
Thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng - Ảnh: VGP/Lê Anh
Thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng
Thị trường hàng hóa thế giới năm 2025 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp do các yếu tố địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, thị trường nội địa Việt Nam được xác định là "trụ cột" ổn định tăng trưởng kinh tế và "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp, đặc biệt khi xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức.
Quý I/2025, mặc dù các vấn đề bất ổn về chính trị, thương mại trên thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu và tác động mạnh đến chuỗi cung ứng hàng hóa, nhưng thị trường hàng hóa trong nước vẫn tương đối ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu vẫn luôn được bảo đảm, giá các mặt hàng không có biến động lớn (riêng mặt hàng thực phẩm như thịt lợn giá có biến động tăng cao trong nửa cuối quý I nhưng sau đó đã dần ổn định).
Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I năm 2025 đạt 1.708.252 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó nhóm có mức tăng cao là lương thực, thực phẩm, hàng văn hóa phẩm, giáo dục (tăng lần lượt 10,1% và 13,3%); nhóm du lịch, dịch vụ và lưu trú, ăn uống (tăng từ 12,5 và 18,3%);
Cũng theo số liệu của Cục Thống kê, quy mô thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện đạt khoảng 4.922.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 190 tỷ USD, số liệu năm 2024), trong đó, tiêu dùng cho nhóm hàng lương thực, thực phẩm vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất là 35,7%, tiếp đến là nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình chiếm 10,7%, nhóm hàng may mặc chiếm 5,5%, nhóm phương tiện đi lại chiếm 4,8%...
Hàng hóa được phân phối, bán cho người tiêu dùng qua hệ thống hạ tầng thương mại đang phát triển liên tục cùng với quá trình đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và đô thị hóa tại các địa phương trên cả nước. Tính đến cuối năm 2024, cả nước có 8.274 chợ, 1.293 siêu thị, 276 trung tâm thương mại và khoảng gần 7.000 cửa hàng tiện lợi.
Theo các chuyên gia, hiện thị trường bán lẻ Việt Nam đang được coi là thị trường tương đối tiềm năng, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp bán lẻ lớn trên thế giới. Trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp bán lẻ lớn như Aeon (Nhật), Lotte (Hàn Quốc), Central Retail, MM Mega market (Thái Lan)... đã không ngừng đầu tư và phát triển các địa điểm bán lẻ tại nhiều địa phương trên cả nước. Các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng mua bán hàng hóa trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki... cũng mở rộng và phát triển mạnh hoạt động bán hàng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ lớn trong nước như Sai Gon Co.op, Hapro mart, Wincommerce, Bách Hóa Xanh... cũng liên tục phát triển hệ thống bán lẻ trên cả nước.
Đề xuất các giải pháp đồng bộ để kích cầu tiêu dùng
Về thực trạng thị trường tiêu dùng trong nước, đại diện các doanh nghiệp phân phối cho biết, tâm lý tiêu dùng hiện vẫn còn thận trọng, sức mua dù đã có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa đạt mức tăng trưởng rõ rệt.

Các đại biểu đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước - Ảnh :VGP/Lê Anh
Ông Phan Văn Chinh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường trong nước, nhìn nhận các chương trình hỗ trợ như giảm thuế VAT, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp bán lẻ, thúc đẩy đầu tư công giúp tăng thu nhập cho người lao động trong các ngành xây dựng, hạ tầng qua đó thúc đẩy tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, về lâu dài, động lực tăng trưởng cho tiêu dùng trong nước phải đến từ sự phối hợp chặt chẽ giữa đầu tư công, cải cách thể chế và phát triển thị trường trong nước. Đặc biệt, cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế cần được đẩy mạnh nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Trước bối cảnh hiện tại, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi với xu hướng mua sắm online và nhu cầu về sản phẩm xanh, có nguồn gốc rõ ràng.
Ông Linh kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, doanh nghiệp và toàn xã hội để phát huy chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tài chính tín dụng - quản lý nhà nước. Từ đó, xây dựng thị trường nội địa năng động, hiện đại và bền vững.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp đồng bộ để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường. Theo đó, Bộ Công Thương cần tăng cường phối hợp với Sở Công Thương các địa phương, các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, kết hợp với việc triển khai các chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Cùng với đó, xây dựng chính sách và các chương trình kích cầu tiêu dùng, các chương trình khuyến khích mua sắm tập trung trên phạm vi toàn quốc.
Trước đó, ngày 4/4, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025, trong đó đã giao các nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng; đồng thời giao nhiệm vụ và chỉ tiêu tăng trưởng thị trường bán lẻ cụ thể cho từng địa phương nhằm phấn đấu đạt mục tiêu chung là đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, góp phần tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Lê Anh