Cuộc viễn chinh ngành nước của Biwase

Admin
Sở hữu một hệ sinh thái các doanh nghiệp ngành nước, mỗi năm Biwase đều ghi nhận khoản lợi nhuận 3 chữ số, doanh thu tăng trưởng đều đặn.

"Cá mập" Biwase và những thương vụ bạc tỷ

Theo báo cáo tài chính mới nhất của CTCP - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase - HoSE: BWE), tại thời điểm cuối tháng 6/2024, Biwase đang có tổng cộng 7 công ty con, 9 công ty liên kết và góp vốn đầu tư vào 4 đơn vị.

Trong năm 2024, công ty cũng dự kiến hoàn thiện hồ sơ thủ tục thành lập 3 công ty con TNHH Một thành viên.

Với khối lượng lớn các công ty con và đơn vị liên kết, không khó để thấy được tham vọng đối với việc mở rộng tham vọng ngành nước của Biwase. Trong năm 2023, doanh nghiệp này thậm chí đã thực hiện liên tiếp nhiều thương vụ M&A với giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Tháng 2/2023, HĐQT Biwase thống nhất chủ trương đầu tư mua cổ phần của các công ty là: CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An; CTCP Công trình Đô thị Châu Thành; CTCP Công trình Đô thị Cần Giuộc; CTCP Nước và Môi trường Bằng Tâm và CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Quảng Bình. Tỉ lệ sở hữu dự kiến từ 50-100%.

Cuộc viễn chinh ngành nước của Biwase- Ảnh 1.

Hệ sinh thái các công ty con và doanh nghiệp liên kết của Biwase.

Ngày 15/3/2023, theo thông tin giao dịch cổ phiếu của CTCP Cấp thoát nước Long An (UPCoM: LAW), Biwase đã thực hiện mua vào gần 2,99 triệu cổ phiếu, tương đương 24,5% vốn, trở thành cổ đông lớn tại công ty này.

2 tháng sau đó, Biwase tiếp tục mua vào hơn 1,65 triệu cổ phiếu LAW, nâng tỉ lệ sở hữu tại công ty này lên 38,06%. Tại báo cáo tài chính quý II/2024, giá trị khoản đầu tư đang là 104 tỷ đồng.

Ngày 21/3/2023, Biwase tiến hành mua vào 4,3 triệu cổ phần của CTCP Cấp nước Quảng Bình, tương đương 25% vốn điều lệ. Đến tháng 6/2024, Biwase tiếp tục mua bổ sung gần 2,8 triệu cổ phiếu NQB, để nâng tỉ lệ sở hữu tại Cấp nước Quảng Bình lên 41%. Giá khoản đầu tư được ghi nhận tại BCTC hợp nhất quý II/2024 là của Biwase là 97 tỷ đồng.

Tháng 4/2023, HĐQT Biwase thông qua chủ trương đầu tư mua cổ phần CTCP Công trình Đô thị Thủ Thừa. Báo cáo tài chính cho thấy, kết thúc tháng 6/2024, Biwase đang sở hữu 43,24% vốn tại công ty này, tương đương giá trị gần 26 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 4/2023, công ty con của Biwase là CTCP Xây lắp - Điện Biwase đã mua vào 7,1 triệu cổ phần của CTCP Cấp nước Vĩnh Long (UPCoM: VLW), chính thức trở thành cổ đông lớn với tỉ lệ 24,65% cổ phần có quyền biểu quyết.

Ngày 26/6/2023, Xây lắp - Điện Biwase tiếp tục mua vào 2,6 triệu cổ phiếu VLW, nâng tổng số cổ phần sở hữu lên hơn 9,7 triệu, tương ứng 33,65% vốn tại Cấp nước Vĩnh Long.

Theo báo cáo tài chính quý II/2024, Biwase đang nắm giữ 33,65% tỉ lệ quyền biểu quyết và 17,5% tỉ lệ lợi ích tại Cấp nước Vĩnh Long.

Trước đó, năm 2022, Biwase cũng đã mua lại cổ phần của CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ và Cấp nước Cần Thơ 2. Tại thời điểm 30/6/2024, Biwase đang sở hữu 24,64% vốn tại Cấp thoát nước Cần Thơ và 48,86% vốn tại Cấp nước Cần Thơ 2.

Vay ngoại tệ hàng nghìn tỷ đồng

Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý II/2024, ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm trước lên 1.034 tỷ đồng.

Công ty báo lãi trước thuế 155 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt gần 138 tỷ đồng, giảm 34,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Biwase, nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận sụt giảm là do biến động của thị trường ngoại tệ, trong quý II/2024, Biwase ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỉ giá khi đánh giá số dư có gốc ngoại tệ cuối kỳ với tổng số tiền là 71,2 tỷ đồng, tăng 68,4 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, ước tính Biwase đang có khoảng gần 3.060 tỷ đồng khoản vay bằng ngoại tệ, trong đó chủ yếu là USD.

Khi mới lên sàn vào năm 2017, dư nợ vay ngoại tệ của công ty mới chỉ chưa đến 500 tỷ đồng. Đến năm 2019 là 638 tỷ đồng và liên tiếp gia tăng vào những năm sau đó. Đến cuối năm 2023, khoản dư nợ này đã lên đến gần 2.900 tỷ đồng, Biwase đã ghi nhận lỗ ròng 26,3 tỷ đồng do chênh lệch tỉ giá.

Kết thúc quý II/2024, nợ phải trả của Biwase đã giảm so với hồi đầu năm xuống gần 6.967 tỷ đồng, phần lớn là nợ dài hạn. Trong đó, tổng nợ vay và thuê tài chính của công ty đang là 5.327 tỷ đồng.

Trong đó, tỉ trọng dư nợ được tài trợ từ các nguồn vốn nước ngoài chiếm đến 57% tổng dư nợ vay tài chính. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, Biwase ghi nhận doanh thu thuần tăng 17% so với năm trước lên gần 1.826 tỷ đồng.

Lỗ chênh lệch tỉ giá kéo lùi lợi nhuận BiwaseLỗ chênh lệch tỉ giá kéo lùi lợi nhuận BiwaseĐỌC NGAY

Công ty báo lãi ròng sau thuế giảm 10,5% xuống còn gần 313 tỷ đồng. 

Năm 2024, Biwase đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.100 tỷ đồng, lãi sau thuế thấp nhất 700 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 16,4% so với thực hiện năm 2023.

Như vậy, kết thúc quý II/2024, công ty đã hoàn thành 44,5% mục tiêu doanh thu và 44,7% chỉ tiêu lợi nhuận.

Thực tế, kể từ khi lên sàn đến nay, Biwase luôn ghi nhận lợi nhuận ở mức 3 chữ số và liên tục tăng trưởng qua các năm. Năm 2017, công ty báo lãi sau thuế 207 tỷ đồng. Mức lợi nhuận của công ty vượt mốc 500 tỷ đồng vào năm 2020 và vượt 700 tỷ đồng năm 2021.

Tương tự, doanh thu của công ty cũng luôn tăng trưởng đều đặn hằng năm và chính thức cán mốc 3.000 tỷ đồng năm 2020. Trong năm 2023, công ty ghi nhận mức doanh thu thuần gần 3.977 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng thu về hơn 300 tỷ đồng.

Theo Chứng khoán DSC, kết quả kinh doanh của BWE sẽ tăng trưởng trong năm 2024 nhờ duy trì tỉ lệ thất thoát nước ở mức thấp khoảng 5%, tăng công suất các nhà máy cấp nước và sản lượng sản xuất và tiêu thụ nước tăng 5-6% so với năm trước.

Trong đó, doanh thu hoạt động (không bao gồm doanh thu nội bộ) ước tính đạt 3.827 tỷ tăng +9% và lợi nhuận sau thuế đạt 775 tỷ tăng 14% so với năm 2023.

Đồng thời, DSC cho rằng số thương vụ và tốc độ thực hiện M&A của Biwase sẽ chậm lại trong năm 2024 bởi doanh nghiệp cần tập trung vào việc tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả kinh doanh ở các công ty liên kết.

Về trung và dài hạn, DSC vẫn giữ quan điểm tích cực về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của BWE nhờ các thương vụ này.