Đại sứ Vương quốc Anh: Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nhờ mạng lưới hiệp định thương mại

Admin
(Chinhphu.vn) - Theo ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nhờ có lợi thế từ mạng lưới các hiệp định thương mại, cũng như những điều kiện đầu tư vững chắc và môi trường đầu tư ổn định.

Báo Điện tử Chính phủ đã buổi trò chuyện với Đại sứ Anh Iain Frew về vai trò, ý nghĩa mà các hiệp định thương mại tự do mang lại cho quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam-Anh trong bối cảnh tự do hóa thương mại quốc tế ngày càng phát triển.

Mở ra cơ hội tiếp cận tới thị trường xuất khẩu quan trọng

- Vương quốc Anh đã kết thúc đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 31/3/2023 và ký Nghị định thư gia nhập vào ngày 16/7/2023. Cùng với Hiệp định Thương mại tự do Anh-Việt Nam (UKVFTA), Hiệp định CPTPP sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ thương mại song phương giữa hai nước, thưa ông?

Đại sứ Iain Frew: Thỏa thuận đạt được với Hiệp định CPTPP được xây dựng dựa trên mối quan hệ rất bền chặt giữa Anh và Việt Nam và là trọng tâm của mối quan hệ bền chặt đó. Mối quan hệ Đối tác Chiến lược tốt đẹp giữa hai nước được thể hiện qua quan hệ thương mại ngày càng tăng lên trong những năm gần đây. Giá trị thương mại song phương giữa Anh và Việt Nam tăng gấp đôi, từ 3 tỷ bảng Anh năm 2013 lên đến 6 tỷ bảng Anh vào năm 2023. Điều này đạt được nhờ vào Hiệp định UKVFTA.

Khi Anh tham gia Hiệp định CPTPP, thương mại hai nước sẽ có nhiều dư địa phát triển hơn nữa. Tôi cho rằng, Hiệp định CPTPP mang lại nhiều lợi ích đối với thương mại song phương trong một số lĩnh vực, bên cạnh Hiệp định UKVFTA, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp và thương mại kỹ thuật số. Đây là những lĩnh vực mà chúng tôi muốn thấy sự tăng trưởng hơn nữa.

Thêm vào đó, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ mang lại lợi ích thực sự. Sau khi Anh gia nhập, các thành viên của CPTPP sẽ đóng góp 15% GDP toàn cầu, tương đương 12.000 tỷ bảng Anh. Điều đó cho thấy, đây là khối có tầm quan trọng chiến lược. Việc tham gia CPTPP mang tính toàn cầu và trở nên thú vị, không chỉ từ góc độ kinh tế và thương mại, mà còn từ góc độ chính trị và chiến lược.

Vì vậy, chúng tôi rất mong các doanh nghiệp Anh và Việt Nam thực sự tận dụng được cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại và phát triển chuỗi giá trị của chúng ta trong khu vực liên kết ở cả Anh và Việt Nam.

- Theo ông, các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã mang lại những cơ hội gì cho Việt Nam và những cơ hội cho Việt Nam, Anh phát triển quan hệ kinh tế, thương mại nhờ có UKVFTA và CPTPP?

Đại sứ Iain Frew: Có thể thấy rõ, mạng lưới các hiệp định thương mại và sự phát triển của Việt Nam trong hai thập kỷ qua có mối liên hệ trực tiếp với nhau. Việt Nam ngày càng thịnh vượng hơn khi cởi mở và giao thương nhiều hơn với thế giới. Việt Nam hiện đã có một mạng lưới gồm 16 hiệp định thương mại đã có hiệu lực và nhiều hiệp định khác đang được đàm phán. Nhờ vậy mà Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài rất lớn vào nền kinh tế. Thương mại là một phần rất quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, với giá trị gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP), một con số rất cao trên toàn cầu.

Việt Nam rõ ràng là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nhờ có lợi thế từ mạng lưới các hiệp định thương mại, cũng như những điều kiện đầu tư vững chắc và môi trường đầu tư ổn định. Đồng thời, các hiệp định này đã mở ra cơ hội tiếp cận tới những thị trường xuất khẩu thực sự quan trọng cho các nhà sản xuất nông sản Việt Nam để xuất khẩu sang Anh, EU, Hoa Kỳ và các thị trường khác. Điều này đang giúp các công ty, nhà sản xuất Việt Nam tiếp cận được những thị trường mới và bán sản phẩm vào những thị trường tiêu dùng mà trước đây họ chưa tiếp cận được. Vì vậy, có thể thấy, các hiệp định thương mại tự do mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, trong trường hợp của Anh, lợi ích từ Hiệp định UKVFTA đang tăng lên theo thời gian. Kể từ hiệp định có hiệu lực vào năm 2021, trong vài năm qua, các rào cản thuế quan và phi thuế quan đã được tự do hóa.

Hiện nay, Anh và Việt Nam đã miễn thuế đối với 65% hàng hóa và tỉ lệ này sẽ lên tới 99% trong 6-9 năm tiếp theo. Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng Việt Nam và Anh sẽ tiếp cận được nhiều loại hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao hơn, rẻ hơn; nền kinh tế, doanh nghiệp của chúng ta sẽ ngày càng hội nhập khi cùng nhau tham gia vào các chuỗi giá trị. Cho đến nay, chúng ta đang thấy các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế được hưởng lợi từ điều đó. Tôi cho rằng còn tiềm năng rất lớn để phát triển hơn nữa.

Từng bước vượt qua rào cản, tận dụng lợi thế của hiệp định thương mại

- Ông có thể chia sẻ thêm về những nỗ lực mà Anh và Việt Nam đã thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai nước vượt qua rào cản và thách thức khi thực thi Hiệp định UKVFTA?

Đại sứ Iain Frew: Hiệp định UKVFTA hiện đã có hiệu lực được 3 năm và trong thời gian đó, chúng tôi thường xuyên có các cuộc đối thoại giữa chính quyền Anh và Việt Nam về cách thực hiện, vận hành và cải thiện hiệp định này để có thể khai thác tối đa lợi ích. Trong các cuộc thảo luận đó, chúng tôi xác định được những rào cản và trở ngại mà chúng ta có thể cùng nhau khắc phục.

Ví dụ như trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp Anh đã có thể hưởng lợi từ việc có được giấy chứng nhận y tế xuất khẩu cho các sản phẩm thịt lợn và gia cầm từ Anh để cung cấp các sản phẩm này cho người tiêu dùng Việt Nam và các thương nhân hiện đang tận dụng những cơ hội đầu tiên để làm điều đó.

Đối với thách thức trong một số lĩnh vực nhất định, hai bên đang cùng làm việc để cố gắng xác định những thách thức đó. Chúng tôi tổ chức các cuộc họp thường niên để giải quyết từng thách thức và thành lập một ủy ban điều hành, bao gồm nhiều tiểu ban, xem xét các lĩnh vực khác nhau.

Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều đối thoại giữa chính quyền Anh và Việt Nam. Việc đối thoại với doanh nghiệp là rất quan trọng. Vì vậy, chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc hiểu được những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt bằng cách liên hệ thường xuyên với họ và khuyến khích họ tham gia các sự kiện để cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức trong vài số lĩnh vực và chúng ta vẫn cần phải làm việc cùng nhau nhiều hơn.

Dược phẩm là một ngành rất quan trọng đối với nền kinh tế Anh. Việt Nam đang phát triển ngành dược phẩm một cách nhanh chóng và các công ty của Anh là một phần trong đó. Cơ sở lập pháp và thể chế là cơ sở tiếp tục phát triển ngành này và chúng tôi hợp tác chặt chẽ với chính phủ và quốc hội Việt Nam để thực hiện điều đó.

Một lĩnh vực rất quan trọng khác cho tương lai là năng lượng và năng lượng tái tạo. Đây là lĩnh vực mà tôi nghĩ chúng ta đang mong muốn hai nước tăng cường đầu tư hơn trong khuôn khổ UKVFTA và dựa trên khung pháp lý hiệu quả và có thể dự đoán được.

- Việt Nam cần làm gì để tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế mà các hiệp định thương mại mang lại, cũng như thúc đẩy việc sớm ký kết các hiệp định đang đàm phán, thưa ông?

Đại sứ Iain Frew: Trước hết, Việt Nam có mạng lưới các hiệp định thương mại tuyệt vời và khi các hiệp định này phát triển, cần đảm bảo rằng cả Việt Nam và các quốc gia mà Việt Nam đang hợp tác đều tận dụng tối đa các lợi ích đó. Chính các doanh nghiệp sẽ làm điều này. Vì vậy, giao tiếp là chìa khóa đầu tiên.

Chúng ta cần đảm bảo rằng các công ty hiểu được lợi ích và cơ hội mà hiệp định thương mại mang lại bằng việc khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương, với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Đối với Hiệp định UKVFTA, gần đây chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu để xem xét việc thực thiện hiệp định này, những lợi ích đang được tận dụng và những lợi ích mà các doanh nghiệp chưa tận dụng được. Qua đó, chúng ta sẽ có thể tận dụng tối đa các hiệp định thương mại trong tương lai và đề ra các giai đoạn hợp tác phát triển tiếp theo.

Cùng nhau hợp tác vì phát triển bền vững, tương lai ít carbon

- Chính phủ Anh hỗ trợ TPHCM trở thành trung tâm tài chính, kinh doanh của khu vực. Ông có thể chia sẻ một vài vấn đề về dự án này được không?

Đại sứ Iain Frew: Tôi cho rằng đây là một dự án thực sự thú vị để giúp TPHCM phát triển một trung tâm tài chính quốc tế. Giờ đây, Anh, đặc biệt là với London, đã có một trung tâm tài chính quốc tế đẳng cấp thế giới, do đó, đây là một phần trong mối quan hệ đối tác mà chúng tôi có với Việt Nam nhằm giúp chia sẻ một số kinh nghiệm, dựa trên sáng kiến từ Chính phủ, từ Ủy ban kinh tế và Quốc hội, tất cả đều bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến dự án này.

Chúng tôi đang hợp tác với tổ chức TheCityUK để mang đến kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp của Anh.

Họ đã công bố báo cáo với hai giai đoạn, trong đó đưa ra các phương án và ý tưởng về cách Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, có thể xây dựng dựa trên khuôn khổ hiện tại và phát triển một môi trường hấp dẫn cho một trung tâm tài chính quốc tế.

Việc này rất quan trọng đối với nền kinh tế của Việt Nam, vì nguồn tài chính cho các giai đoạn phát triển tiếp theo sẽ cần nhiều vốn hơn và đòi hỏi nguồn vốn đó phải được đầu tư theo những cách hiệu quả và cơ chế trung tâm tài chính thực sự có thể trợ giúp việc đó.

Điều này cũng quan trọng, vì lĩnh vực tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp là một phần trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam khi các bạn tăng quy mô từ quốc gia có thu nhập trung bình lên quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng được làm việc cùng với Chính phủ Việt Nam và TPHCM để phát triển ý tưởng và hỗ trợ giai đoạn tiếp theo.

- Hợp tác song phương trong lĩnh vực tự do hóa thương mại xanh, công bằng và bền vững giứa Việt Nam và Anh trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?

Đại sứ Iain Frew: Trong khuôn khổ Hiệp định UKVFTA, hai nước đã thành lập Ủy ban thương mại và phát triển bền vững nhằm xem xét và đảm bảo rằng tất cả các yếu tố trong mối quan hệ thương mại của chúng ta cùng đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững vì sự tăng trưởng xanh và UKVFTA có rất nhiều tiềm năng để hỗ trợ điều đó. Đây là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.

Ngoài ra, hai nước có mối quan tâm chung xuất phát từ COP26 diễn ra tại Anh vào năm 2021. Tại COP26, Chính phủ Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng mục tiêu với Anh. Hiện chúng tôi đang nỗ lực để đạt được điều đó.

Một trong những sáng kiến thực sự quan trọng là Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, với nguồn kinh phí 15,5 tỷ USD đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và cải cách cũng như đảm bảo khung pháp lý phù hợp để Việt Nam có thể tận dụng tiềm năng to lớn của mình về năng lượng tái tạo. Với 3.200 km bờ biển, Việt Nam có tiềm năng đáng kinh ngạc cho cả năng lượng gió ngoài khơi và năng lượng mặt trời. Cùng nhau hợp tác, chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu quan trọng cho sự phát triển bền vững vì một tương lai ít carbon.

Thùy Dung