
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Văn Lâu phát biểu tại cuộc gặt mặt với cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh: VGP/LS
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Văn Lâu cho biết: Từ đầu năm đến nay hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của TP. Cần Thơ có dấu hiệu phục hồi tốt, đặc biệt là từ sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Trong 6 tháng đầu năm, Thành phố có hơn 2.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động (tăng 30% so với cùng kỳ năm trước).
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP. Cần Thơ đạt 7,87%, cao hơn bình quân cả nước (bình quân cả nước 7,31%), xếp thứ 19/34 tỉnh, thành và đứng thứ 2 trong vùng ĐBSCL (sau tỉnh An Giang).
Kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố có đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp và kinh tế tư nhân tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp khoảng 74% trong tổng GRDP và trên 80% tổng thu ngân sách của Thành phố.
Theo ông Trần Văn Lâu, TP. Cần Thơ đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều tiềm năng và cơ hội sau khi hợp nhất. Thành phố đang khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố mới.
Đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, phát triển các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics hiện đại, gắn với cảng biển và cảng hàng không.
"Thành phố cũng đặc biệt chú trọng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để khơi thông, tháo gỡ kịp thời các nút thắt, điểm nghẽn, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, an toàn và thân thiện. Thành phố cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc", ông Trần Văn Lâu.
Đây sẽ là cơ sở để TP. Cần Thơ kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi và hấp dẫn hơn nữa; đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế. Phấn đấu đến năm 2030, xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành một cực phát triển của quốc gia, giữ vai trò động lực phát triển, lan tỏa, dẫn dắt cả vùng ĐBSCL.

Hàng trăm doanh nghiệp tham dự cuộc gặp mặt với lãnh đạo thành phố Cần Thơ - Ảnh: VGP/LS
Tại cuộc gặp gỡ, đại diện các doanh nghiệp đã nêu lên các vướng mắc, bất cập và kiến nghị thành phố có giải pháp sớm tháo gỡ khó khăn liên quan đến quy hoạch, thủ tục về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, thuế phí,…
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ đánh giá cao bước phát triển của TP. Cần Thơ trong 6 tháng đầu năm 2025.
Tuy nhiên, ông Lam chỉ ra rằng: Dù tốc độ tăng trưởng khá tốt nhưng số lượng doanh nghiệp của Cần Thơ ít và yếu với chỉ gần 3.000 doanh nghiệp thành lập mới, rất thấp so với nhiều địa phương trong vùng vì có nơi gần 4.000 doanh nghiệp thành lập, trong khi có trên 2.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Nếu nhìn về vốn đăng ký, Cần Thơ có trên 11.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, nhưng Tây Ninh đạt hơn 94.000 tỷ đồng. Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng các dự án mang tầm khu vực đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó có dự án logictics.
"Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi kiến nghị Thành phố sớm xây dựng quy hoạch mới; hoàn thiện hạ tầng cơ sở; xây dựng khu công nghệ tập trung để thu hút nhà đầu tư lớn và vận hành chính quyền 2 cấp hiệu quả cũng như có nhiều chính sách hấp dẫn so với các địa phương khác. Đồng thời, tổ chức định kỳ những buổi họp mặt với cộng đồng doanh nghiệp để lãnh đạo lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, trăn trở của doanh nghiệp", ông Lam cam kết.
Tại cuộc gặp mặt, nhiều vấn đề của doanh nghiệp nêu tại buổi họp mặt đã được lãnh đạo các sở, ngành liên quan giải đáp thỏa đáng. Cạnh đó, một số kiến nghị cũng được lãnh đạo các cơ quan ghi nhận và cam kết sẽ giải quyết trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình trao đổi với các doanh nghiệp - Ảnh: VGP/LS
Phát biểu kết thúc buổi họp mặt, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh những buổi họp mặt như thế này rất ý nghĩa. Đây là dịp để lãnh đạo Thành phố lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, đề xuất, góp ý từ các doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp, chính sách phù hợp hơn.
"Hôm nay, các kiến nghị, vướng mắc là khoảng thời gian trước khi sáp nhập, chúng tôi muốn nghe ý kiến, góp ý về thời gian từ 01/7/2025 đến nay về việc vận hành bộ máy chính quyền hai cấp có gì cần điều chỉnh, trung tâm hành chính công phục vụ người dân thế nào, công tác chỉ đạo điều hành còn vướng mắc gì không?", Bí thư Thành ủy Cần Thơ lưu ý.
Về các khó khăn, vướng mắc cụ thể, ông Đỗ Thanh Bình đề nghị UBND thành phố có chỉ đạo cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để góp phần phát triển thành phố. Các sở ngành ghi nhận, tiếp thu tất cả các ý kiến của doanh nghiệp, nghiên cứu thật kỹ các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để có biện pháp, phối hợp tháo gỡ, từ xã phường đến sở ngành, cơ quan đơn vị đều có trách nhiệm này.
"Lãnh đạo thành phố rất cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được góp ý của doanh nghiệp trong thời gian tới, có thể bằng văn bản, họp mặt, điện thoại, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe. Khó khăn được nêu cụ thể thì rất tốt, ở cơ quan nào, đồng chí nào, rất cần sự phản ánh của doanh nghiệp và người dân… Đây là buổi họp mặt đầu tiên sau khi hợp nhất tỉnh, nên duy trì việc này, từ nay đến cuối năm cần 1-2 cuộc nữa", Bí thư Thành ủy Cần Thơ nhấn mạnh.
Lê Sơn