Một phụ nữ 22 tuổi, chỉ sau 3 ngày kết hôn, đã tự tử tại Ponneri, Chennai, Ấn Độ. Nguyên nhân được cho là do bị chồng và gia đình chồng đòi thêm của hồi môn.
Người phụ nữ xấu số là Lokeshwari, đã kết hôn vào ngày 27/6.
Vào ngày 30/6, sau khi về thăm nhà bố mẹ cùng chồng, cô được cho là đã kết liễu cuộc đời mình trong phòng vệ sinh sau một cuộc cãi vã về yêu cầu của hồi môn.
Theo đơn khiếu nại do cha cô, Gajendran, nộp lên đồn cảnh sát Ponneri, người chồng được cho là đã đòi thêm vàng, một chiếc máy điều hòa và các vật dụng gia đình khác từ cha mẹ Lokeshwari.

Cảnh sát cho biết đã xảy ra cãi vã giữa cặp đôi trước khi Lokeshwari nhốt mình trong phòng vệ sinh và tự tử.
Gia đình cô gái xấu số cáo buộc rằng mặc dù họ đã đồng ý trao 5 đồng vàng — một đồng vàng tương đương khoảng 8 g vàng — làm của hồi môn, họ chỉ trao 4 đồng vào thời điểm diễn ra lễ cưới. Gia đình chồng bị cáo buộc đã gây sức ép với họ để lấy số vàng còn lại, dẫn đến cuộc đối đầu.
Gia đình chú rể đã phủ nhận cáo buộc, khẳng định họ không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào về của hồi môn.
Cảnh sát Avadi nói với India Today rằng vụ án đã được lập biên bản và đang tiến hành bắt giữ người chồng. Cuộc điều tra tiếp theo đang được tiến hành.
Tại Ấn Độ, rất nhiều nơi vẫn còn có tục lệ phụ nữ khi kết hôn phải trả cho gia đình nhà trai một khoản hồi môn lớn dù Ấn Độ đã cấm thông lệ này từ hơn 60 năm trước.
Hành vi quấy rối hoặc tống tiền để đòi của hồi môn là một hành vi phạm tội. Tuy nhiên, tục lệ này vẫn tồn tại, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, với quan niệm phụ nữ là gánh nặng kinh tế khi được cưới về và nhà gái cần phải bồi thường cho nhà trai. Các hãng truyền thông địa phương thường xuyên đưa tin về những cuộc tranh chấp tài sản trong hôn nhân mà kết thúc bằng những vụ án mạng.
Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia của Ấn Độ ghi nhận gần 7.000 vụ giết người liên quan đến của hồi môn vào năm 2020, tức khoảng 19 phụ nữ mỗi ngày. Ngoài ra, hơn 1.700 phụ nữ cũng đã tự sát vào năm đó vì "các vấn đề liên quan đến của hồi môn". Dù vậy, các chuyên gia cho biết, số vụ việc thực tế cao hơn nhiều. Cũng theo các chuyên gia, nguyên nhân cơ bản là do sự chấp nhận rộng rãi của xã hội đối với bạo lực gia đình, khiến phụ nữ không đứng lên chống lại sự áp bức và hành hạ.
Minh Hoa (t/h)