Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam: Nhận diện, đánh giá đúng nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”

Admin
Ngày 5/4, tại tỉnh Quảng Ninh, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp Tạp chí Pháp luật và Phát triển tổ chức Hội thảo quốc tế Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc chúc mừng Báo Pháp luật Việt Nam của Bộ Tư pháp và Tạp chí Pháp luật và Phát triển của Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề hết sức thú vị và có tính lý luận cao - nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Đây là nguyên tắc có thể được phân tích, mổ xẻ từ nhiều góc độ khác nhau, áp dụng cho nhiều lĩnh vực của cuộc sống, trong đó có lĩnh vực đầu tư trực tiếp.

Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, trường Đại học Luật Hà Nội đã đưa vào giảng dạy nhiều năm bộ môn Kinh tế luật để nêu về ý nghĩa, tầm quan trọng của thể chế đối với phát triển kinh tế bền vững. Giải thưởng Nobel kinh tế năm 2024 cũng là một giải thưởng kinh tế đặc biệt khi những người được nhận giải thưởng đã chứng minh được sự gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế và thể chế.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam: Nhận diện, đánh giá đúng nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”- Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc hội thảo.

Ông Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tạo lập một môi trường pháp lý công bằng, bền vững là yêu cầu cấp bách. Đặc biệt, nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" không chỉ là lẽ sống của mỗi người, mà còn là một cơ sở quan trọng để bảo đảm sự cân bằng giữa các bên liên quan từ nhà đầu tư đến Chính phủ/Nhà nước, xã hội, người dân cần được ghi nhận để phát triển bền vững.

Tuy nhiên, việc thể chế hóa nguyên tắc này trong pháp luật và tổ chức thi hành nguyên tắc là thách thức do bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Đây là lúc cần pháp luật để bảo đảm công bằng, minh bạch và áp dụng thống nhất.

Trong những năm qua, nước ta đã đạt nhiều thành tựu trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với thay đổi, hoàn thiện pháp luật. Một trong những lĩnh vực pháp luật có sự thay đổi, bổ sung và hoàn thiện nhiều nhất là pháp luật kinh tế, kinh doanh.

Chính điều này đã đem lại sự hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam với những số liệu, sự khẳng định từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, từ thực tiễn, có thể thấy vẫn còn một số vấn đề, tồn tại, hạn chế mà chúng ta cần khắc phục.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc chia sẻ, chủ đề của hội thảo rất hay và không khó để thảo luận vì bản thân nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" có thể áp dụng trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam: Nhận diện, đánh giá đúng nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”- Ảnh 2.

Quang cảnh Hội thảo quốc tế Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp.

Tuy nhiên, sẽ có nhiều khó khăn khó khăn bởi nguyên tắc này chưa được rõ ràng, minh định trong cả ba khâu quan trọng (xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, giải quyết tranh chấp). Ngoài ra, còn kể đến trong đầu tư trực tiếp thì các nguyên tắc tự do thoả thuận, tự do hợp đồng, tự do đưa ra các cam kết thì việc thực thi chúng làm cho nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" càng khó xác định hơn. Nhất là trong bối cảnh đầu tư nước ngoài đến từ nhiều nước khác nhau, nhiều nền văn hoá khác nhau.

Nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao việc tổ chức hội thảo tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu, hoạt động thực tiễn cùng nhận diện, đánh giá đúng được nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" từ góc độ thể chế, làm cách nào để nguyên tắc này được quy định trong pháp luật để khi xảy ra tranh chấp có thể được áp dụng đúng.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam bày tỏ mong muốn, qua Hội thảo quốc tế Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp sẽ, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp và đưa ra được những đề xuất, kiến nghị cho việc hoàn thiện nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" trong thời gian tới.