Cần thống nhất giá dịch vụ y tế, tránh tình trạng 63 địa phương có 63 giá khác nhau

Hoàng Huyền
Với các quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y Tế Lê Thành Công đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành giá thống nhất trên toàn quốc, không ban hành khung giá như dự thảo Luật Giá, tránh tình trạng 63 địa phương có 63 giá khác nhau.

can-thong-nhat-gia-dich-vu-y-te-tranh-tinh-trang-63-dia-phuong-co-63-gia-khac-nhau1-dulichgiaitri-suc-khoe-1661590278.png
 
can-thong-nhat-gia-dich-vu-y-te-tranh-tinh-trang-63-dia-phuong-co-63-gia-khac-nhau2-dulichgiaitri-suc-khoe-1661590292.png
Toàn cảnh Hội thảo

Không nên quy định cứng trong luật tiêu chí chọn danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Tài chính cho biết, về danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, qua rà soát, Bộ đã đưa ra khỏi Luật 13 hàng hóa, dịch vụ và bổ sung 4 mặt hàng gồm: sách giáo khoa; dịch vụ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và giao cho đơn vị khai thác; hàng hóa, dịch vụ phục vụ quốc phòng an ninh; dịch vụ vận chuyển phân phối khí thiên nhiên.

Nhất trí với các tiêu chí chọn danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng không nên quy định cứng trong luật. TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường - Giá cả, Bộ Tài chính, cho rằng, “nếu quy định cứng trong Luật thì mỗi lần thay đổi sẽ rất phức tạp.

Ví dụ trong vấn đề sách giáo khoa, chúng ta thay đổi cơ chế độc quyền sách giáo khoa, cho phép một số nhà xuất bản thực hiện việc này, chúng ta lại giao quyền quyết định mua sách giáo khoa cho Sở Giáo dục và Đào tạo ở các tỉnh thành thì rõ ràng thị trường đã thay đổi cơ bản về cung cầu.

Nhưng rõ ràng chúng ta không đưa nó vào danh mục thẩm định giá, dẫn đến hệ lụy cho hàng chục triệu hộ gia đình”.

Thể chế hóa áp dụng giá tham chiếu để làm cơ sở xác định giá một số hàng hóa, dịch vụ theo nguyên tắc thị trường

Đối với biện pháp định giá, việc phân công, phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm định giá còn chưa rõ, thiếu đồng bộ với chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực. Một số trường hợp quy định giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện định giá cụ thể là không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay, rất khó xác định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tham mưu.

Hệ thống phương pháp định giá còn phân tán, chưa quy định rõ việc áp dụng phương pháp định giá chung và phương pháp định giá chuyên ngành. Các hình thức định giá cần phải kiện toàn để đáp ứng những phát sinh trong thực tiễn.

Mặt khác, thực tế khi xây dựng các Luật chuyên ngành đã có những quy định liên quan đến định giá nhà nước dẫn đến sự trùng lặp, mâu thuân, chồng chéo như: quy định thêm hàng hóa, dịch vụ áp dụng định giá nhà nước ngoài danh mục tại Luật Giá; hàng hóa, dịch vụ được quy định bổ sung tại Luật chuyên ngành chưa đảm bảo phù hợp với 3 nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; thiếu các quy định đồng bộ về hình thức thẩm quyền định giá khi có quy định bổ sung hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá ngoài danh mục; chưa có sự thống nhất về quy trình thẩm định trình cơ quan có thẩm quyền quyết định giá giữa pháp luật chuyên ngành với Luật Giá; chồng chéo trong ban hành phương pháp định giá.

Để khắc phục những vướng mắc này, dự thảo Luật đã quy định hai nhóm phương pháp ứng với từng trường hợp cụ thể tại Điều 24. Một là, Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Hai là, trường hợp Luật khác có quy định về phương pháp định giá chuyên ngành, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành phương pháp riêng (ví dụ như giá đất; giá dịch vụ khám chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục; tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan...). Bên cạnh đó, thể chế hóa việc áp dụng giá tham chiếu để làm cơ sở cho việc xác định giá một số hàng hóa, dịch vụ theo nguyên tắc thị trường.

Đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh thống nhất toàn quốc, không ban hành khung giá như dự thảo Luật

Trong lĩnh vực y tế, đại diện Bộ Y tế cho biết, với các quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh như hiện nay, một cơ sở có thể có 3 loại giá dịch vụ y tế, áp dụng cho 3 đối tượng do thẩm quyền quy định khác nhau.

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y Tế Lê Thành Công "đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành giá thống nhất trên toàn quốc, không ban hành khung giá như dự thảo Luật, tránh tình trạng 63 địa phương có 63 giá khác nhau".

Đối với hàng hóa, dịch vụ như thuốc, vật tư, sinh phẩm, hóa chất, trang thiết bị để phục vụ hoạt động, phục vụ công tác chuyên môn (như khám chữa bệnh, kiểm định, kiểm nghiệm) cũng như các hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực khác, Bộ Y tế đề nghị thực hiện nguyên tắc quản lý giá theo thị trường (do thị trường định giá, điều chỉnh giá) nhưng có sự quản lý của Nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch về giá, niêm yết giá và trường hợp nếu giá cả biến động bất thường thì nhà nước tiến hành kiểm tra các yếu tố hình thành giá.

Tuy nhiên, đối với mặt hàng thuộc lĩnh vực y tế này do tác động, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân nên cần thiết bổ sung nội dung: “Giao Chính phủ ban hành danh mục cụ thể các thuốc, vật tư, sinh phẩm, hóa chất, trang thiết bị thiết yếu cần phải do Nhà nước quản lý giá (bình ổn giá, kê khai, đăng ký giá…) và căn cứ vào diễn biến thị trường từng thời điểm cụ thể, tình hình dịch bệnh thì có thể điều chỉnh danh mục này để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý.

Đề xuất bỏ biện pháp lập Quỹ bình ổn giá do không còn phù hợp với thực tiễn

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến bình ổn giá, thẩm định giá, hiệp thương giá, kê khai giá, dự báo giá thị trường. Trong đó, đề xuất bỏ biện pháp lập Quỹ bình ổn giá do không còn phù hợp với thực tiễn; riêng Quỹ bình ổn giá xăng dầu tiếp tục thực hiện theo quy định riêng tại Nghị định 83/2014 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 95/2021.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, hiện nay phạm vi và biện pháp bình ổn giá chưa linh hoạt, hiệu quả chưa cao, nhất là trong thời điểm thiên tai dịch bệnh, biến động của thị trường thế giới. Công tác hiệp thương giá, thẩm định giá tại nhiều nơi đã xảy ra tiêu cực, có nơi xảy ra tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, nhất là trong lĩnh vực y tế. Do đó việc sửa đổi Luật Giá là cần thiết, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế.

“Sửa đổi Luật Giá phải đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh xung đột với các luật khác; đáp ứng nguyên tắc quản lý điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước đảm bảo bao quát, thuận lợi cho công tác điều hành giá; phải tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn về quản lý giá, bình ổn giá, kế thừa phát huy, hoàn thiện quy định của Luật Giá hiện hành, tháo gỡ các bất cập, khó khăn thực tiễn, rà soát các quy định thật rõ ràng, chặt chẽ đối với 9 nhóm chính sách đề nghị sửa đổi, bổ sung", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến góp ý vào dự thảo Luật, xây dựng báo cáo thẩm tra trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; mong muốn các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục đồng hành với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, đóng góp ý kiến có chất lượng nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.