Chốt tốc độ tối đa các tuyến đường sắt đầu mối TP. Hà Nội

Admin
(Chinhphu.vn) - Bộ GTVT cơ bản thống nhất về một số thông số kỹ thuật đường sắt đầu mối TP Hà Nội gồm: tốc độ lớn nhất là 160km/h, tải trọng trục 22,5 tấn/trục, chiều dài tối đa dùng được đường ga thời kỳ tương lai 850m.

Bộ GTVT vừa có Thông báo số 143/TB – GTVT về kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy tại cuộc họp báo cáo cuối kỳ Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội.

Cuộc họp này được tổ chức hôm 14/6 với sự tham gia của ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đại diện các cơ quan thuộc Bộ GTVT, TP. Hà Nội và đơn vị tư vấn lập kỳ Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội kết nối nhiều tuyến đường sắt quan trọng của cả nước, phức tạp; được nghiên cứu, hoàn thiện qua nhiều thời kỳ.

Thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị, Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ GTVT đang triển khai rà soát Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia, lập quy hoạch tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội để làm cơ sở huy động nguồn lực đầu tư hệ thống đường sắt hiện đại, đồng bộ.

Đối với các thông số kỹ thuật chủ yếu, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng về nhu cầu vận tải, vai trò của các tuyến đường sắt, xu thế phát triển về khoa học - công nghệ, kết nối mạng đường sắt trong nước và quốc tế từng thời kỳ đề xuất, lựa chọn bảo đảm hiệu quả, có tầm nhìn lâu dài.

Tốc độ lớn nhất 160km/h

Cơ bản thống nhất về một số thông số kỹ thuật chủ yếu sau: tốc độ lớn nhất V≥160km/h, tải trọng trục 22,5 tấn/trục, chiều dài dùng được đường ga thời kỳ tương lai ≥850m.

Về giải pháp kết nối đường sắt tốc độ cao vào trung tâm Hà Nội, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh, về nguyên tắc, đường sắt tốc độ cao cần kết nối vào ga đầu mối để bảo đảm gom, giải tỏa hành khách thuận lợi thông qua các loại hình vận tải khác. Căn cứ vào điều kiện thực tế, các quy hoạch liên quan thống nhất đề xuất ga Ngọc Hồi là ga đầu mối.

Về giải pháp tổ chức chạy tàu, để tăng tính thuận tiện cho hành khách, yêu cầu tư vấn tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình trên thế giới, dự báo nhu cầu vận tải; phân tích, lựa chọn phương án tổ chức chạy tàu tối ưu cho từng thời kỳ. 

Bộ GTVT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt và quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội, trong đó có vị trí ga Lạc Đạo. Vì vậy, Cục Đường sắt Việt Nam, tư vấn rà soát kỹ về nhu cầu vận tải, xây dựng phương án tổ chức chạy tàu để xác định cụ thể về quy mô các khu chức năng; làm việc với cơ quan liên quan của tỉnh Hưng Yên để thống nhất phương án vị trí, phạm vi và quy mô ga; đề xuất Bộ GTVT họp với UBND tỉnh Hưng Yên (nếu cần thiết).

Về điều chỉnh chức năng ga Bắc Hồng, cần phân tích làm rõ tính hiệu quả của vị trí đặt cơ sở phát triển công nghiệp đường sắt trong khu đầu mối, xác định cụ thể quy mô, đánh giá tính khả thi về quỹ đất để đề xuất cho phù hợp.

Sử dụng tối đa hạ tầng đường sắt đô thị đã đầu tư

Về phương án khai thác chung tàu khách quốc gia khổ 1.435mm với tàu đô thị trên đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi, Gia Lâm - Lạc Đạo, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu phối hợp với các cơ quan liên quan của UBND TP. Hà Nội nghiên cứu trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả tối đa hạ tầng đường sắt đô thị được đầu tư, tạo thuận lợi cho hành khách di chuyển vào trung tâm.

Về điều chỉnh định hướng phát triển đường sắt trên hành lang Hà Nội - Lạng Sơn, lãnh đạo Bộ GTVT thống nhất trước mắt giữ nguyên như Quy hoạch mạng lưới đường sắt được phê duyệt. Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với tư vấn hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Hạ Long - Mong Cái trong thời gian tới để đề xuất phù hợp.

"Tư vấn có trách nhiệm nghiên cứu, phân tích, đề xuất lộ trình đầu tư các tuyến đường sắt bảo đảm phù hợp với nhu cầu vận tải, hiệu quả kết nối mạng lưới đường sắt, nguồn lực đầu tư từng thời kỳ", lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.

Theo báo cáo Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối thành phố Hà Nội của Liên danh Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển giao thông vận tải (CCTDI), phạm vi quy hoạch được nghiên cứu bao gồm từ Hà Nội đến trung tâm các tỉnh giáp ranh gồm: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang. Quy hoạch được lập cho thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch này tiếp tục định hướng phát triển mạng lưới đường sắt khu đầu mối thành phố Hà Nội, đồng thời điều chỉnh một số tuyến đường sắt hướng tâm.

Đơn vị tư vấn đề xuất tại khu vực đầu mối Hà Nội sẽ quy hoạch 8 tuyến đường sắt. Trong đó có 5 tuyến đường sắt hiện hữu và quy hoạch xây mới 6 tuyến đường sắt.

Bên cạnh đó, đề xuất phương án quy hoạch chi tiết ga Ngọc Hồi được xây dựng trong khu tổ hợp Ngọc Hồi tại khu vực xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, là ga đầu mối phía Nam với chức năng chính là đón gửi, lập tàu khách và tàu hàng cho các tuyến đường sắt phía Nam sông Hồng.

Tiếp đó là ga Lạc Đạo mới được xây dựng tại khu vực xã Lạc Đạo và xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên), có chức năng chính là ga lập tàu khách, tàu hàng cho các tuyến đường sắt phía Đông và kết nối, trung chuyển hành khách giữa tàu đường sắt quốc gia và tàu đường sắt đô thị tuyến số 1 Hà Nội.

Ga Yên Thường được xây dựng tại khu vực xã Yên Thường (thành phố Hà Nội) và phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh), chức năng chính là lập tàu hàng cho các tuyến đường sắt phía Bắc sông Hồng.

Ga Yên Viên mới được xây dựng tại khu vực ga Yên Viên hiện nay có chức năng chính là ga lập tàu khách cho các tuyến đường sắt phía bắc sông Hồng và kết nối, trung chuyển hành khách giữa tàu đường sắt quốc gia và tàu đường sắt đô thị tuyến số 1 Hà Nội…

Phan Trang