
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam phát biểu tại diễn đàn- Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Đây cách làm của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) được ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty chia sẻ tại Diễn đàn "Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc". Diễn đàn do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Sơn La và Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức hôm nay (1/7).
Diễn đàn đã quy tụ lãnh đạo ngành nông nghiệp nhiều địa phương miền núi phía Bắc, các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản va nhiều nhà khoa học lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Các chia sẻ cho thấy các địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã sẵn sàng để xây dựng một vùng Tây Bắc trù phú hơn.
Từ câu chuyện nông sản Sơn La
Tỉnh Sơn La hiện là vùng sản xuất nguyên liệu nông nghiệp lớn của cả nước với hơn 100.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 85.000 ha cây ăn quả. Đặc biệt, tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh xoài, nhãn, chanh leo, mận hậu…
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh Sơn La đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, bền vững, nơi cây trồng không chỉ là sinh kế, mà còn là sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có chỗ đứng trên thị trường. Sơn La đang mở ra một chương mới trong phát triển nông nghiệp miền núi phía Bắc, gắn công nghệ, thị trường và đời sống người dân trong một chiến lược hài hòa và dài hạn.
Ông Công nhấn mạnh, tỉnh xác định rõ nông nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải đi vào chiều sâu, nâng cao hàm lượng chế biến sau thu hoạch, thúc đẩy sản phẩm đặc sản, có thế mạnh gắn với thị trường.
Trong đó, công nghệ sau thu hoạch sẽ quyết định chất lượng và giá trị thương phẩm, là khâu cần được tập trung đầu tư. Sản xuất nông nghiệp được tổ chức theo chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Vì thế, tỉnh đặt mục tiêu quy hoạch sản xuất theo vùng phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong khâu chăm sóc, đặc biệt là kiểm soát sâu bệnh hại trên cây ăn quả và cà phê.
"Một trụ cột trong chiến lược phát triển sắp tới là ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cảm biến môi trường, tưới thông minh… được xem là hướng đi tất yếu nhằm tăng năng suất, giảm chi phí và đảm bảo chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và xuất khẩu", ông Công nhấn mạnh.
Ông Công chia sẻ, để đạt được kết quả hôm nay, Sơn La đã trải qua những bài học rất quý báu, khó khăn. "Không ai đi một mình được, Tây Bắc sẽ đoàn kết để cùng phát triển nông nghiệp xứng với sự mong mỏi của người dân và những kỳ vọng của doanh nghiệp cũng như Chính phủ", ông Công bày tỏ.

Diễn đàn quy tụ được lãnh đạo nhiều địa phương miền núi phía Bắc, các doanh nghiệp và nhiều nhà khoa học lớn trong lĩnh vực nông nghiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết: "Trong những năm gần đây, các sản phẩm như cà phê, chè, cây ăn quả đặc sản đã được tỉnh ưu tiên phát triển và đạt được nhiều thành tựu. Diện tích trồng cà phê ở Tây Bắc tăng 54% và sản lượng tăng 265% trong 10 năm qua".
Theo ông Lê Quốc Doanh, một trong những khó khăn mà Tây Bắc đang phải đối diện là các tổ hợp sản xuất nông nghiệp mới đòi hỏi quy trình canh tác và quản lý khác với cây trồng truyền thống. Tuy nhiên, ông Doanh lưu ý, tỷ lệ chứng nhận chất lượng sản phẩm vẫn chưa cao bằng các vùng khác. Một trong những khó khăn mà Tây Bắc đang phải đối diện là các tổ hợp sản xuất nông nghiệp mới như cây ăn quả, cây dược liệu đòi hỏi quy trình canh tác và quản lý khác với cây trồng truyền thống.
Do đó, các tỉnh Tây Bắc cần có thông tin khoa học, phổ biến kiến thức để nông dân tiếp cận và áp dụng các kỹ thuật mới.
"Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Cần có sự hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp và địa phương để tháo gỡ các khó khăn", ông Doanh nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam đã ghi nhận các ý kiến và đề xuất nhiều nhóm giải pháp nhằm phát triển bền vững nông sản vùng Tây Bắc.
Đó là tái cơ cấu sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, hoàn thiện xác định vùng cây ăn quả chủ lực đến cấp xã, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị, phấn đấu đến năm 2030 có 70 - 80% sản phẩm tiêu thụ qua hợp đồng; phát triển công nghiệp chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch, lấy Sơn La làm hạt nhân, thúc đẩy chế biến đa dạng sản phẩm theo mô hình kinh tế tuần hoàn; mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ nội địa và xúc tiến xuất khẩu ra quốc tế; ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu mở và phát triển giống cây trồng thích ứng khí hậu.
"Đặc biệt cần tăng cường hợp tác quốc tế, huy động vốn đầu tư cho hạ tầng chế biến và logistics; hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù, ưu đãi cho doanh nghiệp, hợp tác xã tại vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá nông sản Tây Bắc qua các kênh trực tuyến, thương mại điện tử và xây dựng bản đồ số vùng nguyên liệu", Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.
Đỗ Hương