Cán bộ “lão luyện” góp phần gỡ khó cho bộ máy mới ở Gia Lai

Admin
Dù lực lượng mỏng, công việc dồn dập, nhưng tại nhiều xã, phường ở Gia Lai, cán bộ hành chính vẫn miệt mài xử lý hàng trăm bộ hồ sơ mỗi ngày.

Linh hoạt "gỡ vướng"

Sau ngày 1/7, khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động, trụ sở UBND các phường tại Gia Lai bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường.

Tại các phường Diên Hồng, Thống Nhất, Biển Hồ, Hội Phú, An Phú,... (Tp.Pleiku), ghi nhận lượng người dân đến làm thủ tục hành chính đông gấp nhiều lần so với trước. Nếu trước đây mỗi xã, phường chỉ tiếp nhận khoảng 10–15 hồ sơ mỗi ngày, thì nay con số này đã tăng vọt lên 70–100 hồ sơ.

Khối lượng công việc tăng đột biến khiến cán bộ phải xoay xở đủ cách để duy trì hoạt động thông suốt, không để gián đoạn việc phục vụ người dân. Tại các trung tâm hành chính công cấp xã, bộ phận “một cửa” luôn trong trạng thái làm việc liên tục từ sáng đến chiều muộn.

Dù các hồ sơ ban đầu được tiếp nhận và xử lý khá nhanh, nhưng khi chuyển đến các phòng chuyên môn như kinh tế, xây dựng, hộ tịch, đất đai, cấp phép…, tình trạng quá tải bắt đầu lộ rõ.

Cán bộ “lão luyện” góp phần gỡ khó cho bộ máy mới ở Gia Lai- Ảnh 1.

Nhu cầu làm thủ tục hành chính của người dân ngày càng nhiều, chủ yếu lĩnh vực đất đai, hộ khẩu, hộ tịch.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ (tỉnh Gia Lai) cho biết: “Thời gian đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp chắc chắn sẽ phát sinh một số áp lực, đặc biệt tại các bộ phận chuyên môn.

Tuy nhiên, về tổng thể, các thủ tục hành chính đã được liên thông, triển khai trực tuyến khá thuận lợi. Những khó khăn bước đầu sẽ dần được khắc phục khi hệ thống đi vào vận hành ổn định, đội ngũ cán bộ quen với guồng công việc mới".

Trong khi đó, ông Trần Văn Thắng, người dân xã Biển Hồ chia sẻ: “Tôi đến UBND xã nộp hồ sơ làm thủ tục giải chấp sổ đỏ để được ngân hàng giải ngân vốn phục vụ vụ mùa. Mọi bước đều đã xong, chỉ còn chờ xác nhận. Tuy nhiên, cán bộ thông báo chưa thể đóng dấu vì Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai khu vực vẫn chưa có con dấu".

“Cuối cùng, các cán bộ ở đây phải trực tiếp gọi về trung tâm hành chính mới đặt tại Quy Nhơn để xin hỗ trợ. Rất may, sau đó, vướng mắc cũng được tháo gỡ tạm thời", ông Thắng nói thêm.

Khắc phục khó khăn

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch UBND xã Gào (tỉnh Gia Lai) cho biết, thời gian gần đây, nhiều người dân đến xã làm thủ tục liên quan đến thế chấp, giải chấp sổ đỏ vẫn gặp một số vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu là do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai khu vực chưa có con dấu, nên chưa thể hoàn tất việc ký xác nhận hồ sơ.

Ông Quang cho biết thêm, xã Gào có diện tích đất đai rộng lớn, trong khi lực lượng đo đạc hiện còn thiếu, máy móc thiết bị kỹ thuật phục vụ xác định tọa độ, ranh giới cũng chưa đầy đủ. Mỗi hồ sơ xin cấp sổ đỏ đều phải có cán bộ xuống thực địa kiểm tra, khiến việc xử lý càng thêm khó khăn trong bối cảnh nhân lực hạn chế, khối lượng công việc lại ngày càng tăng.

Cán bộ “lão luyện” góp phần gỡ khó cho bộ máy mới ở Gia Lai- Ảnh 2.

Tại Trung tâm dịch vụ hành chính công cấp xã, bộ phận "một cửa" luôn trong tình trạng làm việc liên tục, từ sáng sớm đến cuối giờ chiều.

Không chỉ thiếu nhân lực chuyên môn, UBND xã Gào hiện cũng đang cần bổ sung cán bộ phụ trách công nghệ thông tin để xử lý các sự cố kỹ thuật liên quan đến máy tính, mạng và đường truyền.

Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ: “Nhiều khi hệ thống gặp sự cố, một số cán bộ phải kiêm luôn việc sửa máy tính, kiểm tra cáp mạng. Không ai than phiền hay đùn đẩy, nhưng khối lượng công việc như vậy là quá tải. Dù còn nhiều khó khăn, địa phương vẫn cố gắng đảm bảo tiến độ tiếp nhận, xử lý hồ sơ, không để việc cấp giấy tờ bị đình trệ".

Hải Phòng sau sáp nhập: Cơ hội mới cho thị trường bất động sản bứt tốc

Ông cũng cho biết, xã đang khẩn trương đăng ký nhận phôi bìa đỏ để sớm triển khai việc ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

“Máy in cũng phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tính thẩm mỹ trong việc in ấn giấy tờ hành chính.

Đội ngũ cán bộ, chuyên viên đã được tập huấn nghiệp vụ đầy đủ; nhiều người trong số đó từng công tác tại cấp huyện, tỉnh (cũ) nên có kinh nghiệm và kỹ năng xử lý công việc hiệu quả.

Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, các thủ tục hành chính sẽ được thực hiện nhanh chóng, thông suốt hơn", vị đại diện địa phương chia sẻ.