Cuộc bỏ phiếu quan trọng đầu tiên tại Quốc hội Pháp khóa mới

Admin
Cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội (Hạ viện) Pháp rất quan trọng vì phần lớn những gì xảy ra tiếp theo sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc bỏ phiếu này.

577 thành viên mới được bầu của Quốc hội Pháp khi hội tụ lần đầu tiên ở Paris vào ngày 18/7 sẽ đối mặt với một "bài kiểm tra" quan trọng: Bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hạ viện mới.

Chủ tịch Hạ viện là vị trí có xếp hạng cao thứ 4 ở Pháp, chịu trách nhiệm tổ chức chương trình nghị sự của nghị viện và điều hành các cuộc tranh luận. Bất kỳ chính đảng nào cũng mong muốn người của mình giành được vị trí chủ chốt như vậy.

Ngoài ra, kết quả cuộc bỏ phiếu này cũng có liên hệ chặt chẽ với quá trình bầu chọn Thủ tướng và thành lập một chính phủ mới dẫn dắt nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực Eurozone.

Cuộc bỏ phiếu quan trọng

Sau khi "lội ngược dòng" giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn ở Pháp, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) có nhiều cơ hội đưa người của mình vào vị trí Chủ tịch Hạ viện.

NFP là một liên minh được thành lập vội vàng trước thềm cuộc tổng tuyển cử 2 vòng diễn ra hôm 30/6 và 7/7, bao gồm 4 đảng cánh tả chính – Đảng Xã hội, Đảng Xanh, Đảng Cộng sản và phong trào Nước Pháp bất khuất (LFI) của chính trị gia cực tả Jean-Luc Mélenchon.

Trong khi vẫn chưa thể thống nhất được ứng cử viên Thủ tướng, sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, liên minh cánh tả đã bất ngờ thể hiện tình đoàn kết khi đồng ý tập hợp xung quanh nhà lập pháp kỳ cựu André Chassaigne của Đảng Cộng sản.

Ông Chassaigne, 74 tuổi, đã vượt qua 4 ứng cử viên còn lại để giành được đề cử của liên minh cho vị trí Chủ tịch Hạ viện Pháp vào tối hôm 17/7 – chưa đầy 24 giờ trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra.

Cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội (Hạ viện) Pháp rất quan trọng vì phần lớn những gì xảy ra tiếp theo sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc bỏ phiếu này, nhà lập pháp Clémence Guetté của LFI cho biết.

Cuộc bỏ phiếu quan trọng đầu tiên tại Quốc hội Pháp khóa mới- Ảnh 1.

Nhà lập pháp kỳ cựu André Chassaigne là ứng cử viên của liên minh cánh tả NFP cho chức Chủ tịch Quốc hội (Hại viện) Pháp. Ảnh: Le Montagne

Áp lực hiện thuộc về các bên khác, bao gồm liên minh trung dung Ensemble của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phe cực hữu nổi bật với Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của chính trị gia Marine Le Pen, khi họ cần phải đạt được thỏa thuận về ứng cử viên tiềm năng của mình để đánh bại ứng cử viên Chassaigne của NFP.

Cuộc bỏ phiếu hôm 18/7 sẽ là một "bài kiểm tra" quan trọng cho thấy sự sẵn sàng và năng lực của mỗi nhóm chính trị trong việc xây dựng những cầu nối trong một cơ quan lập pháp đang phân mảnh, nơi không có phe phái nào chiếm đa số tuyệt đối.

Bất cứ phe phái nào thành công giành được vị trí này sẽ tiến một bước gần hơn tới một "phần thưởng" thậm chí còn lớn hơn: chức vụ Thủ tướng Pháp và khả năng thành lập chính phủ dẫn dắt cường quốc hạt nhân duy nhất của châu Âu.

Lãnh đạo Hạ viện Pháp, người chịu trách nhiệm điều phối các cuộc tranh luận hàng ngày, được bầu theo hệ thống bỏ phiếu 3 vòng. Ứng cử viên cần có đa số tuyệt đối để giành chiến thắng ở vòng 1 hoặc vòng 2; nếu không có người chiến thắng rõ ràng thì ứng cử viên nhận được nhiều phiếu bầu nhất ở vòng thứ 3 sẽ là người được chọn.

Chưa có gì là chắc chắn

Với sự hỗ trợ của liên minh NFP, ông Chassaigne – người được bầu vào Hạ viện Pháp lần đầu tiên vào năm 2002 và được mọi đảng phái ưa chuộng – đang có cơ hội rất lớn để trở thành lãnh đạo tiếp theo của cơ quan lập pháp Pháp.

Tuy nhiên, rào cản từ các phe phái khác là rất đáng kể, khiến mọi thứ chưa có gì là chắc chắn cho đến sau khi phiếu được kiểm và kết quả được công bố.

Phe trung dung hoặc phe cực hữu có thể thành lập các liên minh chiến thuật để vượt qua phe cánh tả. Các cuộc đàm phán đang được tiến hành.

"Chúng ta cần hợp tác với Đảng Cộng hòa về các vấn đề hiện tại", Bộ trưởng Nội vụ sắp mãn nhiệm cho biết trong bức thư gửi cho các thành viên trong Đảng Phục hưng (Renaissance) của ông Macron.

Mặc dù phe trung dung của Tổng thống Macron đang ủng hộ Chủ tịch Quốc hội sắp mãn nhiệm Yaël Braun-Pivet, nhưng các ứng cử viên khác cũng đang hành động dựa trên khả năng hợp tác giữa các đảng phái của họ.

Trong số đó có ông Charles de Courson, một nhà lập pháp độc lập theo đường lối trung dung rất được kính trọng, người đã phục vụ trong Quốc hội Pháp 30 năm qua và được biết đến với kiến thức sâu rộng về hoạch định chính sách.

Cuộc bỏ phiếu quan trọng đầu tiên tại Quốc hội Pháp khóa mới- Ảnh 2.

Thủ tướng sắp mãn nhiệm Gabriel Attal rời cuộc họp nội các hàng tuần tại Cung điện Elysee ở Paris, ngày 16/7/2024. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Macron hôm 16/7 đã chấp nhận đơn từ chức của chính phủ do Thủ tướng Gabriel Attal đứng đầu, nhưng yêu cầu vị chính trị gia trẻ tuổi tiếp tục giữ chức Thủ tướng tạm quyền cho đến khi Nội các mới được bổ nhiệm.

Sau khi từ chức, các Bộ trưởng được bầu làm các nhà lập pháp khóa mới có thể tham gia cuộc bỏ phiếu chọn người đứng đầu Quốc hội Pháp.

Ông Macron tuyên bố ông sẽ chỉ bổ nhiệm một Thủ tướng được hậu thuẫn bởi một liên minh "vững chắc, và nhất thiết phải chiếm đa số", ngầm loại trừ khả năng NFP sẽ một mình điều hành chính phủ.

Do đó, cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hạ viện Pháp hôm 18/7 sẽ cung cấp một dấu hiệu rõ ràng về việc liệu một liên minh như trên có khả thi hay không.

Minh Đức (Theo Politico EU, Euractiv, CNN)