Để nông sản không còn “đến hẹn lại tắc” phải chấp nhận làm lại gần như từ đầu

Admin
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các hiệp hội, ngành hàng sẽ giúp cho Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại thị trường nông sản. Đây là giải pháp căn cơ .Chúng ta phải chấp nhận làm lại gần như là từ đầu về một hệ sinh thái, một chuỗi ngành hàng nông sản.

Doanh nghiệp mua nông sản thế nào thì người nông dân sẽ sản xuất thế đó

Chia sẻ về vấn đề tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Bộ NNPTNT cùng Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức, hướng dẫn doanh nghiệp về thông tin thị trường nông sản các nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất thờ ơ.

Theo Bộ trưởng, bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải năng động, tìm kiếm những thông tin thị trường, trong đó có quy định cụ thể đối với từng loại thị trường để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Trung Quốc đã chuyển từ thị trường dễ tính sang khó tính từ lâu rồi. Họ đã thông báo cho mình, chứ không phải đột ngột. Doanh nghiệp là người dẫn dắt nông dân sản xuất, bởi doanh nghiệp mua như thế nào thì người dân sản xuất như thế đó.

Doanh nghiệp thấy thị trường Trung Quốc đã trở thành thị trường khó tính. Tầng lớp trung lưu nhiều, nhu cầu nông sản không như ngày xưa nữa thì chính doanh nghiệp sẽ dẫn dắt người nông dân sản xuất. Ở đây có câu chuyện doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang "dễ dãi với chính mình".

Đối với doanh nghiệp, có thể chấp nhận ùn ứ một chuyến hàng này ở cửa khẩu, nhưng đến chuyến sau lại có lãi và lấy lại được, dù điều này cũng khó khăn chứ không dễ dàng gì. Nhưng đối với bà con nông dân, không bán được hàng là gần như mất trắng. Bởi bà con chỉ có bấy nhiêu đó thôi.

Sản xuất nông sản: Phải chấp nhận gần như làm lại từ đầu

"Nếu tư duy cách sản xuất như vậy thì không thể thay đổi ngày một ngày hai. Và nếu cơ quan Nhà nước đi kiểm tra chất lượng thì việc cũng đã rồi", Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ và nhấn mạnh: Vai trò của hiệp hội ngành hàng là vô cũng quan trọng trong nền kinh tế thị trường.

Theo ông, nhà nước không thể điều chỉnh nông dân sản xuất gì. Đây là vai trò của hiệp hội, ngành hàng. Các hiệp hội, ngành hàng thông qua các thành viên của mình để dẫn dắt quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cơ cấu lại thị trường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các hiệp hội, ngành hàng sẽ giúp cho Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại thị trường nông sản.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đây là giải pháp căn cơ và phải chấp nhận làm lại gần như là từ đầu về một hệ sinh thái, một chuỗi ngành hàng nông sản.

Bộ trưởng bày tỏ: "Tôi phát hiện, mọi cái bẫy đối với chúng ta nằm ở 3 chỗ. Nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó. Doanh nghiệp tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó. Còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ.

Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi. Rồi khi gặp vấn đề, chúng ta lại trách thị trường khó tính, gây ùn ứ. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, chính chúng ta phải xem lại mình trước"./.