Công chúng Ukraine phẫn nộ sau khi chính phủ công kích uỷ ban giám sát tham nhũng

Admin
Quyết định thông qua Đạo luật 12414, với nội dung đặt hai cơ quan giám sát tham nhũng chính của Ukraine dưới quyền quản lý của chánh công tố viên do tổng thống bổ nhiệm, được coi là một hành động thể hiện sự hoảng loạn.

Được công bố tại một cuộc họp uỷ ban tổ chức một cách vội vã vào ngày 22/7 vào lúc 8h sáng theo giờ địa phương, cuộc họp không có sự góp mặt của lãnh đạo uỷ ban cũng như phần lớn các thành viên. Vào buổi chiều, đạo luật này đã được nhanh chóng đưa tới văn phòng tổng thống để được ký kết. Văn phòng ông Volodymyr Zelenskiy đã nhận thấy đạo luật này có số phiếu phù hợp để được thông qua, với 263 phiếu thuận và 13 phiếu chống. Tuy nhiên cuộc bỏ phiếu nhằm cắt giảm quyền lực của những cơ quan chống tham nhũng này đã khiến sự nghi ngờ bao trùm lên tương lai của Ukraine.

Vụ việc tại Ukraine lần này là kết quả của nhiều tuần nhen nhóm, sau khi xảy ra nhiều vụ việc có thể được coi là hành động triệt tiêu bất đồng nội bộ. Trong đầu tháng 7, chính phủ Ukraine đã cản trở quyết định bổ nhiệm Oleksandr Tsyvinsky, một điều tra viên nổi trội, vào vai trò Giám đốc cục An ninh Kinh tế. Ngay sau đó là một quyết định được coi là mang tính thao túng chính trị, bắt giữ Vitaliy Shabunin, một nhà hoạt động chống tham nhũng nổi trội. 

Giữa tháng 7, chính phủ Ukraine đã rung chuyển sau khi nhiều cá nhân siêu trung thành được bổ nhiệm bao gồm một thủ tướng mới. Sau đó, vào ngày 21/7, vụ an ninh nội địa và văn phòng chánh công tố đã tổ chức hàng chục vụ bắt giữ nhằm vào các thành viên của NABU và SAPO – các cơ quan điều tra và xét xử của hệ thống chống tham nhũng tại Ukraine, được thành lập dưới sự giám sát của các nước phương Tây sau cuộc khởi nghĩa Maidan vào năm 2014. Các sĩ quan trên đã bị cáo buộc có hành vi tham nhũng và có quan hệ phi pháp với Nga.

Những diễn biến đó đã có thể lẫn vào trong cơn hỗn loạn của chính trường nội bộ Ukraine. Những cuộc điều tra nhằm vào những cá nhân bị bắt giữ vẫn đang được thực hiện, nhưng nếu không có đầy đủ thông tin, thì những cá nhân đó hoàn toàn có thể đã phạm tội. Việc một số nhà hoạt động chống tham nhũng tại Ukraine hành động một cách quá mạnh bạo phần nào gây phân cực trong quan điểm cộng đồng, khiến họ không có được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, việc chính phủ Ukraine tổ chức tấn công trực diện nhằm vào những cơ quan chống tham nhũng được thành lập từ thời kỳ Maidan ám chỉ nguyên nhân có phần mờ ám. Các nguồn tin cho biết, đạo luật được thông qua lần này có thể đã được châm ngòi bởi việc NABU đã tổ chức điều tra các hành vi của một số cá nhân trong nội bộ văn phòng chính phủ.

Các cuộc công kích nhằm vào cơ quan chống tham nhũng của Ukraine đã gây sốc đối với nhiều người trong chính nội bộ chính quyền của ông Volodymyr Zelenskiy. Một quan chức nhận định sự vội vã trong việc thông qua đạo luật lần này cũng như quy mô của nó gợi nhớ lại các đạo luật chống biểu tình khét tiếng được thông qua vào ngày 16/1/2014. Một cá nhân khác trong nội bộ cho biết, văn phòng tổng thống đã tận dụng thời cơ phần nào có thể tránh bị cáo buộc sau khi đã giành được phần nào sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Cá nhân này cho biết: "Có vẻ chính phủ đang chuyển sự chú ý sang kẻ thù từ bên trong". Tuy nhiên, đối với Yaroslav Zheleznyak, một quan chức đã có mặt trong cuộc bỏ phiếu tại Rada, ý nghĩa của những tiến triển này đơn giản hơn nhiều. Ông nhận định: "Ngày hôm nay, 263 quan chức đã hợp pháp hoá tham nhũng. Thông điệp của họ vô cùng đơn giản: Anh có thể làm bất cứ điều gì anh muốn, chừng nào anh trung thành với bộ máy nhà nước".

Vào tối 22/7, ông Zelenskiy đã ký Đạo luật 12414. Theo tờ The Economist, liên minh châu Âu EU, một trong những chính quyền hậu thuẫn chính của Ukraine, đã hối thúc ông cân nhắc lại. Trên mạng xã hội, trước khi đạo luật được ký kết, cao uỷ về phát triển tổ chức của EU, Marta Kos, đã khẳng định quyết định này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thương lượng yêu cầu tham gia liên minh này của Ukraine. 

Bà đã viết: "Những cơ quan độc lập như NABU và SAPO đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mục tiêu tham gia EU của Ukraine". 

Tại Kyiv, đại sứ của các nước nhóm G7 đã công bố một phát biểu chung, thể hiện "sự lo ngại sâu sắc". Tuy nhiên, những quan điểm này không mang lại nhiều ảnh hưởng. Khi chính phủ Mỹ dưới quyền Tổng thống Donald Trump không còn quan tâm tới nỗ lực cải tổ của Ukraine, Ukraine đã bắt đầu hướng về châu Âu, G7 và IMF để có được sự hướng dẫn. Ông Zhelezynak cho biết, Ukraine đã chỉ nhận được những phản ứng thờ ơ trước những quyết định gây thụt lùi dân chủ, "chúng bị coi là những phản ứng yếu ớt, và nhiều người đã chớp thời cơ đó".

Nguyễn Quang Minh (Theo The Economist)