Có cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với người có tài năng xuất sắc

Admin
(PNTĐ) - Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 28/5 về Luật Thủ đô sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, cần đưa ra những cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với người có tài năng xuất sắc trong bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể để khuyến khích, tạo điều kiện cho họ hành nghề và truyền nghề hiệu quả, mang lại giá trị cuộc sống thiết thực.

Tin liên quan

Đại biểu Quốc hội đề nghị Hà Nội tập trung xây những trường chuẩn quốc gia mẫu mực

Cần phân cấp mạnh hơn cho Thủ đô

Luật Thủ đô sửa đổi sẽ tạo điều kiện, cơ chế phát triển xứng tầm Thủ đô

Yêu cầu về quản lý mọi mặt của Thành phố

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho biết, quy định phát triển văn hóa ở khoản 1 Điều 21 việc của dự thảo luật, trong đó nêu các yêu cầu xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa lương tri và phẩm giá con người Việt Nam là thể chế hóa đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 

Có cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với người có tài năng xuất sắc - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) - ảnh Quốc hội.

Tuy nhiên, cần đưa ra những cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với người có tài năng xuất sắc trong bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể để khuyến khích, tạo điều kiện cho họ hành nghề và truyền nghề hiệu quả, mang lại giá trị cuộc sống thiết thực.

Bày tỏ tán thành quy định về khu thương mại và văn hóa tại khoản 7 Điều 21, tuy nhiên theo đại biểu, dự thảo chỉ mới quy định việc thành lập tổ chức hoạt động và quản lý đối với thương mại. Các điểm b của Điều này có nêu về chi cho hoạt động văn hóa, điểm c nêu quy định về việc đảm bảo các điều kiện về văn hóa, kinh doanh phát huy giá trị văn hóa. 

Trong khi đó, yêu cầu của quy định này là phát triển khu thương mại văn hóa là phát triển thương mại gắn với văn hóa và cần định hình được văn hóa thương mại trong phát triển. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh.

Đồng tình với quy định trong dự thảo luật về chính quyền đô thị, theo đại biểu, tại Điều 9, qua thảo luận tại kỳ họp trước và kỳ họp lần này còn có ý kiến chưa thống nhất với quy định này, nhưng quy định như dự thảo là phù hợp. 

“Bởi thành phố Hà Nội có vị trí, vai trò là Thủ đô của đất nước, là trái tim, bộ mặt của quốc gia, vì vậy yêu cầu về quản lý mọi mặt của thành phố không đơn thuần và tương tự như các địa phương khác”.- đại biểu nhấn mạnh.

Hơn nữa, Hà Nội có dân số đông, các giao dịch hành chính diễn ra nhiều, phức tạp, yêu cầu quản lý rất cao. Nhưng định biên hàng năm giảm về viên chức và cán bộ hành chính, trong khi công việc ngày càng gia tăng, dẫn đến áp lực thực hiện nhiệm vụ nhất là đối với công chức. 

Về việc không tổ chức Hội đồng nhân dân phường, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp của thành phố đã giảm đi đáng kể và tới đây sẽ tiếp tục giảm khi một số huyện của thành phố phát triển thành quận. 

Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách, cũng cần phải bố trí phân công nhiệm vụ làm việc trong các Ban của Hội đồng nhân dân để làm việc thường xuyên, liên tục, giúp thực hiện công việc theo dõi giám sát và chuẩn bị các nội dung công việc trình Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư công và tư nhân

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, Hà Nội không chỉ là trung tâm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, và giáo dục mà còn là biểu tượng của sự phát triển, đoàn kết và thịnh vượng của đất nước và được ví như “trái tim của cả nước”. Do đó, đại biểu đồng tình với sự cần thiết và nhiều nội dung của dự thảo Luật. 

Có cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với người có tài năng xuất sắc - ảnh 2
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) - ảnh Quốc hội

Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình góp ý một số nội dung: Về vị trí vai trò của Thủ đô (Điều 2), đại biểu đề nghị bổ sung Khoản 2 Điều 2: “Thủ đô cũng là trung tâm y tế và chăm sóc sức khỏe lớn nhất của cả nước”. Theo đại biểu, điều này nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hà Nội trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe và y tế ngày càng tăng. 

Đồng thời bổ sung vào Khoản 3 Điều 2 nội dung các cơ quan quan trọng khác để đảm bảo tính bao quát và rõ ràng hơn về các cơ quan Trung ương đặt tại Thủ đô.

Về giải thích từ ngữ, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị bổ sung thêm Khoản 7 Điều 3 quy định: “Khu vực đặc quyền kinh tế là khu vực xác định trong quy hoạch chung Thủ đô, có chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế, đất đai và đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, thu hút đầu tư vào những khu vực được quy hoạch, thúc đẩy kinh tế Thủ đô.

Về trách nhiệm xây dựng phát triển quản lý và bảo vệ Thủ đô (Điều 5), đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 5 theo hướng “Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp và liên tục của các cấp chính quyền, người dân thành phố Hà Nội; đồng thời là trách nhiệm chung của các cơ quan tổ chức, lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân cả nước”.

Về tổ chức chính quyền ở TP Hà Nội (Điều 8, Điều 9 và Điều 10), đại biểu đề nghị sửa đổi Khoản 1 Điều 8 theo hướng “Chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân với cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn rõ ràng, phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương”. 

Sửa đổi Khoản 3 Điều 9 theo hướng: “Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được thành lập không quá 05 Ban để tham mưu về các lĩnh vực cụ thể, nhằm đảm bảo hiệu quả và tránh sự phân tán quyền lực”. 

Bổ sung Khoản 5 Điều 10 theo hướng: “Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có quyền đề xuất và thực hiện các biện pháp khuyến khích đầu tư và phát triển bền vững, nhằm tăng cường sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô”.

Về chính sách đặc thù (Điều 34), đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung 01 khoản hoặc sửa đổi, bổ sung tại Điều 34 khái quát theo hướng: “Thủ đô Hà Nội được áp dụng các chính sách đặc thù về tài chính, đất đai và đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư công và tư nhân”.