Đào tạo nhân lực ngành bán dẫn qua liên kết giáo dục và doanh nghiệp

Admin
(Chinhphu.vn) - Việt Nam đang có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Theo các chuyên gia, liên kết đào tạo với quốc tế, nhất là các quốc gia phát triển mạnh về công nghệ bán dẫn là một giải pháp hiệu quả.
Đào tạo nhân lực ngành bán dẫn qua liên kết giáo dục và doanh nghiệp- Ảnh 1.

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/HM

Tại hội thảo Phát triển nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam và toàn cầu thông qua liên kết giáo dục và doanh nghiệp do Asia University Vietnam (thuộc Viện Đào tạo đại học Quốc tế FPT, Tập đoàn FPT) tổ chức mới đây, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nhấn mạnh, ngành bán dẫn được coi là một trong những ngành công nghiệp đặc biệt, là ngành lõi nhất của công nghệ thông tin. Dù muốn hay không, một quốc gia muốn độc lập, tự chủ thì phải nắm được công nghệ lõi.

Ngành chip bán dẫn được chia làm 3 khâu: sản xuất, thiết kế và đóng gói kiểm thử. Hiện tại, Việt Nam chủ yếu ở khâu đóng gói kiểm thử. Tuy nhiên, theo chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1018/QĐ-TTg, chúng ta sẽ tập trung vào khâu thiết kế - một thị trường hàng tỷ USD mà Việt Nam đang có cơ hội rất lớn.

"Đây là thời điểm vàng để sinh viên định hướng nghề nghiệp theo ngành bán dẫn. Đây là một ngành công nghiệp đặc biệt, trong đó liên quan đến an ninh của nền kinh tế. Mức lương hấp dẫn và triển vọng nghề nghiệp bền vững đang mở ra cơ hội lớn cho người trẻ, nhất là những người có ý chí bền bỉ theo học ngành này", ông Đỗ Tiến Thịnh chia sẻ.

Nhấn mạnh mục tiêu đào tạo 50.000-100.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, ông Đỗ Tiến Thịnh cho rằng, nguồn nhân lực trẻ cũng chính là lợi thế trong phát triển ngành bán dẫn ở nước ta.

Đứng trước cơ hội lớn nhưng theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất của Việt Nam cũng là vấn đế liên quan đến nhân lực, đó là đào tạo. Hiện nay, con số thống kê cho thấy, cả nước chỉ có khoảng trên 5.000 kỹ sư bán dẫn. Các trường đại học mới bắt đầu đào tạo ngành này, trong khi nhân sự và cơ sở vật chất đào tạo ngành này phải cần chi phí lớn.

Đào tạo nhân lực ngành bán dẫn qua liên kết giáo dục và doanh nghiệp- Ảnh 2.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/HM

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Việt Nam có lợi thế về con người với nền tảng đào tạo toán và khoa học tự nhiên tốt. Đó cũng chính là lý do Chính phủ định hướng chiến lược phát triển nhân lực thiết kế chip trong thời gian tới - khâu then chốt nhất của ngành công nghiệp bán dẫn.

Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến, đẩy mạnh đào tạo nhân lực công nghệ cao
 29/03/2025 20:55
Khai trương Trung tâm ươm tạo và đào tạo bán dẫn (VSIC)Thủ tướng: Việt Nam nỗ lực xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái về bán dẫn và AIViệt Nam chủ động phát triển AI và bán dẫn trong kỷ nguyên mớiAISC 2025: Cơ hội tiếp cận những bước tiến mới nhất về AI, bán dẫnHỗ trợ tới 10.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy chip bán dẫn đầu tiên của Việt NamNhững đột phá mới nhất thế giới về AI và bán dẫn sẽ được giới thiệu tại Việt NamNhững đột phá mới nhất thế giới về AI và bán dẫn sẽ được giới thiệu tại Việt Nam
 24/02/2025 19:49

Ông Thịnh khẳng định, Chính phủ rất ủng hộ việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành chíp bán dẫn với nhiều giải pháp như: hỗ trợ đầu tư 18 phòng thí nghiệm trọng điểm, kết nối các nền kinh tế lớn về sản xuất chip, hỗ trợ đầu tư các thiết bị, công nghệ đắt đỏ mà các trường đại học không đủ khả năng mua…

Chia sẻ về vấn đề đào tạo nhân lực, ông Hoàng Việt Hà, Viện trưởng Viện Đào tạo Đại học Quốc tế FPT cho biết, đơn vị này vừa chính thức ký kết với Đại học Asia University, Đài Loan trong việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Theo đó, sinh viên sẽ học hai năm tại FPT với chương trình đào tạo tập trung về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, sau đó sẽ sang Đài Loan học tiếp hai năm chuyên sâu về công nghệ bán dẫn.

Chương trình được đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh nên sinh viên sẽ được học nâng cao năng lực ngoại ngữ trước khi vào học chuyên ngành. Trong quá trình học ở Việt Nam, sinh viên cũng được đào tạo tiếng Trung đảm bảo giao tiếp thành thạo, để có thể hoà nhập tốt vào môi trường mới khi sang học ở Đài Loan.

Cũng theo ông Hà, việc liên kết đào tạo này sẽ có lợi thế lớn khi khoảng cách giữa trường học và doanh nghiệp gần như không có. Vì thế, sinh viên có cơ hội được học tập thực tế ngay trong các doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, mô hình này phù hợp với định hướng đào tạo nhân lực của Việt Nam. Trong số 50.000 – 100.000 kỹ sư ngành chíp bán dẫn được đào tạo đến năm 2030, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia có kiến nghị Chính phủ đặt mục tiêu đào tạo nhân lực phần lớn để phục vụ nhu cầu thị trường quốc tế với tư duy phát triển nhân lực trên tinh thần "đi để trở về".

Hiền Minh