Chính phủ điều hành quyết liệt, hiệu quả, tạo thêm dư địa cho ngân hàng, DN phát triển

Admin
(Chinhphu.vn) – Sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các DN đã giúp nền kinh tế có những tín hiệu khởi sắc rõ ràng, từ đó thúc đẩy cầu tín dụng. Các ngân hàng, DN đang được truyền cảm hứng để nỗ lực vượt khó, phấn đấu vươn mình lên tầm cao mới.
Chính phủ điều hành quyết liệt, hiệu quả, tạo thêm dư địa cho ngân hàng, DN phát triển- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ trao đổi cởi mở với các lãnh đạo ngân hàng tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là ý kiến của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì chiều ngày 21/9, tại Hà Nội.

Ngân hàng được tạo thêm nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng

Do có một số yếu tố tác động, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn chậm. Sau đó, trong khoảng thời gian 6 tháng gần đây và đặc biệt là cho đến cuối quý III của năm 2024, tín dụng đã tăng tốc, Chủ tịch TPBank đã nêu 3 nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng.

Thứ nhất, đó là sự điều hành quyết liệt và có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giúp nền kinh tế ổn định và từng bước có những tín hiệu khởi sắc rõ ràng.

Theo thống kê, trong 8 tháng, Việt Nam đã đạt được  tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,42%, xuất siêu đạt đến khoảng 19 tỷ USD, điều này hỗ trợ rất lớn cho việc thúc đẩy cầu tín dụng tăng. 

"Đây là một vấn đề quan trọng, cốt lõi và tiên quyết, vì nếu kinh tế không phục hồi, cầu tín dụng yếu, khả năng hấp thụ vốn kém, ngân hàng dù muốn cho vay, kể cả lãi suất thấp cũng khó tăng tín dụng", ông Đỗ Minh Phú nói.

Thứ hai, người đứng đầu TPBank đánh giá cao vai trò điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian vừa qua. Khi nhìn lại vài tháng trước, tỉ giá có lúc lên tới 25,700 đồng, gần 26.000 đồng/1 USD thì nay tỉ giá đã hạ nhiệt nhiều. Lãi suất liên ngân hàng giảm khá sâu cũng là một điều kiện giúp cho các ngân hàng có thể bảo đảm được duy trì lãi suất hợp lý. 

Thứ ba, Chủ tịch TPBank cho rằng, cơ chế cấp tín dụng mới mà NHNN đã triển khai khá phù hợp trong giai đoạn này. Tức là các ngân hàng được chủ động tính toán dựa trên xếp hạng của NHNN

Phân tích cụ thể, ông Đỗ Minh Phú dẫn ví dụ trường hợp của TPBank, khi năm trước được xếp hạng A thì được tính là 4,5 điểm. Sau đó, NHNN sẽ cho các ngân hàng tự động nhân với tỷ lệ 3,5%, từ đó tính ngay được ngay mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng cho năm 2024 một cách chủ động.

Tiếp đó, đến thời điểm là tháng 8/2024, tức là cách đây hơn 1 tháng, NHNN đã tiếp tục cho phép áp dụng cách tính mới. Theo đó, ngân hàng nào đã đạt được 80% tăng trưởng tín dụng thì được nhân thêm 0,5%. Trường hợp như TPBank được xếp hạng A thì sẽ được thêm chỉ tiêu khoảng 2,5%. Cho nên tổng hạn mức mức tín dụng của năm 2024 của TPBank sẽ được khoảng 18,5%.

Chính phủ điều hành quyết liệt, hiệu quả, tạo thêm dư địa cho ngân hàng, DN phát triển- Ảnh 2.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh các chính sách từ cơ quan quản lý, ông Đỗ Minh Phú cho rằng, cần ghi nhận nỗ lực của chính các ngân hàng thương mại đã tích cực vào cuộc, chủ động tìm giải pháp để thúc đẩy tín dụng.
Với TPBank, ông Đỗ Minh Phú cho biết, ngân hàng này triển khai các giải pháp "giảm" như: Giảm thủ tục, áp dụng đơn giản hóa các thủ tục, áp dụng công nghệ sử dụng dữ liệu lớn. Ngân hàng ứng dụng có thể đánh giá được luôn mức độ tín nhiệm DN vay,  xác định giá trị tài sản đảm bảo nhanh chóng. TPBank cũng tích cực triển khai giảm lãi suất, trong 9 tháng đầu năm đã giảm lãi cho cho 13.500 khách hàng.

Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, NHNN, TPBank đã chủ động giảm lãi suất khoảng 545 tỷ đồng, cộng với giảm 200 tỷ đồng tiền phí. Như vậy là trong khoảng 9 tháng đầu năm giảm lãi và phí khoảng hơn 700 tỷ đồng. 

Đặc biệt, sau cơn bão Yagi vừa rồi gây nhiều thiệt hại cho khách hàng, TPBank cũng nhanh chóng ban hành chính sách giảm 50% lãi suất hiện hành đối với những khách hàng đang vay tại ngân hàng. Đồng thời là đối với những khách hàng cho vay mới thì TPBank sẽ áp dụng nhiều chương trình lãi suất ưu đãi hấp dẫn. 

Tăng cường trách nhiệm người vay, bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch TPBank cũng thẳng thắn nêu những vướng mắc và kiến nghị đề xuất với các cơ quan quản lý. 

Trong đó, một điểm khó khăn khá phổ biến của các ngân hàng hiện nay là việc thu hồi nợ. Ông Đỗ Minh Phú phân tích: Hiện tại Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã không còn hiệu lực. Vì thế, hiện tại không văn bản pháp quy nào hỗ trợ việc thu hồi nợ đúng pháp luật. Đồng thời, chính những người làm công tác thu hồi nợ đang phải đối mặt rủi ro về pháp luật.

Chính phủ điều hành quyết liệt, hiệu quả, tạo thêm dư địa cho ngân hàng, DN phát triển- Ảnh 3.

Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Do đó, Chủ tịch TPBank kiến nghị cần tăng cường tuyên truyền, có hình thức yêu cầu những người vay tăng tính chịu trách nhiệm với khoản vay nợ, để ngân hàng không rơi vào cảnh "cho vay thì đứng mà đòi nợ thì quỳ".

Đồng thời, cần sớm bổ sung các quy định pháp luật để người đi vay phải chịu trách nhiệm cao hơn với khoản vay của mình.

Bên cạnh đó, cần tháo gỡ vướng mắc về xử lý tài sản đảm bảo, khắc phục tình trạng giải quyết thủ tục tố tụng kéo dài, khiến ngân hàng gặp khó khăn.

Trao đổi về giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản, ông Đỗ Minh Phú chia sẻ, các ngân hàng mong sớm có Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở. Nếu Nghị quyết này được triển khai sớm, những dự án thương mại không có đất ở nhưng lại có tiềm năng, phù hợp quy hoạch, phù hợp với chủ trương phát triển khi được chấp thuận là dự án thương mại có đất ở thì sẽ tháo gỡ khó khăn cho rất nhiều các DN bất động sản.

Người đứng đầu TPBank đặc biệt ấn tượng với cách thức mà lãnh đạo Chính phủ đốc thúc sát sao tiến độ các công trình, đặc biệt các dự án trọng điểm đang được triển khai gần đây.

TIN LIÊN QUANThủ tướng: Hệ thống ngân hàng cần thực hiện '6 tăng, 6 giảm, 6 tăng tốc, bứt phá'Ngân hàng tích cực triển khai chính sách tiền tệ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ môCác ngân hàng tích cực vào cuộc triển khai chỉ đạo của Chính phủCác ngân hàng tích cực vào cuộc triển khai chỉ đạo của Chính phủ

"Chúng tôi thật sự cảm động khi chứng kiến các lực lượng, những người tham gia dự án bằng mọi cách, quyết tâm đưa dự án về đích. Ví dụ như là dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối, dự án của cải tạo nhà ga Tân Sơn Nhất, dự án sân bay Long Thành. Chúng tôi đã cảm  nhận được đúng tinh thần là "Vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão", tinh thần "Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, thi công 3 ca, 4 kíp"...

Chứng kiến những việc trên, các lãnh đạo DN, ngân hàng TMCP tư nhân, nên chăng cần tự khơi dậy được lòng tự hào, để có thể đốt lên được ngọn lửa khát vọng.

"Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể đạt được những kỳ tích như kết quả một số dự án trong thời gian vừa qua đã được chứng minh. Khi đó chắc chắn là chúng ta có thể đạt được thêm những kết quả to lớn hơn như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ. Khi khát vọng được đốt lên thì chắc chắn rằng là đất nước của chúng ta sẽ vươn mình, sẽ sang một kỳ nguyên mới. Đó cũng chính cũng là mong muốn của chúng tôi, những đại diện DN, ngân hàng TMCP tư nhân", người đứng đầu TPBank bày tỏ.

Anh Minh