Cơ hội mới để TP. Hải Phòng phát triển mạnh mẽ hơn nữa
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại phiên thảo luận Tổ về dự thảo Nghị đã có 79 lượt ý kiến của đại biểu Quốc hội. Nhìn chung, ý kiến của các vị đại biểu đều tán thành với sự cần thiết ban hành và các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết.
Gợi ý nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tập trung cho ý kiến về mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; cơ cấu tổ chức của HĐND thành phố Hải Phòng, HĐND và UBND thành phố Thủy Nguyên, UBND quận, phường và số lượng cấp phó.
Đồng thời, cho ý kiến, về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND thành phố Hải Phòng, HĐND và UBND thành phố Thủy Nguyên và UBND dân quận, phường.
Đăng đàn phát biểu đầu tiên, đại biểu Nguyễn Quang Huân (tỉnh Bình Dương) tán thành cao với việc ban hành nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng để tạo không gian, bước đột phá lớn và tạo ra một cơ hội mới để cho Hải Phòng phát triển mạnh hơn nữa, tự chủ hơn và cũng phát huy được vị trí địa lý của Hải Phòng, đồng thời cũng phù hợp với tính cách năng động của người dân Hải Phòng.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quang Huân bày tỏ băn khoăn về tính năng động của thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng, trong khi chúng ta chưa có tổng kết về thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM. Điều này, có làm giảm đi tính tự chủ, năng động của cả thành phố Hải Phòng hay không?
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, Quốc hội đã cho phép thực hiện chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Vì vậy, việc thực hiện chính quyền đô thị của thành phố Hải Phòng rất phù hợp và hợp lý.
Tán thành với mô hình của chính quyền đô thị Hải Phòng như tại dự thảo, đại biểu cho biết, giống như TPHCM và thành phố Đà Nẵng, chính quyền đô thị chỉ có cấp thành phố, trong đó, cấp thành phố gồm HĐND và UBND. Không tổ chức HĐND cấp quận và HĐND cấp phường mà chỉ có UBND cấp quận và UBND cấp phường.
Tham gia thảo luận, đại biểu Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) nhấn mạnh, mô hình chính quyền đô thị có tác động mạnh mẽ, tạo động lực cho Hải Phòng có bước tiến mới trên con đường xây dựng phát triển thành phố. Đại biểu cũng bày tỏ hi vọng trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng sẽ được Chính phủ trình ra Quốc hội nghị quyết để thay thế Nghị quyết số 35 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Trong đó, nội dung nghị quyết sẽ tập trung xuất nhiều cơ chế, chính sách mới để tiếp tục tạo sự đột phá cho thành phố Hải Phòng.
Thống nhất 1 cấp chính quyền, tăng tính năng động, tự chủPhát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng là thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, có sự lựa chọn và bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của đô thị lớn phía Bắc như thành phố Hải Phòng.
Đồng thời, để thu gọn cấp chính quyền, với TP. Hải Phòng, TPHCM và TP. Đà Nẵng chỉ có 1 cấp chính quyền và thống nhất một chế độ công vụ, tăng cường phân cấp, phân quyền để đảm bảo chính quyền đô thị tinh gọn, hoạt động năng động, tự chủ, thích ứng linh hoạt, phù hợp với vai trò, tính chất đặc thù, đặc trưng của đô thị.
Từ những vấn đề thực tiễn đang thí điểm ở TPHCM với nghị quyết 98 của Quốc hội, cũng được tiếp thu, đưa vào nghị quyết này để thực luôn trong quá trình vận hành chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng.
Theo Bộ trưởng, việc gắn kết trong việc thực hiện chính quyền đô thị của Hải Phòng với sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng như chung cho cả nước chúng ta.
Như vậy, việc sắp xếp đơn vị hành chính ở Hải Phòng là đi tiên phong với việc thực hiện 4 đề án. Trong đó, sắp xếp một số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã tương đối lớn, như thế là đã sắp xếp 101 đơn vị hành chính cấp xã và chỉ còn lại 50 đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ để tổng kết toàn bộ việc thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Lê Sơn