“Đã nghèo còn mắc cái eo”: Cảnh báo thủ đoạn hack tài khoản ngân hàng chiếm đoạt tài sản bằng link “độc“

Admin
“Vừa ấn vào app Internet banking để chuyển 100 triệu cho công ty thì điện thoại đột ngột tắt màn hình tối om. Gần 1 phút sau, điện thoại sáng trở lại, số dư tài khoản còn 0 đồng”.

“Đã nghèo còn mắc cái eo”

Trần N.H (22 tuổi), là cử nhân ngành Kinh tế của một trường đại học ở Hà Nội, hiện là nhân viên kinh doanh của một công ty về phân phối phần mềm công nghệ. “Công việc chính của em là làm việc trực tiếp với khách hàng, khi hoàn thành hợp đồng mua bán thì khách hàng sẽ chuyển tiền cho em, sau đó em chuyển lại số tiền đó cho công ty, hôm đó là 100 triệu đồng. Em có lập một tài khoản ngân hàng chỉ để làm việc”, N.H nói.

Tuy nhiên, trong lúc đợi phía khách hàng chuyển tiền đến, N.H đã nhận được một thư mời khảo sát từ phía trường đại học của mình. “Đó là khảo sát về việc làm của sinh viên. Những thông tin trong link khảo sát chỉ có thông tin về họ tên, niên khóa, khoa, lớp nên em cũng không nghi ngờ gì”, N.H chia sẻ.

Sau khi điền xong link, N.H mở app và chuyển tiền cho công ty thì đã gặp phải tình trạng máy bị tắt màn hình gần 1 phút. Và lúc màn hình sáng trở lại thì số tiền trong tài khoản của N.H đã không còn đồng nào.

“Đã nghèo còn mắc cái eo”: Cảnh báo thủ đoạn hack tài khoản ngân hàng chiếm đoạt tài sản bằng link “độc“ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ngay lúc đó, N.H đến công an phường để trình báo. Tuy nhiên, công an phản hồi rằng làm đơn khiếu nại lên ngân hàng mà bị hack tài khoản. Song, phía ngân hàng cũng cho biết, có rất nhiều trường hợp tương tự nhưng vẫn chưa giải quyết được, phải đợi rất lâu, không có thời gian hẹn cụ thể.

Lương ở công ty 8 triệu đồng/tháng, giờ đây, N.H phải đăng ký đi dạy gia sư 6 buổi/tuần, đồng thời nhận thêm một vài hợp đồng dịch tiếng Anh để kiếm thêm thu nhập trả công ty. Do hoàn cảnh gia đình nên N.H không muốn nói với bố mẹ câu chuyện này, N.H phải đi vay bạn bè để trả trước một phần trong khoản 100 triệu đồng, “Bố mẹ em chỉ ở quê làm nông, em trai em lại vừa ra Hà Nội học nên bố mẹ em phải tích cóp từng đồng một. Bố mẹ chẳng có bao nhiêu”, bạn chia sẻ.

Tương tự trường hợp của bạn N.H, chị Hồng (Thanh Trì, Hà Nội) hiện bán hàng ở nhà, chia sẻ, chị nhận được một tin nhắn, đó là link bình chọn cho con gái của người hàng xóm tham gia một cuộc thi ở trường. Tuy nhiên, khi ấn vào thì khoảng một vài phút sau, điện thoại chị bị đơ và không thể thao tác được. Khi chị mang ra cửa hàng điện thoại kiểm tra thì máy của chị bị virus xâm nhập và khống chế.

“Khi tôi vào tài khoản ngân hàng kiểm tra thì không còn đồng nào hết. Bán hàng tiết kiệm từng đồng từng hào một, bao nhiêu năm mới được hơn 2 chục triệu mà giờ chỉ ấn vèo cái là biến mất. Ngân hàng người ta bảo rất khó để tìm được”, chị buồn bã nói.

Liệu người dân có tìm kiếm lại được số tiền đã mất không?

Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, các đối tượng phạm tội đã sử dụng các thủ đoạn chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi hơn bởi sự phát triển của công nghệ 4.0. Đối với những trường hợp trên, người dân cần tố giác hành vi trên với công an về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Đã nghèo còn mắc cái eo”: Cảnh báo thủ đoạn hack tài khoản ngân hàng chiếm đoạt tài sản bằng link “độc“ - ảnh 2
Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Tùy vào từng trường hợp có thể sẽ lấy lại được một phần tài sản đã mất. Song, công tác điều tra của công an và việc truy vết của ngân hàng khó khăn là bởi các đối tượng lừa đảo ở trong nước và ngoài nước, hoạt động rộng rãi. Sau khi chiếm đoạt được tiền của nạn nhân thì luân chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau nhằm xoá dấu vết.

Để tránh trở thành nạn nhân của bất kỳ hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản nào, người dân cần nâng cao cảnh giác, nâng cao bảo mật và không click truy cập vào các ứng dụng, các đường dẫn, đường link lạ… bởi đây là các thủ đoạn hack quyền quản trị thiết bị máy tính, điện thoại; sau đó, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, đánh cắp thông tin và hình ảnh của các nạn nhân.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia an ninh, người dùng nên rà soát lại liên kết tài khoản ngân hàng với ví điện tử. Đây cũng có thể là mối rủi ro đối với việc tài khoản ngân hàng bị hack.

Ngoài ra, cần hạn chế kết nối wifi công cộng không đáng tin cậy, đồng thời tắt bluetooth điện thoại khi không sử dụng bởi đây có thể là kẽ hở để tin tặc tấn công.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc chiếm đoạt tài sản của nạn nhân bằng thủ đoạn gian dối của các đối tượng là hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp; người phạm tội nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác do mình thực hiện hành vi là gian dối, trái pháp luật. Trường hợp chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên bằng thủ đoạn gian dối thì sẽ cấu thành tội phạm này.