Đầu tư kém hiệu quả góp phần khiến Viglacera Hạ Long chìm trong thua lỗ

Admin
Năm 2024, Công ty CP Viglacera Hạ Long tiếp tục ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 66,5 tỷ đồng, trong khi năm 2023 lỗ 69,4 tỷ đồng.

Thua lỗ năm thứ 2 liên tiếp 

Theo báo cáo tài chính quý IV/2024, Công ty CP Viglacera Hạ Long (Viglacera Hạ Long; HNX: VHL) ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 335 tỷ đồng, và mức lợi nhuận gộp hơn 39 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, trong kỳ VHL ghi nhận các khoản chi phí lớn từ chi phí bán hàng, chi phí quản lý, chi phí khác, cùng với các khoản thua lỗ trong hoạt động góp vốn đã khiến kết quả lợi sau thuế của VHL ghi nhận thua lỗ trong quý IV.

Cụ thể, quý này, VHL ghi nhận các khoản gồm chi phí bán hàng, chi phí quản lý là hơn 42 tỷ đồng. Bên cạnh các khoản chi phí khác 7,1 tỷ đồng và khoản thua lỗ từ hoạt động góp vốn hơn 3,6 tỷ đồng đã kéo tụt lợi nhuận của VHL về mức âm 15,5 tỷ đồng, có giảm gần 10 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023 khi lỗ hơn 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Giải trình về chênh lệch trong kết quả kinh doanh quý IV/2024 so với cùng kỳ năm trước, VHL cho rằng năm nay chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào có giảm so với cùng kỳ, đồng thời, giá bán sản phẩm có chiều hướng tăng hơn giúp lợi nhuận đơn được cải thiện so với cùng kỳ năm 2023.

Đầu tư kém hiệu quả góp phần khiến Viglacera Hạ Long chìm trong thua lỗ- Ảnh 1.

Viglacera là một trong những đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu Việt Nam. (Ảnh: Viglacera).

Tương tự, kết quả kinh doanh năm 2024 của VHL bị bào mòn lớn từ các khoản như: lỗ trong công ty liên doanh liên kết hơn 20 tỷ đồng, chi phí khác 22,8 tỷ đồng, bên cạnh khoản chi thường xuyên cho chi phí quản lý và chi phí bán hàng khoảng 142 tỷ đồng...

Những kết quả này khiến VHL ghi nhận năm thứ hai liên tiếp thua lỗ với lợi nhuận sau thuế âm 66,5 tỷ đồng, giảm 3 tỷ đồng so với mức thua lỗ của năm 2023.

Hoạt động đầu tư kém hiệu quả

Tại ngày 31/12/2024, VHL ghi nhận tổng tài sản đạt hơn 728 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ so với cùng kỳ. Trong đó tài sản ngắn hạn hơn 422 tỷ đồng, tập trung ở các khoản mục như: tiền tương đương tiền 68 tỷ đồng, hàng tồn kho 278 tỷ đồng, phải thu 41 tỷ đồng. Còn lại tài sản dài hạn đạt hơn 306 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định với 263 tỷ đồng.

Trong đó, hoạt động đầu tư vào các công ty liên doanh liên kết của VHL ghi nhận kết quả tiêu cực trong năm 2024 khi ghi nhận mức thua lỗ hơn 20,4 tỷ đồng. Kéo theo đó, giá trị các khoản đầu tư của VHL tại các công ty liên doanh liên kết bị sụt giảm giá trị lớn, cụ thể, khoản đầu tư vào Công ty CP Viglacera Hạ Long II còn hơn 8,247 tỷ đồng, giá gốc là 22 tỷ đồng; khoản đầu tư vào Công ty CP Viglacera Đông Triều hơn 28,460 tỷ đồng, giá gốc là 40 tỷ đồng. Ngoài ra là đầu tư tại Công ty CP Thương mại Viglacera 2 tỷ đồng, đã phải trích lập dự phòng 100% giá trị đầu tư. 

Đầu tư kém hiệu quả góp phần khiến Viglacera Hạ Long chìm trong thua lỗ- Ảnh 2.

Vigalcera Hạ Long là một đơn vị thành viên của Tổng Công ty Viglacera.

Bên cạnh đó, tại ngày cuối quý 4/2024, VHL đã phải thực hiện trích lập dự phòng hơn 24,7 tỷ đồng đối với các khoản phải thu như: tiền sử dụng đất, bồi thường và chi phí khác tại dự án 28ha Hoành Bồ 16,7 tỷ đồng, các khoản phải thu khác 4,5 tỷ đồng; lãi vay phải thu của Viglacera Đáp Cầu hơn 1 tỷ đồng... ngoài ra là nhiều khoản phải thu khác có giá trị dưới 1 tỷ đồng. 

Thời điểm cuối năm 2024, VHL ghi nhận nợ phải trả hơn 257 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản nợ như: nợ đối tác hơn 57 tỷ đồng, chi phí phải trả ngắn hạn 17 tỷ đồng và nợ người lao động hơn 37 tỷ đồng... Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của VHL ghi nhận hơn 471,8 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của chủ sở hữu 250 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển 261 tỷ đồng... và khoản lỗ lũy kế hơn 100 tỷ đồng.

Hiện, Tổng Công ty CP Viglacera đang nắm giữ 50,48% cổ phần của VHL. Trong khi đó, tại Tổng Công ty CP Viglacera, Bộ Xây dựng vẫn đang sở hữu 38,58% cổ phần.