CEO FiinRatings: Xếp hạng tín nhiệm trái phiếu không phải kinh doanh buôn bán giải thưởng

Admin
Chuyên gia cho rằng, muốn thu hút được nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào doanh nghiệp Việt cần xây dựng văn hoá xếp hạng tín nhiệm trái phiếu tại Việt Nam.

Kiểm toán là quá khứ, xếp hạng tín nhiệm là tương lai

Chia sẻ tại Hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững" sáng 16/8, ông Nguyễn Quang Thuân – Tổng Giám đốc FiinRatings cho rằng mặc dù tại Việt Nam đã và đang dần hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm nhưng đây vẫn là khái niệm mới và việc xếp hạng tín nhiệm chưa được đánh giá đúng mức tại thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp vẫn giữ quan niệm việc xếp hạng tín nhiệm là do doanh nghiệp bỏ tiền ra nên có thể xuất hiện một số kết luận thiếu khách quan.

CEO FiinRatings: Xếp hạng tín nhiệm trái phiếu không phải kinh doanh buôn bán giải thưởng- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Thuân – Tổng Giám đốc FiinRatings.

CEO FiinRatings cho biết, ngành xếp hạng tín nhiệm trên thế giới đã có hơn 100 năm và doanh nghiệp Việt nếu muốn huy động nguồn vốn từ kênh quốc tế bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm, không có quy định nhưng đó là thông lệ của thị trường thế giới hơn 100 năm nay.

"Xếp hạng tín nhiệm không phải kinh doanh buôn bán giải thưởng. Kiểm toán là quá khứ, xếp hạng tín nhiệm là tương lai", ông Thuân khẳng định.

Ông Thuân cho biết hiện nay có nhiều quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ quan tâm đến thị trường trái phiếu Việt Nam nhưng không thể rót vốn do yêu cầu về xếp hạng tín nhiện.

Do vậy, đại diện FiinRatings cho rằng muốn phát triển, thu hút được nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức thì hạ tầng chính (chính sách, khung pháp lý, minh bạch) quan trọng nhưng hạ tầng mềm (giao dịch trên sàn niêm yết) phải theo thông lệ quốc tế.

Đồng thời vị chuyên gia nêu kỳ vọng triển vọng ngành xếp hạng tín nhiệm thời gian tới sẽ đến từ chính sách, nhu cầu tự thân của doanh nghiệp, mong muốn từ đơn vị tư vấn và sức ép của nhà đầu tư.

Đề xuất sửa quy định mua bán trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng

Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường Chứng khoán UBCKNN Tô Trần Hòa cho biết, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu bộc lộ tình hình tài chính không ổn định, thiếu minh bạch về thông tin, dẫn đến nguy cơ không trả được nợ khi đến hạn, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.

"Các vụ việc doanh nghiệp vỡ nợ hoặc chậm trả lãi đã làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường. Mặc dù đã có những dấu hiệu cải thiện nhưng sự tăng trưởng của thị trường vẫn còn chậm, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về dòng tiền và sản xuất kinh doanh nên tình hình chậm trả nợ gốc, lãi trái phiếu vẫn còn xảy ra", ông Hòa nói.

Trong khi đó trên thị trường, tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân vẫn còn ở mức cao, nhà đầu tư tổ chức còn chưa đa dạng.

Cùng với đó, việc một số trái phiếu doanh nghiệp thanh khoản thấp gây khó khăn cho nhà đầu tư khi cần bán trái phiếu trước hạn để thu hồi vốn, làm giảm tính hấp dẫn của kênh này, đặc biệt đối với các nhà đầu tư tổ chức.

Đặc biệt, việc thiếu các tổ chức trung gian, độc lập đủ uy tín tham gia vào quá trình xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, định giá trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc một số TPDN thanh khoản thấp, điều này gây khó khăn cho nhà đầu tư khi cần bán trái phiếu trước hạn để thu hồi vốn.

Thị trường trái phiếu dần ấm lên

Chia sẻ tại Hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững" sáng 16/8, ông Hoàng Văn Thu - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, sau thời kỳ trầm lắng, một số sai phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với nỗ lực chỉ tạo từ Chính phủ, bộ ngành, cơ quan quản lý Nhà nước, thị trường trái phiếu đã đi vào hoạt động ổn định.

Trong 7 tháng đầu năm có 183 đợt phát hành thành công, tổng giá trị huy động 174.000 tỷ đồng, tăng 2,78 lần so với năm 2023.

Đối với hoạt động phát hành trái phiếu ra công chúng, trong 7 tháng, UBCKNN đã cấp phép và phát hành trị giá gần 30.000 tỷ đồng (chưa bao gồm số liệu trái phiếu của CTCK và công ty quản lý quỹ).

CEO FiinRatings: Xếp hạng tín nhiệm trái phiếu không phải kinh doanh buôn bán giải thưởng- Ảnh 2.

Ông Hoàng Văn Thu - Phó Chủ tịch UBCKNN.

Theo mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu được Chính phủ phê duyệt, quy mô thị trường đến 2025 đạt 20% GDP và đến 2030 đạt 30% GDP.

Để thực hiện mục tiêu trên, đại diện UBCKNN cho biết cơ quan quản lý này đã xây dựng chiến lược phát triển thị trường và được Chính phủ phê duyệt. "Để đạt được mục tiêu này không dễ dàng", ông Thu nhấn mạnh.

Phân tích kỹ hơn, lãnh đạo UBCKNN cho rằng để quản lý chặt chẽ theo hướng bền vững song vẫn tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế huy động vốn là một bài toán khó.

Ngoài cơ quan quản lý, các chủ thể tham gia vào thị trường trái phiếu còn có đơn vị phát hành, đơn vị cung cấp dịch vụ, tư vấn và nhà đầu tư, theo ông Thu mỗi chủ thể này đều cần được nâng tính chuyên nghiệp lên.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết các cơ quan quản lý đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện nhiều bộ luật.

32.094 tỷ đồng trái phiếu trước hạn được mua lại trong tháng 7/2024

Một số nội dung gồm tăng cường xếp hạng tín nhiệm trong các nghiệp vụ phát hành; tăng cường sự hiện diện của đơn vị tư vấn trong quá trình lập hồ sơ, đánh giá hồ sơ thay vì cơ quan quản lý thực hiện; tăng cường tính tự chịu trách nhiệm của chủ thể tham gia như đơn vị tư vấn, xếp hạng tín nhiệm.

"Những giải pháp này giúp giảm thời gian đánh giá hồ sơ cho cơ quan quản lý. Đồng thời, bản thân đơn vị phát hành phải có được dự án, mục tiêu đầu tư để có được thời gian đáo hạn trái phiếu, đảm bảo trả lãi và gốc.

Trong câu chuyện sai phạm xảy ra trên thị trường đều rơi vào nhóm nhà đầu tư có cơ hội đánh giá rủi ro hạn chế. Do vậy, theo định hướng của UBCKNN đang nghiên cứu đối tượng phát hành trái phiếu riêng lẻ hướng tới nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp để tăng cường tính chuyên nghiệp, đánh giá rủi ro", ông Thu nêu.