nhỏ nhất thế giới vào năm 2039, CEBR cho biết.

Minh Đức (Theo The Times, CEBR)

Tham khảo thêm
Khả năng cơ động đáng kinh ngạc của hệ thống tên lửa phòng không FK-3Khả năng cơ động đáng kinh ngạc của hệ thống tên lửa phòng không FK-3
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
“Khắc tinh” của tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II“Khắc tinh” của tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II