Đất nước ở trong tim

Admin
(PNTĐ) - Dù lớn lên và tiếp xúc, hòa nhập với nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới, nhưng với người trẻ, có một tình yêu lớn chưa bao giờ phôi phai, là tình yêu đất nước. Mỗi người một cách thể hiện, nhưng đều chung một mong muốn sẽ góp sức gìn giữ, xây dựng đất nước Việt Nam giàu bản sắc, nghĩa tình, tươi đẹp.

Cách người trẻ yêu nước

Mười ba tuổi, sau khi thể hiện tài năng hát Xẩm của mình tại hội diễn của trường, Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 2001, tốt nghiệp học viện Ngân hàng) được các thầy cô cử đi học lớp hát Xẩm tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Lớp học được mở ra để lưu giữ và lan tỏa nghệ thuật hát Xẩm sau khi nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời. Từ đó đến nay, Xẩm đã theo Huyền trên suốt hành trình trưởng thành, khiến cô luôn muốn “giữ lửa” tình yêu đối với nét đẹp văn hóa dân gian của dân tộc. “Từ góc chợ, sân đình, sân khấu trong, ngoài nhà, trường học, mình đã tổ chức và ngồi trên sân khấu biểu diễn khoảng 100 show diễn nghệ thuật cho cả du khách quốc tế và trong nước”, Huyền cho biết.

Được thầy Đào Bạch Linh, học trò của cụ Hà Thị Cầu nhận làm học trò, Huyền không chỉ được chỉ dạy kỹ lưỡng về nghệ thuật Xẩm mà còn được thầy truyền cho một tình yêu đối với Xẩm, giúp cô am hiểu hơn những tầng nghĩa sâu sắc qua lời hát và thực sự nghiêm túc theo đuổi loại hình nghệ thuật truyền thống này. Nhờ sự đào tạo nghiêm túc và lâu dài đó, Huyền đạt được nhiều danh hiệu: Giải Ba liên hoan Xẩm toàn quốc năm 2019 cùng Câu lạc bộ Xẩm 48h, giải Nhì liên hoan Xẩm toàn quốc năm 2021.

Năm 2022, Huyền là cố vấn chuyên môn cho chương trình “Thanh âm Đất Việt” do khoa Văn, Trường Đại học Xã hội và Nhân văn tổ chức. 2 năm liên tiếp 2022 và 2023, cô đều tham gia với vai trò là nghệ sỹ trong chương trình “Liên hoan thiết kế và sáng tạo Việt Nam” (sự kiện thường niên do Đại học RMIT Việt Nam, Tổ chức UNESCO) cùng các đối tác trong lĩnh vực sáng tạo tổ chức).

Nói về lòng yêu nước khi cất lên những âm vang của giai điệu truyền thống, Huyền bày tỏ rằng, đó chính là lúc mình thấy trăn trở làm sao để những giai điệu ấy không bị phai mờ trong lớp trẻ. “Để đưa Xẩm nói riêng và các làn điệu truyền thống nói chung đến gần hơn với các hoạt động thường nhật của người trẻ, mình nghĩ trước hết, nên chọn các bài hát Xẩm có câu từ dễ hiểu, ý nghĩa gắn liền với cuộc sống hiện tại, phù hợp với người trẻ. Bên cạnh đó, việc kêu gọi tổ chức các buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian cũng là một ý tưởng hay để các bạn có cơ hội được tìm hiểu và giao lưu”, Huyền chia sẻ thêm.

Đất nước ở trong tim - ảnh 1
Phúc Đức xếp hình lá cờ bằng những tờ chứng nhận hiến máu

Để quảng bá nghệ thuật dân gian, theo Huyền, nhờ cậy vào các nền tảng mạng xã hội là một cách hay. “Đăng tải các video về hát Xẩm lên Facebook, Tiktok... sẽ giúp quảng bá các loại hình nghệ thuật dân gian”, Huyền nói. Huyền tin tưởng rằng, không chỉ mình cô, mà vẫn còn lớp lớp người trẻ yêu quý văn hóa truyền thống, sẵn sàng tìm ra cách “hiện đại” để đưa nó hiện hữu cùng cuộc sống ngày nay.

“Biến mỗi mái nhà thành một lá cờ Tổ quốc” đang là “hot trend” suốt thời gian gần đây, trong không khí xúc động cùng niềm tự hào dân tộc khi ngày Quốc khánh đang đến rất gần. Các chuyên gia xã hội học cho rằng, nguyên nhân chính khiến xu hướng này ngày càng phổ biến là nhờ đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cùng với sự sáng tạo không giới hạn và muôn màu muôn vẻ cách yêu nước, lá cờ Tổ quốc còn hiện diện theo một cách khác. Nó còn được tạo nên từ hàng chục tờ chứng nhận hiến máu tình nguyện suốt 8 năm của chàng sinh viên Nguyễn Phúc Đức – một chàng trai đặc biệt vì bị mất 1 tay. 8 năm, Đức hiến máu 30 lần. Với 30 tờ chứng nhận tham gia hiến máu cùng nhiều giờ sắp xếp, phác họa, Đức “vẽ” nên lá cờ Tổ quốc đầy ý nghĩa. “Bằng việc nhỏ này, mình muốn thể hiện tinh thần yêu nước và lan tỏa tình cảm thiêng liêng ấy đến đông đảo bạn trẻ”.

Nguyễn Phúc Đức hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên. Năm lớp 6, Đức bị bể chứa nước đổ vào người, làm dập nát cánh tay phải. Trở thành người khuyết một tay, Đức sốc tâm lý suốt một thời gian dài. Từ một cậu bé hoạt bát, bạn trở nên mặc cảm, tự ti, không muốn tới nơi đông người. Chàng trai có nụ cười tươi tắn mất nhiều thời gian để làm quen với cuộc sống mới khi khuyết một tay, rồi khi đã quen dần, cảm giác tự ti trước đây mới vơi bớt đi. Đức đã tham gia hoạt động tình nguyện tại trường học, địa phương.

Được giao lưu kết bạn, Đức ngày càng sống cởi mở, chan hòa với mọi người. Từ đó, Đức tham gia hiến máu tình nguyện. Vượt qua nỗi sợ hãi của lần đầu tiên, cứ cách 3 tháng – đủ số ngày theo quy định của Bộ Y tế, Đức lại xin hiến máu tiếp. 30 tờ chứng nhận hiến máu tình nguyện là minh chứng rõ nhất cho tấm lòng nhân ái – cũng chính là cách thể hiện lòng yêu nước của chàng trai này.

Đất nước ở trong tim - ảnh 2
Nguyễn Thị Huyền đang hướng dẫn các em nhỏ về nghệ thuật hát Xẩm tại một buổi biểu diễn. 

Lòng yêu nước từ trong mỗi nếp nhà

Cô Nguyễn Thanh Loan (60 tuổi, ở phường Định Công, quận Hoàng Mai) từng nghĩ rằng, khi cả 3 đứa con của mình đều lập nghiệp ở nước ngoài, thì có lẽ vợ chồng cô cũng ít nấu nướng, bày biện đi, bởi nhà chỉ có hai vợ chồng. “Nhưng rồi chính các con đã khiến tôi phải suy nghĩ lại”. Các con lớn lên, rời khỏi gia đình đến những đất nước xa xôi để học tập rồi lập nghiệp. Nhưng từ nơi xa, các con cô lại luôn hướng về gia đình, cội nguồn. Vì thế, cô Loan luôn chuẩn bị chu đáo mỗi bữa cơm truyền thống Việt trong ngày, rồi chụp ảnh gửi cho các con qua facebook. ở nơi xa, các con của cô lại tiếp tục giữ gìn rồi lan tỏa văn hóa Việt.

“Nhớ thưở xưa, khi chồng mình xa nhà lần đầu đi học dài ngày, mình phải viết cả xấp công thức nấu ăn để anh làm theo mỗi khi vào bếp. Lần đi học tiếp theo, dài gấp đôi lần đầu, thì xấp giấy đem theo còn dày hơn nữa. Đến đời con mình đã có mạng xã hội, mình viết công thức từng món, từng bước kèm theo ảnh chụp rồi đăng vào một trang riêng cho con tiện theo dõi, để con mình cảm thấy dễ dàng hơn khi nấu ăn mỗi ngày”, cô Loan kể.

Hiện tại 3 con của cô Loan đang học tập, làm việc tại 3 đất nước khác nhau, mỗi nơi chênh nhau chừng 6 đến 7 tiếng đồng hồ, vậy mà vợ chồng cô và các con cảm giác như vẫn gặp nhau hàng ngày, và còn thêm bao nhiêu kiến thức về ẩm thực, văn hoá, địa lý, lịch sử nhờ vào trải nghiệm của từng thành viên trong gia đình. Các con của cô, dù ở xa xôi, ngày ngày tiếp nhận và sống cùng văn hóa của một đất nước khác, nhưng nhờ có gia đình luôn ở bên nên không khi nào thấy vơi đi nét Việt Nam trong con người mình. “Các cháu vẫn rất mê nem rán, thích ăn bánh chưng, thích được mẹ nấu phở gà… Tôi nghĩ những điều đó bình dị, nhưng cũng là cách các cháu không quên thương nhớ về đất nước mình”, cô Loan cho biết.

Yêu nước ngày hôm qua là dũng cảm hy sinh. Yêu nước hôm nay là học tập tốt, lao động tốt, sống ý nghĩa từng ngày và có ý thức cao trước những vấn đề của đất nước. Tình yêu nước trong giới trẻ chưa bao giờ bị suy giảm mà đã và đang xuất hiện một cách gần gũi, giản đơn và đa chiều hơn. Lòng yêu nước không hẳn những kỳ vọng quá lớn lao, giáo điều, mà gần gũi như hơi thở, bình yên như trong mỗi nếp nhà.