Để Cần Thơ trở thành thành phố đáng sống, văn minh, hiện đại

Admin
(Chinhphu.vn) – Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2020 về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ xác định rõ: “Xây dựng Cần Thơ sớm trở thành đô thị xanh - thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; trở thành thành phố đáng sống của Việt Nam, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á vào năm 2045”.
Để Cần Thơ trở thành thành phố đáng sống, văn minh, hiện đại- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường - Ảnh: VGP/LS

Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ về những giải pháp căn cơ để thực hiện có hiệu quả chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong năm bản lề 2025.

Năm bứt tốc đạt và vượt các chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ

- Thưa Chủ tịch, xin ông cho biết những kết quả quan trọng về KT-XH, quốc phòng và an ninh, an sinh xã hội mà thành phố đạt được trong năm 2024?

TS. Trần Việt Trường: Năm 2024 là năm đánh dấu sự phục hồi của nền kinh tế, là năm bứt tốc giúp TP. Cần Thơ hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ.

Tôi có thể tóm tắt một vài con số để độc giả hình dung được những kết quả mà TP. Cần Thơ đạt được trong năm qua.

Đó là, quy mô nền kinh tế đạt trên 133.000 tỷ đồng, tăng 11,47%; GRDP bình quân đầu người 105,07 triệu đồng, tăng 10,8%; thu ngân sách nhà nước đạt trên 12.558 tỷ đồng, tăng 11,62%; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt trên 2,2 tỷ USD, tăng 4,91%; sản xuất công nghiệp tăng 7,2%; tổng lượt khách đến thành phố ước đạt 6,37 triệu lượt, tăng 6%; doanh thu từ du lịch đạt 6.226 tỷ đồng, tăng 15%.

Về xã hội, thành phố đã thực hiện tốt chính sách giảm nghèo bền vững. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,09% (tương đương 350 hộ nghèo), vượt kế hoạch năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2025; có 2/9 quận, huyện (Bình Thủy, Phong Điền) không còn hộ nghèo. Thành phố đã tích cực triển khai phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát", đã xây dựng, sửa chữa 645 căn; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách với tổng kinh phí 37,3 tỷ đồng.

Thành phố công nhận 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 100% kế hoạch. Đến nay, toàn thành phố có 36/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội, công tác quốc phòng, quân sự địa phương đảm bảo tốt, hoàn thành công tác tuyển quân năm 2024 đạt kế hoạch; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm được chú trọng; công tác phòng, chống tội phạm được đẩy mạnh, tạo môi trường sống an toàn cho nhân dân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho thành phố.

Để Cần Thơ trở thành thành phố đáng sống, văn minh, hiện đại- Ảnh 2.

Chủ tịch Trần Việt Trường tặng quà gia đình chính sách phường Bùi Hữu Nghĩa - Ảnh: VGP/LS

Những giải pháp căn cơ nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 59-NQ/TW

- Để phát huy vai trò trung tâm, đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ, thành phố cần có giải pháp quyết liệt nào để đạt thành tựu như kỳ vọng, thưa Chủ tịch?

TS. Trần Việt Trường: Đúng vậy. Để đạt được những kết quả đáng khích lệ nêu trên, cần có sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị của thành phố và mỗi người dân. Qua đó, từng bước nâng cao vai trò trung tâm, đô thị hạt nhân Vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt là tích cực góp phần chung với đất nước bước vào "Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" đúng theo tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Nhằm tiếp tục hiện thực hóa Nghị quyết 59-NQ/TW, đòi hỏi TP. Cần Thơ cần tiếp tục chung sức, đồng lòng quyết liệt thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:

Thứ nhất, phát triển đồng bộ hạ tầng KT-XH tạo đột phá phát triển thành phố, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng, gắn chặt với đầu tư các công trình thủy lợi, kiểm soát lũ, phát triển mạng lưới đô thị, hạ tầng số. Tập trung hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm do thành phố quản lý và các tuyến Cao tốc đi qua TP. Cần Thơ.

Thứ hai, đẩy mạnh CCHC, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả, hướng đến nâng cao chất lượng phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố đáp ứng yêu cầu tình hình mới; xây dựng con người Cần Thơ phát triển toàn diện với tiêu chí: "Trí tuệ, năng động, hào hiệp, nhân ái, thanh lịch".

Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với đảm bảo QPAN và trật tự an toàn xã hội; giữa Quy hoạch KT-XH thành phố với Quy hoạch thế trận quân sự, khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh.

Thứ năm, hoàn thành triển khai Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo hướng tích hợp, phù hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng ĐBSCL. Quy hoạch đô thị sông nước sinh thái, văn minh và hiện đại; Đẩy mạnh liên kết chuỗi đô thị vệ tinh trong vùng; mở rộng không gian đô thị, hình thành Khu đô thị mới khoa học công nghệ, giáo dục, y tế, tạo đà bứt phá cho phát triển.

Để Cần Thơ trở thành thành phố đáng sống, văn minh, hiện đại- Ảnh 3.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường thị sát và tặng quà kỹ sư, công nhân xây dựng dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Ảnh: VGP/LS

Nâng cao ‘vị trí trung tâm, đô thị hạt nhân’

- Vậy những "điểm nhấn" cụ thể, hiệu quả trong thu hút đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, tạo động lực mạnh mẽ cho thành phố phát triển, xứng đáng là đô thị trung tâm, kết nối của cả vùng ĐBSCL là gì, thưa ông?

TS. Trần Việt Trường: Để xứng đáng là đô thị trung tâm, kết nối của cả vùng ĐBSCL, thành phố xác định một số "điểm nhấn" trong công tác kêu gọi thu hút đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, như sau:

Các nguồn vốn đầu tư được huy động, khai thác mạnh mẽ, đa dạng về hình thức, phát huy tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển. Giai đoạn 2020-2024, thành phố có 8.440 doanh nghiệp mới thành lập, với tổng vốn đăng ký hơn 74.000 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư trong nước (ngoài khu công nghiệp) 16 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 53.000 tỷ đồng; lũy kế cuối năm 2024, thành phố có 96 dự án đang thực hiện. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài được 23 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,53 tỷ USD; lũy kế đến cuối năm 2024, thành phố có 79 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,23 tỷ USD.

Hiện tại, thành phố đã có 05 khu công nghiệp đang hoạt động, 01 khu công nghiệp đang triển khai xây dựng (Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 1). Các khu công nghiệp thu hút được 19 dự án thứ cấp, tổng vốn đầu tư đăng ký 212 triệu USD; lũy kế đến cuối năm 2024, các khu công nghiệp có 258 dự án còn hiệu lực; doanh thu của các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp khoảng 2.590 triệu USD, giá trị xuất khẩu 644,7 triệu USD; giải quyết việc làm cho 45.252 lao động.

Nhất là Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 là dự án khu công nghiệp tập trung đầu tiên của Tập đoàn VSIP tại khu vực ĐBSCL, được xác định là dự án trọng điểm của Cần Thơ. Thành phố quy hoạch 04 cụm công nghiệp Bình Thủy, Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ, quy mô mỗi cụm khoảng 75 ha; hiện đang trong giai đoạn kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng, định hướng phát triển cụm công nghiệp thành phố nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về nguyên liệu, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. 

Đồng thời, thành phố tập trung phối hợp triển khai hiệu quả Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Đầu tư phát triển Trung tâm điện lực Ô Môn thành trung tâm năng lượng toàn vùng ĐBSCL.

Thành phố quan tâm phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin vào vận hành hoạt động tăng trưởng xanh. Triển khai Đề án thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP.Cần Thơ. Tận dụng chuyển đổi số trên các lĩnh vực, gắn với xây dựng, phát triển đô thị thông minh; thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nâng cao năng lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kết nối với 14 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở ươm tạo công nghệ; thành lập 04 mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Cần Thơ và cả Vùng.

Có chính sách trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có tài năng, tạo điều kiện thuận lợi để sáng tạo và cống hiến. Hiện có 68 tổ chức hoạt động khoa học công nghệ với 6.768 người nghiên cứu khoa học công nghệ. Các chuyên gia, nhà khoa học có nhiều đóng góp tích cực trong nghiên cứu, tư vấn phản biện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và Vùng.

Để Cần Thơ trở thành thành phố đáng sống, văn minh, hiện đại- Ảnh 4.

Chủ tịch Trần Việt Trường thăm hỏi gia đình bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - Ảnh: VGP/LS

Thực hiện thành công nhiệm vụ và tầm nhìn chiến lược

- Thưa Chủ tịch, những giải pháp để phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững quốc phòng và an ninh của thành phố trong giai đoạn tới là gì?

TS. Trần Việt Trường: Trong giai đoạn tới, chiến lược và tầm nhìn phát triển KT-XH của thành phố Cần Thơ là tiếp tục nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững quốc phòng và an ninh của TP.Cần Thơ phải phát triển bền vững, đảm bảo an toàn, công bằng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Theo đó, thành phố tập trung các giải pháp sau:

Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tạo sự bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước, xuất nhập khẩu; đẩy mạnh thương mại điện tử, hình thành các trung tâm thương mại cấp Vùng.

Tăng cường công tác quy hoạch, phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Cần Thơ đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065. Hiện đại hóa đô thị Cần Thơ mang đặc trưng đô thị sông nước sinh thái, văn minh và hiện đại. Nâng cao năng lực quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, kiểm soát chặt chẽ chất thải đô thị, nông thôn, các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế.

Tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng gắn với đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại với nhiều tuyến đường bộ cao tốc, đường vành đai, các đường liên tỉnh, các luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, phát triển sân bay Cần Thơ, hoàn thành tuyến đường sắt kết nối với TPHCM, cảng biển quốc tế Cái Cui, tiếp tục triển khai các nhà máy điện Ô Môn 2, 3 và 4, đường ống dẫn khí lô B, đẩy nhanh tiến độ dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ.

Đồng thời với phát triển KT-XH, thành phố thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội; hoàn thiện hệ thống y tế, các bệnh viện theo hướng hiện đại; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, hệ thống giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; đầu tư hạ tầng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, kết nối nông thôn - đô thị, kết nối vùng, miền.

Đẩy mạnh triển khai, đa dạng hóa các hoạt động đối ngoại, nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế gắn với ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa, vận dụng sáng tạo, linh hoạt nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố. Tăng cường xúc tiến, thu hút FDI, ODA theo hướng chọn lọc, ưu tiên các dự án hợp tác có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có nguồn vốn lớn, giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa mạnh.

Xây dựng thành phố trở thành địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng và an ninh của vùng ĐBSCL và cả nước, kết hợp phát triển KT-XH với xây dựng nền quốc phòng và an ninh, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.

Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn 2045, TP. Cần Thơ trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục của vùng ĐBSCL. Theo đó, TP. Cần Thơ đặt mục tiêu trở thành đô thị phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, công nghệ cao, giáo dục và du lịch; thu hút đầu tư và trở thành đầu tàu kinh tế của vùng ĐBSCL, tập trung nâng cao chất lượng sống, phát triển bền vững. Hướng đến một môi trường sống lý tưởng với chất lượng y tế, giáo dục, nhà ở và hạ tầng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội, xứng đáng với vai trò là trung tâm, động lực, đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL.

- Thành phố thực hiện việc tinh giản bộ máy hành chính mà Tổng Bí thư Tô Lâm và Trung ương chỉ đạo sẽ sẽ tạo ra vận hội mới thế nào cho thành phố trong thời gian tới, thưa Chủ tịch?

TS. Trần Việt Trường: Lãnh đạo thành phố xác định rõ, thực hiện tinh giản bộ máy hành chính quyết liệt và hiệu quả là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm nguồn lực và phục vụ người dân tốt hơn. Thành phố khẩn trương triển khai rốt ráo chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Cụ thể, TP. Cần Thơ dự kiến giảm ít nhất 19 tổ chức, cơ quan, đơn vị; thành phố quyết tâm hoàn thành trước Đại hội Đảng bộ TP. Cần Thơ lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025-2030. Thực hiện tốt việc này sẽ góp phần tạo ra "thế và lực" lớn mạnh, vận hội mới cho TP. Cần Thơ cùng cả nước bước vào Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Việc tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính hiệu quả cũng mở ra nhiều cơ hội cho Cần Thơ. Đó là xây dựng chính quyền hoạt động hiệu quả, minh bạch, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp tốt hơn; vững tin tiến vào Kỷ nguyên mới với tâm thế "Cần Thơ sẽ sớm trở thành đô thị xanh - thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; trở thành thành phố đáng sống của Việt Nam, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á vào năm 2045", đúng mục tiêu của Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch!

Lê Sơn (thực hiện)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trước 31/12/2025Thủ tướng yêu cầu hoàn thành cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trước 31/12/2025
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Thủ tướng: Nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ và tới Cà MauThủ tướng: Nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ và tới Cà Mau
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Khẩn trương bổ sung nguồn vật liệu còn thiếu cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà MauKhẩn trương bổ sung nguồn vật liệu còn thiếu cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau chậm tiến độ, Bộ GTVT ra 'tối hậu thư' thay thế nhà thầuCao tốc Cần Thơ-Cà Mau chậm tiến độ, Bộ GTVT ra 'tối hậu thư' thay thế nhà thầu