Chủ động tháo gỡ khó khăn, bảo đảm vận hành thông suốt chuỗi sản xuất – đầu tư – tiêu dùng

Admin
(Chinhphu.vn) - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, chiều 3/7, Bộ trưởng các bộ Xây dựng, Công Thương, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất nhiều giải pháp chủ động tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt nhằm bảo đảm vận hành thông suốt chuỗi sản xuất – đầu tư – tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới trong 6 tháng cuối năm.
Chủ động tháo gỡ khó khăn, bảo đảm vận hành thông suốt chuỗi sản xuất – đầu tư – tiêu dùng- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh thông tin, 6 tháng đầu năm, các công trình, dự án trọng điểm quốc gia cơ bản triển khai theo kế hoạch. Tuy nhiên, thời gian qua vùng núi phía bắc và miền Trung có mưa kéo dài nên ảnh hưởng đến tiến độ.

Ngoài ra, tại một số địa phương, giá cát và giá đá tăng đột biến, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Bộ Xây dựng đã có công văn và soạn thảo văn bản để Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp các địa phương, đồng thời Bộ trưởng cũng đề nghị địa phương quan tâm đến nội dung này, bám sát giá thị trường để đảm bảo tiến độ các dự án.

Riêng về các dự án nhà ở xã hội (NOXH), tính đến hết ngày 27/6, đã hoàn thành 35.631/100.000 căn. Vừa qua, trong tháng 6, đã khởi công 26 dự án với 23.561 căn, tăng hơn 3.000 căn so với cuối tháng 5.

Về thị trường bất động sản, Bộ đã rà soát tổng cộng 788 dự án có khó khăn, vướng mắc và cùng với địa phương tháo gỡ cho 136 dự án. Đối với các dự án còn vướng mắc, Bộ đã tổng hợp để chuyển Bộ Tài chính là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 781 để theo dõi, tháo gỡ.

Tại phiên họp, các bộ trưởng đều có chung nhận định, trong 6 tháng đầu năm, tình hình thế giới phức tạp, trong khi đó trong nước diễn ra cuộc cách mạng bộ máy, tinh gọn đầu mối và phân định lại địa giới hành chính và chính quyền địa phương 2 cấp, cũng là thời điểm nước ta sửa đổi rất nhiều cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật.

Chủ động tháo gỡ khó khăn, bảo đảm vận hành thông suốt chuỗi sản xuất – đầu tư – tiêu dùng- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng với các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuy nhiên, dù có nhiều thay đổi nhưng kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng 9,23% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 2 con số (11,11%), là mức cao nhất trong nhiều năm gần đây.

Thương mại trong nước tiếp tục tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng tăng 9,3% so với cùng kỳ, nguồn cung hàng hóa phong phú, giá cả tương đối ổn định, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Thương mại điện tử tăng trưởng rất nhanh, 6 tháng đầu năm tăng 25%, vượt kế hoạch đề ra (19%). Xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng với các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 16% so với cùng kỳ…

Ở lĩnh vực tài chính – ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến ngày 26/6, tín dụng tăng 8,3% so với cuối năm trước, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy chính sách tín dụng đang đóng góp cho tăng trưởng kinh tế khi mà lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, tỉ giá bình quân thị trường liên ngân hàng tăng 2,4%...

Chủ động tháo gỡ khó khăn, bảo đảm vận hành thông suốt chuỗi sản xuất – đầu tư – tiêu dùng- Ảnh 3.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Tính đến ngày 26/6, tín dụng tăng 8,3% so với cuối năm trước, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, nhất là những thay đổi mang tính cách mạng về thể chế và cơ chế, chính sách thì một số vấn đề phức tạp, khó khăn cần được theo dõi sát để sớm có biện pháp kịp thời. Điển hình như ứng phó với chính sách thuế quan của Hoa Kỳ - sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của thế giới, trong đó có nước ta; các thị trường xuất khẩu chính cũng có những thay đổi về chính sách; rủi ro đứt gãy về chuỗi cung ứng do chiến tranh thương mại; xung đột khu vực và căng thẳng biên giới Campuchia-Thái Lan sẽ tác động đến bảo đảm nguồn cung, nhất là mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% năm 2025, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ bộ máy mới vận hành thông suốt, hiệu quả và thực hiện các nhiệm vụ mới phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền để không làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình, dự án, đề án trọng điểm và các hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đồng thời, kiến nghị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ rà soát, tiến độ sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế nhằm khơi thông nguồn lực; tập trung hướng dẫn triển khai các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua. Khẩn trương rà soát, điều chỉnh một cách chiến lược quy hoạch các cấp phù hợp với không gian phát triển mới và tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án trên địa bàn…

Đối với các địa phương, Bộ Công Thương kiến nghị khẩn trương rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cấp tỉnh để phù hợp với không gian lãnh thổ mới và phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, đồng thời rà soát bổ sung quy hoạch sử dụng đất của địa phương phù hợp với quy hoạch tỉnh để có đủ cơ sở pháp lý triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát, đánh giá kịp thời tháo gỡ thực chất và hiệu quả những khó khăn vướng mắc của các dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là các dự án về năng lượng, bất động sản để giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương…

Anh Thơ

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Vốn FDI đổ vào bất động sản tăng mạnh trong quý IVốn FDI đổ vào bất động sản tăng mạnh trong quý I
Tham khảo thêm
Những 'gam màu sáng’ của thị trường bất động sản quý I/2025Những 'gam màu sáng’ của thị trường bất động sản quý I/2025