Chi phí lãi vay tăng vọt, Tập đoàn PAN vẫn bứt tốc ngay trong quý đầu năm

Admin
Với khoản vay hơn 14.000 tỷ đồng, Tập đoàn PAN phải chi 115 tỷ đồng lãi vay trong quý I/2025, tăng tới 40% so với cùng kỳ, kéo tổng chi phí tài chính trong kỳ lên 141 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2025. Cụ thể, doanh thu thuần của PAN đạt 4.119 tỷ đồng, tăng 19% so với quý I/2024. Sau khi trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của PAN tăng 11% lên 694 tỷ đồng.

Trong kỳ, công ty cũng ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đạt 187 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu là nhờ tăng lãi tiền gửi, trái phiếu, lãi cho vay và chênh lệch tỉ giá. Bên cạnh đó, công ty còn ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính khác lên tới 51 tỷ đồng, tăng gấp hơn 24 lần cùng kỳ năm trước

Ở chiều ngược lại, ngoại trừ chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ, các khoản còn lại của PAN đều ghi nhận phát sinh mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi phí lãi vay của công ty ghi nhận tăng vọt từ 82 tỷ đồng trong quý I/2024 lên 115 tỷ đồng trong quý I/2025, tương đương tăng 40%, đẩy chi phí tài chính trong cả quý I/2025 lên 141 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, Tập đoàn PAN báo lãi 194 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.

Năm 2025, Tập đoàn PAN lên kế hoạch sản xuất kinh doanh với doanh thu đạt 17.256 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 672 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành lần lượt 24% kế hoạch doanh thu và 29% mục tiêu lợi nhuận.

Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Tập đoàn PAN ở mức 25.871 tỷ đồng, tăng 8% so với số đầu năm. Chỉ số hàng tồn kho đạt 3.396 tỷ đồng, tăng 9%.

CEO Tập đoàn PAN: Đưa dấu ấn Việt Nam lên kệ hàng quốc tế

Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 12.593 tỷ đồng, tăng 18%. Trong đó, 11.755 tỷ đồng được PAN dùng để đầu tư chứng khoán kinh doanh, tăng 19% so với số đầu năm. Đây là các chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng và không quá 12 năm tại các ngân hàng thương mại và hưởng lãi suất áp dụng.

Tính đến cuối tháng 3/2025, nợ phải trả của Tập đoàn PAN đạt 16.868 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của công ty đạt 14.062 tỷ đồng, tăng 22%; chủ yếu là vay ngắn hạn từ ngân hàng. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận 108 tỷ đồng vay dài hạn, giảm 47% so với số đầu năm. Đây cũng là một trong những lý do đẩy chi phí lãi vay trong quý I/2025 của công ty lên cao.

Chi phí lãi vay tăng vọt, Tập đoàn PAN vẫn bứt tốc ngay trong quý đầu năm- Ảnh 1.

Diễn biến thị giá cổ phiếu PAN.

Liên quan đến khoản tiền trên, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Duy Hưng khẳng định: "Đây là những sản phẩm tài chính có tính thanh khoản cao, không phải vay để đầu tư tài sản cố định. Với PAN, kiểm soát rủi ro luôn là ưu tiên hàng đầu".

Ông Hưng nhấn mạnh, dù ghi nhận khoản nợ hơn 11.000 tỷ đồng, tài sản của công ty vẫn lớn hơn và có tính thanh khoản cao. "Tăng chi phí tài chính nhưng lợi nhuận mang lại còn cao hơn, đó là điều bình thường với một tập đoàn đa ngành như PAN", ông nói.