Hai lần nhận tổng 9 tỷ đồng qua số tài khoản
Các vụ án đưa và nhận hối lộ được làm rõ gần đây cho thấy, khi thực hiện hành vi các đối tượng thường dùng tiền mặt và đưa trực tiếp với nhiều cách thức khác nhau. Tuy nhiên, vụ án liên quan đến cán bộ tại Bộ Công Thương dưới đây thì đối tượng lại sử dụng hình thức chuyển khoản.
Cụ thể, mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra vụ án Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Bộ Công Thương, Công ty cổ phần Thương mại Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bách Khoa Việt, Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Long Hưng và các đơn vị liên quan.
Trong đó, ông Nguyễn Lộc An - cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ; ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Long Hưng về tội Đưa hối lộ.
Theo kết luận điều tra, cuối năm 2012, Trần Thị Loan Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty Bách Khoa Việt quen ông An khi đó là Phó vụ trưởng phụ trách mảng xăng dầu, khí đốt.
Đầu năm 2013, Phương nhờ ông An giúp Bách Khoa Việt kinh doanh cây xăng và được ông An hướng dẫn thành lập pháp nhân kinh doanh khí hóa lỏng, thuê cây xăng có sẵn để kinh doanh nhỏ lẻ trước.
Đầu năm 2015, Bách Khoa Việt xin Bộ Công Thương cấp giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu. Thời điểm đó, ông An được giao làm Trưởng đoàn kiểm tra điều kiện thực tế của Bách Khoa Việt.
Quá trình kiểm tra trước khi cấp giấy xác nhận đủ điều kiện, bà Loan đến gặp ông An và "cảm ơn" 200 triệu đồng. Thời gian ngắn sau đó, doanh nghiệp này được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện.
Đến khoảng tháng 8/2015, tại nhà của ông An (quận Ba Đình, Tp.Hà Nội), Phương nhờ ông An giúp Bách Khoa Việt được làm thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.
Ông An đồng ý và nói "cứ làm đi, An sẽ giúp". Trong lúc nói chuyện, An "tâm sự" đang có ý định mua một căn nhà to hơn nhưng không đủ tiền và gợi ý bà Phương hỗ trợ. Bà Phương hiểu Bách Khoa Việt đang hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu do An phụ trách và sắp tới còn phải được An giúp mới có thể được nâng cấp lên làm thương nhân đầu mối. Do đó, Phương đồng ý hỗ trợ.
Đầu tháng 9/2015, ông An gọi điện bảo bà Phương hỗ trợ 9 tỷ đồng để mua nhà, vị này dặn dò bà phương chuyển khoản vào số tài khoản của vợ mình.
Bà Phương đồng ý và chỉ đạo Đào Trung Kiên - Giám đốc Công ty Bách Khoa Việt thực hiện chuyển tiền. Sau đó, vị Giám đốc lại bảo vệ của công ty là Bạch Hùng Sơn chuyển khoản 5 tỷ đồng vào ngày 8/9/2015 và 4 tỷ đồng vào ngày hôm sau tới vợ ông An.
Nội dung chuyển khoản được ghi: "Bach Hung Son CT Mua dat".
Năm 2016, Bách Khoa Việt làm thủ tục hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu và gửi văn bản đề nghị cấp giấy phép tới Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, do chưa đạt một số yêu cầu, ông An thừa lệnh của Bộ trưởng Công Thương ký văn bản trả lời Bách Khoa Việt về việc chưa chấp thuận.
Dù vậy, ông An đã hướng dẫn bà Phương hợp thức các điều kiện cấp phép. Sau khi hoàn thiện, Bách Khoa Việt gửi lại hồ sơ tới Bộ Công Thương.
Ngày 20/5/2016, Bộ Công Thương thành lập Đoàn kiểm tra, giao ông An làm trưởng đoàn cùng 5 thành viên khác.
Theo thống nhất trước với Bách Khoa Việt, sáng 29/5/2016, đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ.
Chiều cùng ngày, Đoàn sẽ đi kiểm tra thực tế nhưng cơ quan điều tra xác định, Đoàn đã không thực hiện kiểm tra hết toàn bộ hệ thống cửa hàng, đại lý; không kiểm tra thực tế tại kho tiếp nhận xăng dầu và cầu cảng do Bách Khoa Việt thuê.
Tuy nhiên, đến ngày 31/5/2016, Đoàn kiểm tra và Công ty Bách Khoa Việt đã ký biên bản, trong đó kết luận Công ty Bách Khoa Việt "đáp ứng đủ các điều kiện quy định".
Ngày 4/6/2016, ông An ký văn bản gửi Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải báo cáo và đề nghị xem xét, quyết định việc ban hành Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Bách Khoa Việt. Ngày 6/6/2016, ông Hải ký giấy phép trên cho Bách Khoa Việt.
Vợ "bắt lấy lại" 5 tỷ đồng
Theo kết luận điều tra, khi thực hiện quy trình kiểm tra, cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Long Hưng, ông An cũng tạo điều kiện tương tự như Bách Khoa Việt.
Đến khoảng tháng 7/2015, ông Nguyễn Tuần Quỳnh – nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Long Hưng gặp ông An tại Hà Nội và được An tâm sự là đang có nhu cầu mua nhà tại khu đấu giá Vườn Đào, quận Tây Hồ.
Đến đầu tháng 9/2015, Quỳnh đến nhà An ăn cơm thì được An nói hỗ trợ An số tiền 10 tỷ đồng để mua căn nhà kể trên. Quỳnh thấy An đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho Công ty Long Hưng và An có quyền hạn kiểm tra điều kiện, đề nghị thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của Công ty Long Hưng bất kỳ lúc nào nên Quỳnh đồng ý và hứa hỗ trợ.
Khi đó, An đưa cho Quỳnh số tài khoản của vợ An để Quỳnh chuyển tiền. Đến ngày 9/9/2015, Quỳnh nói với vợ chuẩn bị 5 tỷ đồng để lo công việc. Sau đó, vợ Quỳnh đã chỉ đạo nhân viên Công ty Long Hưng nộp 5 tỷ đồng vào tài khoản của vợ ông An. Cùng ngày, Quỳnh chuyển thêm 5 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, khi Quỳnh nói chuyện với vợ về mục đích của 10 tỷ đồng trên, vợ Quỳnh đã phản đối. Do đó, Quỳnh trao đổi lại với ông An rằng Công ty Long Hưng chỉ giúp 5 tỷ đồng, còn lại là cho vay.
Thấy vậy, ông An đồng ý và trả lại 5 tỷ đồng cho ông Quỳnh. Do đó, Cơ quan điều tra cáo buộc ông An đã nhận hối lộ tổng số tiền 14,2 tỷ đồng từ 2 doanh nghiệp.