Sáng 23/5, chia sẻ bên hành lang Quốc hội liên quan đến độ nóng của giá vé máy bay hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng tỉ lệ thuế, phí trong giá vé máy bay (phần do Bộ Tài chính quản lý) được thu theo quy định và hiện chiếm rất ít trong cơ cấu giá vé.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh các loại phí mà dư luận cho rằng chiếm tỉ trọng cao trong giá vé chính là phí dịch vụ như phí đỗ máy bay, sân bay... và khoản phí này do ngành giao thông quản lý.
Liên quan đến quan điểm của người đứng đầu ngành Tài chính, ngay trong ngày 24/5, Cục Hàng không Việt Nam đã thông tin chính thức về cơ cấu giá vé máy bay hiện nay đồng thời khẳng định giá vé máy bay cao không phải chủ yếu do giá dịch vụ của ngành hàng không. Cụ thể, cơ cấu chi phí 1 chuyến bay, gồm:
Thứ nhất, chi phí nhiên liệu hàng không (37%-42%); trong đó, chi phí thuế do Bộ Tài chính quy định chiếm tỉ trọng từ 7,7%-8,7% tổng chi phí 1 chuyến bay.
Cụ thể, các khoản phí thuế do Bộ Tài Chính quản lý gồm Thuế nhập khẩu nhiên liệu bay (chiếm tỉ trọng 2,3%-2,6% tổng chi phí 1 chuyến bay); Thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay (chiếm tỉ trọng 2%-2,3% tổng chi phí 1 chuyến bay), mức thu 1.000 đ/lít được áp dụng đến hết năm 2024 (hưởng chính sách giảm thuế); Thuế GTGT đối với nhiên liệu bay (chiếm tỉ trọng 3,4%-3,8% tổng chi phí 1 chuyến bay và hiện hãng bay được hoàn lại); Thuế giá trị gia tăng 8% - 10% (tùy giai đoạn).
Thứ hai, chi phí thuê mua tàu bay, sửa chữa bảo dưỡng tàu bay (32%-41%)
Thứ ba, chi phí phục vụ chuyến bay (6%-7%), bao gồm cả các dịch vụ do Bộ GTVT định giá và các dịch vụ do doanh nghiệp quyết định.
Trong đó, Bộ GTVT chỉ quy định 3 loại chi phí gồm phục vụ chuyến bay, phí sân bay và an ninh soi chiếu. Trong đó, chi phí phục vụ chuyến bay thường chỉ chiếm 6-7% tổng giá vé. Nhóm chi phí này gồm tiền thu cất/hạ cánh, thuê sân đỗ máy bay, thuê quầy thủ tục hành, cầu dẫn khách lên xuống máy bay, phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất, phân loại hành lý, dịch vụ tra nạp xăng dầu.
Còn giá phụ vụ hành dao động từ 60.000-100.000 đồng tùy sân bay, phí soi chiếu 20.000 đồng một hành khách mỗi lượt. Tuy nhiên, đây là các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh
Thứ tư là chi phí bán hàng, quản lý, chi phí khác (16%-19%)… do doanh nghiệp quản trị.
Từ phân tích trên, Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh cơ quan nhà nước có thể điều tiết giảm chi phí chuyến bay thông qua việc giảm chi phí liên quan đến nhiên liệu. Cụ thể là giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu, thuế bảo vệ môi trường, thuế GTGT (hiện đang chiếm 7,7%-8.7% tổng chi phí 1 chuyến bay);
Cách thứ hai là điều tiết giảm chi phí chuyến bay một phần thông qua việc giảm phần chi phí dịch vụ do Bộ GTVT định giá (tác động không lớn).
Ngoài ra, do chi phí liên quan đến gốc ngoại tệ chiếm khoảng 80% chi phí của 1 chuyến bay. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền có các biện pháp điều hành tỉ giá phù hợp.