Hội nghị là sự kiện mang tính toàn cầu đầu tiên của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) về du lịch nông thôn, thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu từ 50 quốc gia, đại diện cho các cơ quan quản lý cấp quốc gia và địa phương các nước thành viên UN Tourism và Việt Nam, các tổ chức quốc tế, cộng đồng du lịch và khu vực tư nhân.
Với mục tiêu xác định thách thức, chia sẻ kinh nghiệm tốt và thúc đẩy hợp tác du lịch nông thôn, hội nghị đã thảo luận và định hướng các chính sách phát triển du lịch nông thôn bền vững, đảm bảo phân phối công bằng lợi ích du lịch, tạo việc làm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, hòa nhập xã hội, trao quyền cho cộng đồng địa phương và các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, thanh niên và người dân bản địa.
Hội nghị quy tụ các diễn giả từ cơ quan quản lý du lịch các quốc gia thành viên UN Tourism, các làng thuộc mạng lưới Làng Du lịch tốt nhất của UN Tourism, các tổ chức quốc tế, như Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương (PATA), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Văn phòng Điều phối du lịch Mekong (MTCO), các chuyên gia du lịch từ khu vực tư nhân (BBC Travel Show, Fliggy, JTB, Intrepid, Planeterra, Rustic Hospitality, Traveloka…), các học giả và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch nông thôn.
Nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng và những đóng góp của du lịch trong việc thúc đẩy phát triển nông thôn, hội nghị tập trung vào 3 chủ đề chính: Chính sách cấp quốc gia và địa phương thúc đẩy du lịch phát triển nông thôn; Thu hút sự tham gia và trao quyền cho cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các điểm đến nông thôn.
Phát triển hệ thống điểm đến du lịch nông thôn da dạng
Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, ngành "công nghiệp không khói", đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của các quốc gia và là xu hướng phát triển của tương lai.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới rất quan tâm đầu tư phát triển du lịch theo hướng xanh, thân thiện và bền vững.
Hiện nay, có rất nhiều hình thức, mô hình du lịch phong phú, đa dạng, như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, du lịch chữa bệnh…; trong đó, du lịch nông thôn đang ngày càng phổ biến và phát triển.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, phát triển du lịch nông thôn vừa thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị; vừa quảng bá, tôn vinh, bảo tồn, bồi đắp, phát triển và lan tỏa các giá trị độc đáo của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Đặc biệt, UN Tourism đang mở rộng triển khai "Chương trình du lịch vì sự phát triển nông thôn" nhằm góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, trao quyền cho cộng đồng và tạo công ăn việc làm. Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa và phù hợp với 3 trụ cột phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường.
"Điều này phù hợp với chiến lược phát triển và những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của Việt Nam với định hướng phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn", Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, du lịch Việt Nam được quan tâm đầu tư và phát triển mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn cho phát triển kinh tế-xã hội. Trong 11 tháng năm 2024, du lịch Việt Nam đã phục vụ hơn 100 triệu lượt khách nội địa và đón 15,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023 và đang hướng tới mục tiêu 18 triệu lượt khách quốc tế trong cả năm 2024.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, đưa du lịch nông thôn vào các chương trình phát triển lớn. Một trong những định hướng quan trọng đó là "phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề, phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương".
Nhiều địa phương của Việt Nam đã khai thác tốt thế mạnh, phát triển hệ thống điểm đến du lịch nông thôn da dạng với nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc sắc, hấp dẫn, như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ và các tỉnh Tây Nguyên...
Trong đó, nhiều làng du lịch đã được công nhận theo tiêu chí ASEAN. Đặc biệt, các làng Tân Hóa (Quảng Bình), Thái Hải (Thái Nguyên), làng rau Trà Quế (Quảng Nam) được UN Tourism vinh danh là Làng Du lịch tốt nhất.
Đưa du lịch nông thôn trở thành động lực phát triển bền vững
Thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch nói chung, du lịch nông thôn nói riêng, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, cần có cách tiếp cận tổng thể nhằm đảm bảo thống nhất trong nhận thức và hành động về phát triển du lịch nông thôn bền vững. Mọi chiến lược phát triển cần đặt trọng tâm vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và di sản văn hóa địa phương, song song với phát triển kinh tế.
Phát triển du lịch nông thôn cần dựa trên các vấn đề cốt lõi, đó là: Luôn đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương lên trước hết; cung cấp các giá trị trải nghiệm đích thực cho du khách, đồng thời phải tôn trọng và bảo tồn các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của khu vực nông thôn được lan tỏa và trường tồn.
Đặc biệt, cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ các mô hình tốt, cách làm hay về phát triển du lịch nông thôn. "Những sự kiện ý nghĩa như hội nghị ngày hôm nay là dịp tốt để các quốc gia, tổ chức và cá nhân chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về chính sách, cơ chế quản lý, giải pháp ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo… nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển du lịch nông thôn", Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợp tác quốc tế và đẩy mạnh quan hệ đối tác công-tư trong phát triển du lịch nông thôn. Trong đó, cần thiết lập và mở rộng mạng lưới kết nối giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, nhà đầu tư và cộng đồng người dân địa phương.
"Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác tích cực với cộng đồng quốc tế và UN Tourism triển khai những sáng kiến, cách làm mới để phát triển du lịch nông thôn theo phương châm 'mỗi làng một sản phẩm', 'mỗi người dân là một đại sứ du lịch', 'mỗi địa phương - một sản phẩm du lịch đặc sắc', Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Với sự điều phối của UN Tourism và Mạng lưới Làng Du lịch tốt nhất, Phó Thủ tướng Lê Thành Long mong muốn và tin tưởng rằng các sáng kiến và dự án phát triển du lịch nông thôn sẽ được triển khai hiệu quả trong thời gian tới, tạo nền tảng vững chắc đưa du lịch nông thôn trở thành động lực phát triển bền vững cho các cộng đồng trên toàn cầu.
Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ VHTT&DL, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và bà Zoritsa Urosevic, Phó Tổng Thư ký UN Tourism trao giải thưởng Làng Du lịch tốt nhất của UN Tourism cho làng rau Trà Quế.
Đây là sự ghi nhận những nỗ lực trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa; nghề thủ công truyền thống; nếp sống, nếp sinh hoạt lâu đời; sự sáng tạo và chú trọng phát triển các loại hình du lịch-dịch vụ mang tính cộng đồng, bền vững; thể hiện sự thuần hậu, hiếu khách của người dân địa phương.
Giải thưởng danh giá này là cơ hội để Trà Quế vững bước ra thế giới và từng bước trở thành điểm sáng của du lịch Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
Nhân dịp dự hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã tiếp bà Zoritsa Urosevic, Phó Tổng Thư ký UN Tourism.
Phó Thủ tướng chào mừng bà Zoritsa Urosevic, Phó Tổng thư ký Tổ chức du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) cùng đoàn sang Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn tại Quảng Nam.
Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng nhận thấy suốt hơn 40 năm qua, từ khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Du lịch thế giới (nay là UN Tourism) quan hệ hợp tác Việt Nam-UN Toursim đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trên nhiều phương diện.
Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng phát triển du lịch, luôn trân trọng sự hợp tác, đồng hành và hỗ trợ quý báu của các tổ chức quốc tế, bao gồm UN Tourism cho Việt Nam nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng.
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động, tích cực đóng góp vào sự phát triển và lớn mạnh của UN Tourism; đồng thời đề nghị UN Tourism hỗ trợ Việt Nam thực hiện các định hướng ưu tiên phát triển ngành du lịch Việt Nam; lựa chọn Việt Nam làm điểm đến tổ chức các sự kiện, các hội nghị quốc tế; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn của Việt Nam.
Đánh giá cao ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Thành Long, bà Zoritsa Urosevic cho rằng, UN Tourism và Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển quan hệ hợp tác. UN Tourism sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong phát triển ngành du lịch; trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam trong việc phát triển các loại hình mới, như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp…
Cho biết đã mua nhiều sản phẩm của Việt Nam với tư cách khác du lịch, bà Zoritsa Urosevic góp ý, Việt Nam có thế mạnh về nông sản, có thể đẩy mạnh thương mại nông sản theo hình thức online.
Đức Tuân