Bộ ba quốc gia vùng Baltic – Estonia, Latvia và Litva (Lithuania) – sẽ ngắt kết nối khỏi lưới truyền tải điện IPS/UPS do Nga kiểm soát vào ngày 8/2, và hoà vào lưới điện đồng bộ của Lục địa châu Âu vào một ngày sau đó, ngày 9/2.
Lưới điện Lục địa châu Âu, còn được gọi là lưới điện UCTE, bao gồm hầu hết các quốc gia châu Âu, từ Bồ Đào Nha ở phía Tây đến Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông.
Đối với các quốc gia Baltic, động thái này, được gọi là "Baltic Synchro", là một "khoảnh khắc lịch sử", đánh dấu một bước tiến quan trọng hướng tới an ninh nguồn cung và thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Nga về năng lượng.
Điều đó có nghĩa là Estonia, Latvia và Litva, chứ không phải Nga, sẽ có thể quản lý và kiểm soát nguồn cung cấp điện của chính họ. Và thời gian chỉ còn tính bằng ngày đến thời điểm bước ngoặt này.
Các nhà ngoại giao từ khu vực Baltic nói với Đài RFE/RL rằng động thái này nghĩa là xóa bỏ những dấu vết cuối cùng của thời kỳ Liên Xô.
![Các quốc gia vùng Baltic đếm ngược đến “khoảnh khắc lịch sử”- Ảnh 1. Các quốc gia vùng Baltic đếm ngược đến “khoảnh khắc lịch sử”- Ảnh 1.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/6/ua-estonia-latvia-va-lithuania-da-ky-mot-thoa-thuan-tach-khoi-luoi-dien-brell-chung-thoi-lien-xo-voi-nga-va-belarus-vao-thang-22025-al-arabiya-17388512795941644363995.png)
Các nhà điều hành lưới điện của Estonia, Latvia và Lithuania đã ký một thỏa thuận tách khỏi lưới điện Brell chung thời Liên Xô với Nga và Belarus vào tháng 2/2025. Ảnh: Al Arabiya
Dự kiến ban đầu sẽ diễn ra vào cuối năm 2025, dự án "Baltic Synchro" đã được đẩy lên sớm hơn gần 11 tháng, phần lớn là do cuộc chiến ở Ukraine và mong muốn của các quốc gia vùng Baltic muốn hoàn toàn độc lập khỏi năng lượng Nga.
Đó là một hành trình dài. Các nước Baltic lần đầu tiên báo hiệu sự sẵn sàng tham gia lưới điện Lục địa châu Âu vào năm 2007, và sau đó nộp đơn vào năm 2018. Năm ngoái, họ đã thông báo với Nga và Belarus rằng họ sẽ rời khỏi thỏa thuận Brell đã giữ họ ở lại IPS/UPS.
Họ đã chuẩn bị cho "khoảnh khắc lịch sử" này trong một thời gian và nó đã đến rất gần. Việc đồng bộ hóa lưới điện không chỉ là một quá trình kỹ thuật mà còn là một quá trình pháp lý với rất nhiều thủ tục giấy tờ và đàm phán.
"Nó không quá khác biệt so với việc gia nhập khu vực đồng Euro (Eurozone) hoặc khu vực Schengen miễn thị thực", một nhà ngoại giao Baltic nói với RFE/RL hôm 4/2.
Các nước Baltic cũng đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng của họ, với số tiền lên tới 1,6 tỷ Euro (1,64 tỷ USD), trong đó 75% đến từ ngân sách Liên minh châu Âu (EU).
Số tiền này cần thiết để xây dựng đường dây điện trên không, tăng cường quản lý tần số, cải thiện và xây dựng các trạm biến áp điện và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin.
Những bước đầu tiên quan trọng cũng đã được thực hiện để tăng mức độ bảo vệ của đường kết nối LitPol Link trên bờ giữa Litva và Ba Lan, qua đó các nước Baltic đang đồng bộ hóa với lưới điện châu Âu.
Một kết nối khác giữa hai quốc gia, có tên là Harmony, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030-2031.
Đây là một khởi đầu, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong trường hợp của Litva. Với các tuyến kết nối quan trọng – LitPol Link trong năng lượng và Rail Baltica trong vận tải và hậu cần quân sự – đi qua đất nước này, Litva đang nổi lên như một cửa ngõ quan trọng kết nối lục địa châu Âu với vùng Baltic, khu vực Bắc Âu và thậm chí là Bắc Cực.
Tất cả các tuyến kết nối này đều đi qua hành lang đất liền hẹp giữa Litva và Ba Lan, được gọi là Suwałki Gap. Khu vực này cũng giáp với Belarus ở phía Đông và vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga ở phía Tây.
Minh Đức (Theo RFE/RL, Atlantic Council)