Đề xuất hành vi chiếm đoạt, hủy hoại tài sản gia đình là bạo lực về kinh tế

Admin
Bộ Công an sẽ bổ sung hành vi chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình là hành vi bạo lực về kinh tế theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Bộ Công an đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Tại dự thảo Nghị định, Bộ Công an sẽ bổ sung hành vi chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình là hành vi bạo lực về kinh tế theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Với hành vi này, cá nhân sẽ có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Hiện hành tại Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân có các hành vi bạo lực về kinh tế sau đây sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng:

- Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.

- Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.

- Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.

Lưu ý, mức phạt tiền trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng

Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác và phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Về quy định chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, hành vi này sẽ do vợ chồng thỏa thuận.

Tuy nhiên, nếu tài sản chung thuộc các loại tài sản sau đây thì việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng:

- Bất động sản;

- Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

- Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Tuệ Minh