"Chốt" quy định mới về bán thuốc online

Admin
Chiều 21/11, với 426/430 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 88,94%) Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Trường hợp nào được bán lẻ thuốc online?

Luật Dược mới được Quốc hội thông qua đã có quy định về kinh doanh dược phẩm qua thương mại điện tử.

Theo đó, Luật quy định, bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc: Thuốc kê đơn, trừ trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đã được công bố dịch theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; thuốc phải kiểm soát đặc biệt; thuốc thuộc Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ. Bán buôn theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử thông qua các phương tiện không phải là sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, trang thông tin điện tử (còn gọi là website thương mại điện tử) bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Cùng với đó, khi kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, cơ sở kinh doanh dược phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về thương mại điện tử, pháp luật về quảng cáo và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định khác của pháp luật có liên quan; bảo đảm bảo mật thông tin của người mua theo quy định của pháp luật;

Đăng tải đầy đủ thông tin về Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, Chứng chỉ hành nghề dược của người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở, thông tin về thuốc đã được phê duyệt theo quy định của Chính phủ;

Ngoài ra, thông báo việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trước khi các đại biểu bấm nút biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

"Chốt" quy định mới về bán thuốc online- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh (Ảnh: Media Quốc hội).

Về kinh doanh chuỗi nhà thuốc, trên cơ sở ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, chỉnh lý tại các điều quy định về chuỗi nhà thuốc.

Trong đó, có nội dung giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc luân chuyển người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược giữa các nhà thuốc trong chuỗi; quy định trách nhiệm của nhà thuốc trong chuỗi phải tạm dừng hoạt động trong trường hợp cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc tạm dừng hoạt động từ 6 tháng trở lên, chấm dứt hoạt động khi cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc chấm dứt hoạt động.

Về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, trên cơ sở ý kiến đại biểu, để bảo đảm quản lý kịp thời những tình huống có thể phát sinh trên thực tế, ngoài quyền và trách nhiệm đã được quy định tại dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung 1 khoản quy định các cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử phải tuân thủ quy định của Chính phủ về bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử.

Đồng thời, tổng hợp các quy định về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược khi kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử.

Quy định về quản lý giá thuốc

Về quản lý giá thuốc, bà Thúy Anh cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát và thống nhất với đề xuất của Chính phủ trong việc quy định biện pháp công bố giá bán buôn dự kiến áp dụng đối với thuốc kê đơn.

"Chốt" quy định mới về bán thuốc online- Ảnh 2.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Ảnh: Media Quốc hội).

Những điểm mới của dự thảo Luật Dược sửa đổi, bổ sung

Đây là biện pháp đặc thù trong quản lý giá thuốc do thuốc kê đơn chiếm tỉ lệ lớn trên thị trường, được sử dụng nhiều tại cơ sở y tế và người bệnh phải mua theo chỉ định của thầy thuốc.

Bên cạnh đó, quy định Bộ Y tế kiến nghị về mức giá bán buôn thuốc dự kiến với cơ sở kinh doanh thuốc để hạn chế tăng giá thuốc qua mỗi tầng, nấc trung gian và đội giá lên cao khi đến tay người tiêu dùng.

Đồng thời, giữ quy định hiện hành về thặng số bán lẻ tối đa đối với thuốc bán tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Liên quan đến kiến nghị của đại biểu về biện pháp kê khai giá, do nội dung này được thực hiện theo pháp luật về giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết Luật Giá năm 2023 để bổ sung quy định về tiêu chí lựa chọn danh sách các cơ sở phải kê khai giá, bảo đảm thực hiện thống nhất, minh bạch tại các địa phương; đồng thời, theo dõi sát sao khâu tổ chức thực hiện, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để xử lý.

Đề nghị Bộ Y tế định kỳ cập nhật danh mục thuốc thiết yếu để bảo đảm hướng dẫn đầy đủ theo quy định của pháp luật về giá.

Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, tuy nhiên một số quy định sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.