Các tập đoàn công nghiệp hàng đầu Hàn Quốc mở rộng đầu tư, tăng nội địa hóa tại Việt Nam

Admin
(Chinhphu.vn) - Chiều 1/7, tại Thủ đô Seoul, trong chương trình thăm chính thức Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Euisun Chung, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Hyundai Motor Group và các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn.

Hyundai Motor Group (2000) gồm 29 công ty, trong đó có Công ty Hyundai Motor thành lập từ năm 1967, hoạt động chính trong lĩnh vực xe hơi. Các thị trường nước ngoài chính gồm: Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á…, có 486 văn phòng tại 42 quốc gia. Tổng số lao động hơn 313.000 người, doanh số năm 2022 khoảng 103,3 tỷ USD.

Tại Việt Nam, với thương hiệu Hyundai, Hyundai Motor Group đã đầu tư 415 triệu USD, có tổng số 2.300 lao động, doanh thu 2,6 tỷ USD. Với thương hiệu KIA, Công ty đã hợp tác, chuyển giao công nghệ cho Công ty THACO của Việt Nam để sản xuất, lắp ráp nhiều dòng ô tô mang thương hiệu KIA và các sản phẩm linh kiện, phụ tùng tại nhà máy tại tỉnh Quảng Nam do THACO sở hữu 100% vốn để cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tại cuộc tiếp, lãnh đạo Tập đoàn mong muốn đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, sẵn sàng chuyển giao các công nghệ mới, đầu tư các kỹ thuật mới tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thị trường xe điện toàn cầu và Việt Nam ngày càng phát triển. Hyundai đánh giá cao điểm mạnh của Việt Nam về nhân lực trẻ chất lượng cao và dự kiến sẽ có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghề nghiệp của Việt Nam đối với ngành công nghiệp ô tô.

Thủ tướng đánh giá cao hoạt động đầu tư, kinh doanh của Tập đoàn Hyundai Motor Group tại Việt Nam, hoan nghênh và khuyến khích Tập đoàn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực giao thông xanh, tăng cường chuyển giao công nghệ, tăng tỉ lệ nội địa hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, đào tạo ngành nhân lực, tiếp tục phát triển bền vững tại Việt Nam. Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn quan tâm tham gia các hoạt động an sinh xã hội.

Đáng chú ý, Thủ tướng cũng đề nghị Hyundai tham gia tài trợ, đầu tư vào lĩnh vực bóng đá tại Việt Nam và lãnh đạo Tập đoàn cho biết sẽ nghiên cứu nội dung này một cách nghiêm túc, tích cực.

Doosan sẽ tăng tỉ lệ nội địa hóa tại Việt Nam

Tiếp đó, Thủ tướng đã tiếp ông Yeonin Jung, Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Doosan Enerbility.

Đây là tập đoàn chuyên về công nghiệp nặng với tổng số lao động là 13.500 người, doanh thu năm 2023 trên 12,7 tỷ USD. Riêng Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina) thành lập năm 2006 với vốn đầu tư 300 triệu USD, đã sản xuất sản phẩm cơ khí, công nghiệp nặng cho 398 dự án tại 35 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với tổng đơn hàng hơn 3 tỷ USD.

Năm 2020, Doosan Vina sản xuất và xuất khẩu thành công sản phẩm sử dụng lò hơi công nghệ tầng sôi tuần hoàn CFB cho nhà máy nhiệt điện sinh khối Sodegaura đặt tại tỉnh Chiba, Nhật Bản. Hiện nay Doosan Vina đang tập trung sản xuất các thiết bị năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Doosan Vina cũng cung cấp thiết bị khử mặn cho nhiều nước, có thể cung cấp 776 triệu lít nước sạch và đáp ứng nhu cầu sử dụng của gần 2,5 triệu người dân mỗi ngày.

Tại cuộc tiếp, lãnh đạo Tập đoàn đã giới thiệu kinh nghiệm, năng lực, thành tích của Doosan Enerbility; trao đổi về kế hoạch mở rộng đầu tư, chuyển giao kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, công nghệ cho các doanh nghiệp Việt trong thiết kế, mua sắm, xây lắp các nhà máy điện, tăng nội địa hóa các thiết bị điện tại Doosan Vina ở Quảng Ngãi, tham gia phát triển điện gió ngoài khơi, áp dụng công nghệ khử carbon đối với các nhà máy điện nhằm góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0, mong muốn ký MOU với các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực năng lượng sạch, giảm phát thải.

Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp thiết thực, hiệu quả của Doosan Enerbility tại Việt Nam thời gian qua về sản xuất các thiết bị công nghiệp và thiết bị năng lượng… ; ủng hộ, hoan nghênh các giải pháp, công nghệ mới của Tập đoàn về năng lượng xanh, sạch và hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng xanh, giảm thải carbon, trong đó có phát triển điện gió ngoài khơi, cũng như hợp tác chuyển giao kỹ năng quản lý, kỹ thuật, công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam..., trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Với các vướng mắc, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục phối hợp, trao đổi với các cơ quan, đối tác phía Việt Nam để giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa hai nước

Cũng trong chiều nay, Thủ tướng đã tiếp ông Kim Ki Moon, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KBIZ) và ông Kim Sung-tae Chủ tịch, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK).

KBIZ được thành lập năm 1962, là 1 trong 4 hiệp hội doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc với hơn 3,5 triệu hội viên. Đến nay, KBIZ chỉ có Văn phòng đại diện tại Việt Nam và Mỹ. Còn IBK do Chính phủ Hàn Quốc thành lập và nắm cổ phần chi phối, chuyên cung ứng dịch vụ tài chính chuyên biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hàn Quốc, đã lập chi nhánh tại Việt Nam.

Tại cuộc tiếp, Chủ tịch KBIZ trao đổi về kế hoạch tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa của hai nước; vai trò của KBIZ và IBK trong chuyển giao phương pháp và kinh nghiệm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đóng góp tăng trưởng kinh tế hai nước dựa trên nền tảng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chủ tịch KBIZ cũng báo cáo về kế hoạch tổ chức diễn đàn xúc tiến đầu tư tại Việt Nam vào cuối năm nay với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thủ tướng cảm ơn và đề nghị KBIZ tiếp tục có các hoạt động thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh, tăng cường quảng bá môi trường, chính sách đầu tư của Việt Nam tới doanh nghiệp Hàn Quốc, làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa hai nước, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức diễn đàn đầu tư vào thời gian phù hợp. Thủ tướng cũng hoan nghênh IBK tiếp tục hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.

Hà Văn